Đất thiêng

Khúc Hà Linh 10/03/2021 10:00

Chuyện nhuốm màu huyền thoại, nhưng gợi niềm tự hào dân tộc, trở thành sức mạnh tinh thần kỳ diệu của người dân quê, trong cuộc vật lộn với thiên nhiên, và giặc giã để sinh tồn.

Chuyện xưa kể rằng: Thuở ấy, có ông thầy Tầu cao tay, đêm đêm nhìn về bầu trời Đại Việt thấy vượng khí loang ra khắp một vùng, biết là đã xuất hiện nhân tài kiệt hiệt. Ông dò tìm phương vị, về phía đông thành Thăng Long, thuộc đất Phượng Nhỡn, định yểm bùa trấn áp. Nhưng lạ thay, khi ra đến giữa dòng sông Bằng Hà, bỗng nhiên trời tối sầm, rồi ba ba thuồng luồng nổi lên cùng sóng gió, dìm thuyền xuống đáy nước. Thầy Tầu thoát chết, kinh hồn bạt vía, ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Đất thậm thiêng!”.

Chẳng biết thực hư ra sao, mà dải đất ấy, về sau có tên gọi Chí Linh?

Cồn đất mang hình thanh gươm trên sông Thương.

Từ miền đất thiêng…

Chuyện nhuốm màu huyền thoại, nhưng gợi niềm tự hào dân tộc, trở thành sức mạnh tinh thần kỳ diệu của người dân quê, trong cuộc vật lộn với thiên nhiên, và giặc giã để sinh tồn.

Lục Đầu Giang hội tụ khí trời và hồn nước, là hợp lưu của sáu con sông: Thiên Đức, Nguyệt Đức, Lục Nam, sông Thương, sông Thái Bình và Kinh Thầy... Khi con gà ở đây cất lên tiếng gáy, như có phép thần, gọi những bếp lửa làng quê thuộc ba tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang bừng lên...
Ở đây sử sách còn nhắc tới vụng Trần Xá, bến nước Bình Than… và câu chuyện Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, khi không được dự họp với triều thần bàn kế đánh giặc Nguyên Mông. Chàng trở về chiêu quân bản bộ, giương cao ngọn cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo Hoàng ân”.

Trên miền đất này có đền Vạn Kiếp.

Nằm trong một quần thể, núi sông nương tựa chế hoá lẫn nhau theo thuyết phong thuỷ phương Đông, Vạn Kiếp có dãy núi Rồng hình tay ngai, bao bọc lấy thung lũng đầy thơ mộng. Hai nhánh núi Rồng tiến sát ra dòng sông tạo thành hai mũi nhọn Bắc Đẩu và Nam Tào. Vạn Kiếp hùng vĩ và ngoạn mục. Một vùng đất dụng võ, là vị trí quân sự trọng yếu của nhà Trần.

Mảnh đất thiêng liêng này đã trở thành phủ đệ, đại bản doanh của Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm thế kỷ 13 của quân dân Đại Việt.

Mấy trăm năm sau, không gian còn vẳng tiếng hịch văn bất hủ: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”, còn thấm đượm lời cảm khái vắt ra từ gan ruột của vị tướng già, tác giả của “Binh thư yếu lược”, của “Vạn kiếp tông bí truyền thư”, khi ông trăng trối trước quân vương, lúc lâm chung “Khoan thư sức dân, làm kế sâu bền rễ. Đó là thượng sách giữ nước...”

Trong đê là đền thờ, ngoài đê là sông Thương. Thật diệu kỳ, gần nghìn năm nay, giữa bốn bề sóng nước nổi lên một cồn đất mang hình lưỡi gươm… Người ta truyền rằng: Năm xưa Trần Quốc Tuấn chém giặc, gươm của ngài đã văng ra. Rồi từ lòng sông đùn lên dải đất có hình như thế. Nó trơ trơ cùng tuế nguyệt, như nhắc nhở đời sau rằng, muốn giang sơn bình yên, bền vững phải luôn cảnh giác đề phòng, không xa rời vũ khí trước hiểm hoạ xâm lăng?

Cách Vạn Kiếp chừng dăm cây số về phía đông bắc là khu rừng thông Côn Sơn, một bức tranh thiên nhiên khoáng đạt đầy âm thanh hương sắc: “Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bầy. Hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới... Xa vời mà hư không, sâu thẳm mà yên lặng...” (Nguyễn Phi Khanh)

Côn Sơn thơ mộng, kỳ ảo bởi ngọn núi Kỳ Lân có dáng con sư tử khổng lồ, sau năm tháng phiêu du đã dừng chân ở đây nhìn về phương Đông ngẫm nghĩ?

Côn Sơn là quê hương Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc. Từ nhỏ ông đã từng sống với người ông ngoại Trần Nguyên Đán và những năm tháng cuối cùng oan khuất của cuộc đời.

Mùa xuân năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Côn Sơn. Tuy cách nhau hơn 5 thế kỷ, nhưng hai tâm hồn vĩ đại, hai trái tim lớn đã gặp nhau. Âu cũng là sự xui khiến của đất trời?

Cách Côn Sơn không xa về phía nam, là khu vực đền Cao cổ kính, linh thiêng, có niên đại hơn 1.000 tuổi. Đền tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Bồng, xung quanh tỏa bóng rừng lim cổ thụ nguyên sinh, dựa lưng vào dãy núi Voi, trước mặt là dòng Nguyệt Giang uốn lượn. Quần thể đền Cao xây dựng từ thời Tiền Lê (năm 981) thờ 5 vị tướng là anh em ruột họ Vương có công giúp vua Lê Đại Hành đánh tan giặc Tống. Chiến thắng khải hoàn, đất nước sạch bóng thù, thì sau đó lần lượt cả 5 vị thăng hóa về trời. Nhà vua phong mỹ tự cho 5 ngài, và cho phép chúng dân xây dựng đền thờ quanh năm cúng tế.

Đó là:

Thiên Bồng Đại tướng quân Đại vương Vương Đức Minh
Dực Thánh Linh ứng Đại vương Vương Đức Xuân
Anh Vũ Dũng Lược Đại vương Vương Đức Hồng.
Đào Hoa Trinh Thuận Công chúa Vương Thị Đào
Liễu Hoa Linh Ứng Công chúa Vương Thị Liễu,

Nội điện “Thượng tể cổ trạch” thờ Tể tướng Trần Quốc Chẩn.

…Đến “Chí Linh bát cổ”

Lại thêm một điều kỳ diệu nữa. Trên một không gian rộng chưa đầy ba mươi cây số vuông, đất Chí Linh xưa có tới 8 di tích cổ kính, mà đương thời mệnh danh là “Chí Linh bát cổ”, bởi gắn liền với các nhân vật nổi tiếng trong sử Việt.

Đó là “Tinh phi cổ tháp”, gắn liền với tên tuổi Nguyễn Thị Duệ - người phụ nữ nhan sắc, hiếu học, uyên thâm học vấn, giả dạng nam nhi, trèo đèo băng suối lên tận miền núi Cao Bằng thi đỗ tiến sĩ triều Mạc, trở thành nữ học sĩ, bà chúa Sao Sa.

“Tiều ẩn cổ bích” - bức tường bao quanh ngôi nhà của thầy giáo Chu Văn An đức cao vọng trọng, sống dưới triều vua Trần Dụ Tông.

Dâng “Thất trảm sớ” xin vua cho giết 7 tên gian nịnh không thành, ông đã từ quan về ở ẩn trên núi Phượng Hoàng, làm người “tiều ẩn” dạy học, làm thơ, bốc thuốc cứu đời, vui thú cùng hoa lá, chim muông.

Ông mất, học trò và nhân dân mai táng trên núi Phượng Hoàng. Đời sau đã xây dựng đền thờ quanh năm cúng tế, đến nay thành một địa chỉ cho cội nguồn đạo học. Cách không xa “Tiều ẩn cố bích” còn có ngôi chùa “Huyền Thiên cổ tự”... Tám trăm năm trước, giữa tiếng mõ, tiếng chuông chốn núi rừng tĩnh lặng, bảng lảng khói sương, nhà sư Huyền Thiên từng tu luyện, và luyện linh đan trường sinh cứu đời.

Ngược lên phía bắc, gần đền Vạn Kiếp có một địa danh “Dược lĩnh cổ viên” (vườn thuốc trên núi Dược sơn), gần bản doanh của Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn.

Tương truyền Hưng Đạo Vương giao cho tướng lĩnh tổ chức trồng cây thuốc nam, chữa trị cho quân lính bị thương trong những chiến đấu.

Và trên miền đất thiêng ấy, có “Phao Sơn cổ thành”, là thành cổ của nhà Mạc những năm đầu dựng nước. Chiến tranh Lê - Trịnh - Mạc khốc liệt kéo dài trên 90 năm, thời gian, mưa nắng phá hủy, nay chỉ là phế tích, duy nhất còn câu ca để lại xót xa:

“Ai đưa tôi đến chốn này
Bên kia Phả Lại bên này thành Phao?”...

Đền Vạn Kiếp.

Đặc biệt, gần sát sông Kinh Thầy, giữa một cánh đồng bằng phẳng, nổi lên một khuôn viên xanh mát bóng cây. Nơi đây có đền thờ Quốc Phụ.

Ngôi đền được xây trên nền nhà của tể tưởng Trần Quốc Chẩn, sử sách gọi là “Thượng Tể cổ trạch”. Là thân phụ của hoàng hậu (vợ vua Trần Minh Tông), tể tướng Trần Quốc Chẩn đã bị hàm oan trong vụ tranh chấp ngôi thái tử... Ông bị vu oan làm phản loạn. Sau được minh oan. Chúng dân thương tiếc lập đền thờ, cúng tế.

Từ đây, nhìn về phía nam, trên sông Kinh Thầy có bến đò đi vào sử sách: “Nhạn Loan cổ độ”. Là tôn thất nhà Trần, từng bị cách chức làm thứ dân vì phạm tội, Trần Khánh Dư đã về đây, vào rừng hái củi, ra sông quăng chài… Cũng từ bến đò ấy, chàng được vua Trần phát hiện, cho phục chức và thống lĩnh quân thuỷ, đánh giặc lập công, để lại danh thơm bất hủ muôn đời.

Từ nam ngạn sông Kinh Thầy có “Trạng nguyên cổ đường” ngôi nhà dạy học của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Tại làng Long Động quê ông, vẫn còn đền thờ Lưỡng Quốc Trạng nguyên.

***

Lưu Vũ Tích, nhà thơ đời Đường có câu thơ: “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh, thuỷ bất tại thâm, hữu long tắc linh (Núi không cần cao, có tiên ở ắt nổi tiếng, nước không cần sâu, có rồng ở ắt thiêng).
Chí Linh, dẫu núi không cao, nước không sâu, nhưng từ bao đời có nhiều bậc đức cao vọng trọng, tìm về lập nghiệp, lập công, lập danh.

Đất đã dung dưỡng tâm hồn con người thành phẩm giá.

Người làm cho mảnh đất thành sang trọng, thiêng liêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đất thiêng