Đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề: Bám sát nhu cầu doanh nghiệp

Dung Hòa 23/10/2021 07:20

Ngày 22/10, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức tọa đàm trực tuyến: Các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Thiếu lao động sau dịch

Tại hội thảo, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ cho biết, Việt Nam đang là địa điểm thu hút nhiều tập đoàn lớn về công nghiệp điện tử trên thế giới, có 6 công ty điện tử lớn nhất đã xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, giống như các doanh nghiệp đang gặp phải, ngành công nghiệp điện tử hiện rất thiếu lao động sau dịch.

Theo bà Hương, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất điện tử, đặc biêt khu vực TP HCM và các tỉnh thành phía Nam. Tính đến ngày 21/10, các doanh nghiệp điện tử phía Nam mới thu hút được khoảng 60-70% lao động quay trở lại làm việc. Đơn cử, như các phân xưởng của Samsung tại Khu Công nghệ cao TP HCM dự định hoạt động 100% công suất trở lại trong tháng 11, nhưng với tình hình này vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân do tỷ lệ lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine chưa cao. Hiện tình trạng thiếu lao động vẫn đang khá trầm trọng.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp FDI, đào tạo của lao động Việt Nam chưa theo kịp nhu cầu của doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp khi tuyển công nhân đều phải đào tạo lại, mất ít nhất 1 tuần đến cả tháng với lao động giản đơn, còn với công nhân đứng máy phải mất vài tháng hoặc cử ra nước ngoài để đào tạo lại...

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM thông tin, từ tháng 4 đến tháng 9/2021 có đến 800 nhà máy tại TP HCM phải đóng cửa; 700 nhà máy thực hiện “3 tại chỗ”, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI do không thể để đứt gãy sản xuất, mất chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp phải thuê khách sạn, tốn thêm chi phí để thuê chỗ ở cho công nhân. Đến thời điểm hiện tại, TP HCM đã có đến 91% các doanh nghiệp quay lại hoạt động, 18 khu công nghiệp hoạt động bình thường mới, 70% lao động (khoảng 200 nghìn lao động) trở lại làm việc, còn khoảng 100.000 chưa trở lại. Ông Bé mong muốn cần sớm có chính sách để đưa người lao động trở lại làm việc.

Nhiều giải pháp khôi phục thị trường lao động

Ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng nhân sự, Sở LĐTBXH TP HCM cho biết: Thống kê cho thấy sau nới lòng giãn cách, trên 60% cơ sở sản xuất kinh doanh và khảo sát nhanh tháng 10/2021 chỉ rõ có 100 doanh nghiệp tuyển dụng khoảng 9.000 người đa dạng ở nhiều ngành nghề như chế biến, chế tạo… Riêng trong quý IV/2021, TP HCM cần 60.000 người lao động làm việc tại các nhà máy. Trong đó, tập trung 95% nhu cầu lao động ở khu vực ngoài nhà nước.

Trên thực tế, điều kiện tiên quyết để mở cửa lại nền kinh tế là nguồn nhân lực có thể trở lại làm việc. Theo bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), về vấn đề đào tạo lại, quá trình này phải bám sát vào nhu câu của doanh nghiệp; phải chú ý đến việc đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng chuẩn mực quốc tế. Tiếp đó, coi việc đào tạo nhân lực cho các ngành nghề mới là vấn đề trọng tâm cần phải quan tâm.

Bà Lan Anh cho biết, thời gian tới VCCI sẽ tiếp tục mở các lớp đào tạo trang bị kiến thức kỹ năng về sử dụng lao động cho doanh nghiệp. Các lớp đào tạo này sẽ giúp trang bị cho doanh nhân trong thời đại 4.0 các kỹ năng cần thiết về sử dụng lao động.

Để khôi phục lại thị trường lao động hậu Covid-19, TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy cho biết, Tổng cục GDNN đang xây dựng 2 phương án. Phương án 1 là đưa học sinh, sinh viên (HSSV) đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Theo đó, đưa 500 nghìn học sinh, sinh viên cơ bản (năm 1, năm 2); 500 nghìn HSSV thành thạo (năm 2 hoặc năm 3) vào làm việc tại doanh nghiệp. Trong đó, riêng khu vực trọng điểm Đông Nam Bộ có khoảng gần 200.000 học sinh, sinh viên thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tham gia tại doanh nghiệp. Phương án 2 là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của GDNN. Theo đó, HSSV sẽ được vừa học vừa làm tại doanh nghiệp để đảm bảo nâng cao tay nghề.

Ông Hùng nhấn mạnh, 2 phương án trên có thể huy động được HSSV tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 đang cần người lao động, cũng như đảm bảo được mục tiêu nâng cao tay nghề cho HSSV. Cùng với đó, tăng cường đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng nhân sự, Sở LĐTBXH TP HCM, ngành cơ khí chế tạo, bao bì, giao thông vận tải… đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động. TP HCM đã có một số giải pháp thu hút lao động như kế hoạch 1 triệu căn nhà giá rẻ cho lao động thu nhập thấp, chương trình đưa đón lao động trở lại nhà máy an toàn, xây dựng kế hoạch học nghề trực tiếp cho sinh viên nghề…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề: Bám sát nhu cầu doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO