Giáo dục

Đào tạo song bằng cấp trung học: Cơ hội đi liền thách thức

HẢI YẾN 14/04/2024 07:57

Từ năm học 2017-2018 đến nay, Hà Nội triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng cấp trung học. Hiện nay, đề án đang triển khai năm cuối ở cấp THCS; cấp THPT sẽ triển khai đến hết năm học 2024-2025. Sở GDĐT Hà Nội đánh giá đề án đạt kết quả vượt trội, tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn có một số tồn tại cần khắc phục.

bai-gd.jpg
Một tiết học tại Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh minh họa.

Nhiều ưu điểm vượt trội

Ông Hà Xuân Nhâm - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GDĐT Hà Nội) cho biết: Trong giai đoạn từ năm học 2017 - 2018 đến nay, Hà Nội có 2 trường THPT công lập triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài THPT Việt Nam và tú tài Anh quốc là Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ở cấp THCS có 7 trường triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE của Cambrige.

Tại các trường THPT, tính đến hết tháng 5/2023 đã có 246 học sinh hoàn thành chương trình song bằng và thi lấy chứng chỉ A-Level, trong đó: Trường THPT Chu Văn An có 125 học sinh, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có 121 học sinh. Qua thống kê, điểm thi ở một số bài thi, học sinh Hà Nội đạt tỉ lệ điểm cao hơn tỉ lệ trung bình của thế giới.

Bên cạnh việc đạt chứng chỉ A-Level, học sinh tham gia học chương trình song bằng cũng đạt kết quả rất tốt ở chương trình Việt Nam. 100% học sinh đạt học lực Giỏi và hạnh kiểm Tốt, có kỹ năng xã hội tốt, năng động và có năng lực tốt về Ngoại ngữ và Tin học. Đa số học sinh đều đỗ và đạt học bổng vào các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước. Hiện đã có 13 trường đại học hàng đầu ở Việt Nam nhận tuyển thẳng học sinh tốt nghiệp THPT Việt Nam, có chứng chỉ A-level.

Tại các trường THCS, kết quả học tập theo chương trình của Bộ GDĐT, học sinh hệ song bằng được đánh giá cao về mặt bằng chung kiến thức, trong đó tiếng Anh cùng một số kỹ năng khác được đánh giá vượt trội.

100% học sinh xếp loại học lực Giỏi, Khá. Không có học sinh gặp khó khăn với chương trình của Việt Nam. Nhiều học sinh hệ song bằng là thành viên nòng cốt tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp quận, thành phố và quốc tế.

Tham gia kỳ thi IGCSE ở tất cả các bộ môn của khóa đào tạo theo đề án, học sinh hệ song bằng đều có kết quả vượt trội, kết quả những khóa sau liên tục được cải thiện và cao hơn khóa trước.

Học sinh tham gia đề án, ngoài việc đạt kết quả tốt ở cả 2 chương trình còn có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Cụ thể, tại các trường THCS có 62 giải quốc gia và 102 giải quốc tế trong các kỳ thi.

Tính đến hết tháng 5/2023 đã có 891 học sinh tham gia Chương trình song bằng THCS Việt Nam và IGCSE của Cambrige. Trong đó có 231 học sinh tham gia thi ICGSE với thành tích nổi trội hơn so với điểm trung bình các môn thi trên thế giới.

Là trường công lập duy nhất của Hà Nội có hai cấp học (THPT và THCS) triển khai thí điểm chương trình song bằng và có 100% thầy cô trong Ban Giám hiệu, tổ bộ môn tham gia ban điều phối chương trình, bà Trần Thùy Dương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ, học sinh khối song bằng của trường luôn đạt kết quả cao tại các kỳ thi học sinh giỏi, kỳ thi lớp 10 chuyên và lớp 10 song bằng. Các em cũng giành nhiều học bổng cao của những trường đại học top đầu thế giới; luôn thể hiện tính sáng tạo trong chương trình chính khóa, ngoại khóa...

Lê Quỳnh Chi - học sinh lớp 9C2 Trường THCS Ngô Sĩ Liên cho hay, chương trình song bằng giúp em phát triển kỹ năng ngôn ngữ, tăng cường tương tác và thực hành giao tiếp. Đồng thời giúp em được thể hiện bản thân một cách tự tin, năng động; sẵn sàng chủ động giao lưu, hội nhập.

Cần nỗ lực gấp nhiều lần

Nói về khó khăn trong triển khai đề án, ông Hà Xuân Nhâm cho biết thêm: Đội ngũ quản lý, điều phối và giáo viên dạy chương trình Việt nam đang trong quá trình tích luỹ kinh nghiệm và học hỏi.

Ngoài công việc được giao khi thực hiện chương trình Cambridge, các thầy cô vẫn tiếp tục kiêm nhiệm và đảm bảo thực hiện đủ các công việc khác trong nhà trường nên chưa có quỹ thời gian tham gia đào tạo, tập huấn và tự trau dồi nghiên cứu để tìm hiểu sâu về chương trình và hỗ trợ hiệu quả cho học sinh. Tài chính phân bổ cho việc bồi dưỡng và phát triển nguồn lực nhân sự cho chương trình còn chưa được quy định rõ ràng và hợp lý.

Về phía học sinh, vì phải học đồng thời 2 chương trình, lịch học trong tuần khá dày, khối lượng bài tập tương đối lớn nên thiếu thời gian cho các hoạt động ngoại khóa và phát triển bản thân. Ở cấp THCS, học sinh bắt đầu tham gia học một số môn bằng tiếng Anh cũng gặp một số trở ngại ban đầu.

Ở cấp THPT, môn Kinh tế/Kinh doanh là một môn mới nên kết quả thấp hơn các môn Khoa học tự nhiên do học sinh chưa được tiếp cận từ bậc học THCS...

Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cũng nhận định: Trong quá trình triển khai đề án vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Bước đầu đã xây dựng được một đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm, nhưng số lượng cán bộ quản lý giáo viên có thể đảm nhận vị trí điều phối, giáo viên chính thức đứng lớp giảng dạy chương trình Cambridge quốc tế còn quá mỏng, dẫn đến chưa thể chủ động về nguồn nhân lực.

Đã có 5 trường được công nhận là trường thành viên của Cambridge nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là hệ thống phòng chức năng vẫn chỉ đáp ứng được phần nào theo chuẩn của chương trình Cambridge, vẫn cần tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện nhằm đảm bảo hoạt động thí nghiệm, thực hành, trải nghiệm thực tế của học sinh hệ song bằng…

Để có thể tiếp tục triển khai đề án ở giai đoạn tiếp theo, ông Cương đề nghị các nhà trường tiếp tục hoàn thiện xây dựng đề án cho giai đoạn mới, khi đã có đầy đủ hành lang pháp lý sẽ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong đó cần tập trung nghiên cứu tham mưu đề xuất cơ chế chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác xây dựng đội ngũ giáo viên nòng cốt tham gia giảng dạy chương trình quốc tế tại các trường công lập, phấn đấu có một đội ngũ giáo viên quốc tế ổn định về số lượng, bảo đảm về chất lượng theo đúng các tiêu chí của chương trình Cambridge; tăng cường vai trò quản trị của nhà trường, nâng cao năng lực quản lý, điều hành chương trình, từng bước đảm nhận vai trò chính trong điều phối, triển khai thực hiện chương trình quốc tế.

Cùng đó, các nhà trường cũng cần phát huy vai trò của mô hình giáo dục mới trong hội nhập quốc tế, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phấn đấu trở thành mô hình quản lý mẫu mực, là nơi học tập, chuyển giao kỹ năng, phương pháp giảng dạy tiên tiến giữa giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục Việt Nam và giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục quốc tế; đề xuất cơ chế tài chính, bảo đảm nguyên tắc minh bạch, công khai theo đúng quy định của pháp luật…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo song bằng cấp trung học: Cơ hội đi liền thách thức