Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng do quy chế tuyển sinh, các thí sinh được đăng ký quá nhiều nguyện vọng khiến lượng thí sinh ảo của đợt xét tuyển lần 1 là rất lớn. Thậm chí, nhiều trường đại học danh tiếng cũng phải xét tuyển bổ sung thêm nhiều thí sinh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch học tập mà hơn hết, nó làm cho tình trạng các thí sinh có nhu cầu học thì rớt và ngược lại, không có nhu cầu học thì lại trúng tuyển.
Thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Nguồn: TTO.
Trúng tuyển nhưng không nhập học
Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng trúng tuyển nhưng không nhập học ở đợt xét tuyển đại học (ĐH) năm nay khá phổ biến, diễn ra ở hầu hết các trường công lập danh tiếng chứ không riêng các trường tư. Hậu quả, các trường tiếp tục lên kế hoạch tuyển sinh bổ sung với mục đích cho đủ chỉ tiêu đã đề ra.
Theo TS Nguyễn Kim Hồng- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, năm nay, chỉ có khoảng 65% thí sinh trúng tuyển vào trường này đến nhập học. Còn lại là thí sinh ảo, do các em đồng thời trúng tuyển ở một trường ĐH khác. Tương tự, đại diện Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cũng cho biết, chỉ có khoảng 63% số thí sinh trúng tuyển đến nhập học.
Điều này có nghĩa là ca 2 trường ĐH lớn ở phía Nam phải tiếp tục tìm cách chiêu sinh thêm khoảng 1.000 thí sinh nữa.
Trong khi đó, Trường Công nghiệp Thực phẩm TP HCM đã thông báo gấp rút tuyển bổ sung 400 chỉ tiêu hệ đại học, 60 chỉ tiêu cho 2 chương trình quốc tế ngành Dinh dưỡng - Khoa học thực phẩm và Công nghệ sinh học, 200 chỉ tiêu hệ cao đẳng. Mức điểm xét tuyển bằng mức trúng tuyển nguyện vọng 1 cho cả 2 hình thức xét tuyển học bạ và điểm thi THPT quốc gia.
Theo ông Phạm Thái Sơn- Phó phòng Đào tạo, dù Trường đã áp dụng các phương án để lọc hồ sơ ảo như gọi số thí sinh cao hơn chỉ tiêu nhưng tỷ lệ ảo vẫn cao. Lý giải nguyên nhân, theo ông Sơn, là do thí sinh được chọn 2 trường, mỗi trường 2 ngành. Ngay cả khi thí sinh đã xác nhận nhập học thì trường vẫn hồi hộp vì thí sinh có thể chọn 1 trường khác nhập học theo phương thức xét học bạ.
Còn tại ĐH Công nghệ TP HCM tình hình cũng không khá hơn khi trường mới nhận được 60% giấy chứng nhận kết quả thi của thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 nhập học. Do đó, trường tiếp tục xét tuyển với 1.600 chỉ tiêu đại học, cao đẳng chính quy (tương ứng 40% còn lại).
Tương tự, ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM cũng tuyển 35% chỉ tiêu còn lại, tương ứng với 550 suất cho tất cả các ngành đào tạo đại học, cao đẳng chính quy. ĐH Tài chính - Marketing tuyển bổ sung hơn 1.000 chỉ tiêu với điểm xét tuyển giảm từ 3,5 đến 5,75 điểm tùy theo ngành so với mức đợt 1.
Tại Huế, ngày 21/8, ĐH Huế cũng đã ra thông báo xét tuyển bổ sung 4.578 chỉ tiêu ĐH, CĐ và lấy điểm sàn từ 15 điểm trở lên.
Còn ở phía Bắc, nhiều trường cũng đã thông báo tuyển bổ sung. Khá bất ngờ là trong số này, có cả những trường mà các năm trước nguồn tuyển vào dồi dào như Trường ĐH Y Hà Nội, Học viện Báo chí và tuyên truyền, ĐH Bách khoa...
Trong đó, ĐH Bách khoa Hà Nội thông báo tuyển bổ sung gần 800 chỉ tiêu cho 26 ngành đào tạo. Học viện Báo chí và tuyên truyền đã công bố xét tuyển bổ sung thêm 30% chỉ tiêu. Theo đó, 500 chỉ tiêu bổ sung sẽ được phân bổ cho 18 ngành đào tạo. Còn theo ông Nguyễn Đức Hinh- Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học ở tất cả các ngành của trường chỉ đạt khoảng 71%.
Ngoài ra, hàng loạt các trường khác đều không tuyển đủ chỉ tiêu như ĐH Giao thông vận tải TP HCM (thiếu 300 chỉ tiêu), ĐH Công nghệ thực phẩm TP HCM (thiếu 500 chỉ tiêu), ĐH Tài chính Maketing TP HCM (thiếu 1030 chỉ tiêu), ĐH Mở TP HCM (thiếu 300 chỉ tiêu), ĐH Y Dược TP HCM (thiếu hơn 400 chỉ tiêu) Học viện Tài chính (thiếu 919 chỉ tiêu ĐH chính quy), ĐH Mỏ - Địa chất (thiếu 2.055 chỉ tiêu), ĐH Y Thái Bình (thiếu hơn 900 chỉ tiêu)…
Một số trường tiếp tục tuyển sinh bổ sung bằng cách hạ điểm chuẩn, kéo các thí sinh đã rớt thành… đậu. Cụ thể, mức điểm chuẩn được hạ từ 0,5 đến 2 điểm nhằm kéo các thí sinh không đủ điểm tới học.
Điều đáng nói, nhiều trường vì quá thiếu sinh viên, đã hạ điểm chuẩn tới 4-6 điểm với mục tiêu tuyển sinh đủ thí sinh như trường ĐH Cần Thơ, ĐH Thương mại, ĐH Tài chính Maketing TP HCM… Bên cạnh đó, phương án dùng học bạ để chiêu sinh cũng được nhiều trường sử dụng ở đợt xét tuyển bổ sung với mục đích tìm cho đủ chỉ tiêu tuyển sinh của mình.
Điều đáng nói, trước khi xét tuyển, lượng thí sinh nộp hồ sở ở hầu hết các trường đều dồi dào, thậm chí gấp 3, 4 lần số lượng cần tuyển. Nghĩa là nhiều thí sinh có nhu cầu học khi nộp hồ sơ. Khi cân nhắc chỉ tiêu, điểm chuẩn nhiều trường cũng đã tính tới lượng thí sinh ảo nên đã nâng chỉ tiêu cho phép để có thể đạt đủ chỉ tiêu theo dự tính. Tuy nhiên, lượng thí sinh tới nhập học vẫn rất thấp. Đặc biệt, các thí sinh ảo này đã vô tình “đánh bật” các thí sinh có nhu cầu theo học thực sự ra.
Hầu hết các trường phía Nam đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu.
Khó khắc phục
Trao đổi với báo chí, ông Mai Đức Ngọc- Trưởng ban Đào tạo Học viện Báo chí và tuyên truyền thừa nhận, chưa bao giờ trường phải xét tuyển bổ sung với số lượng lên tới 500 (tương đương khoảng 30%) như năm nay.
Tình trạng thí sinh ảo đã được dự đoán, tuy vậy, đến nay hầu hết các trường lẫn thí sinh đều ở thế bị động, ít thấy các biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Theo một lãnh đạo trường ĐH, quy chế tuyển sinh năm nay đã tạo ra một xác suất thí sinh trúng ảo rất cao vì 1 thí sinh có thể đồng thời trúng tuyển tới 4 nguyện vọng của 2 trường ĐH khác nhau.
Thế nhưng thí sinh chỉ được nhập học ở 1 ngành nên 3 ngành còn lại là thí sinh ảo. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, đó chưa phải là tất cả nguyên nhân khiến tình trạng thí sinh nhập học ít kỷ lục (sau khi trúng tuyển đại học) mà còn có một lượng lớn thí sinh đi du học nước ngoài.
Hiện nay, hầu hết các chương trình du học nước ngoài đều nhận thí sinh sau lớp 12 hoặc đã tốt nghiệp THPT. Vì vậy, việc thí sinh thi THPT xong, có nhu cầu đi nước ngoài nhưng vẫn làm hồ sơ xét tuyển ĐH là khá nhiều.
Thực tế nữa, việc du học ở nhiều nước trong khu vực hiện nay có mức học phí không quá lớn so với các trường ĐH tư thục trong nước khiến lượng thí sinh đi học ở nước ngoài cũng tăng cao. Ngay cả tầng lớp gia đình trung lưu cũng đủ khả năng cho con đi du học khiến việc thí sinh học ĐH trong nước giảm mạnh.
Giữa bối cảnh nhiều trường đang dồn dập thông báo tuyển sinh bổ sung, trong đó có cả các trường tốp đầu, thì Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là trường đã “cán đích” và không cần tuyển bổ sung. Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân- GS Trần Thọ Đạt cho rằng, ĐH Kinh tế Quốc dân có chút may mắn khi tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt đầu, đó là nhờ việc đánh giá và xác định tương đối phù hợp tỷ lệ “ảo” có thể xảy ra.
Để khắc phục tình trạng thí sinh “ảo” trong mùa tuyển sinh sau, GS Trần Thọ Đạt cho rằng, Bộ GD&ĐT nên cho phép các trường có một danh sách thí sinh trúng tuyển “chờ” như một số trường trên thế giới đã áp dụng, nghĩa là các thí sinh này nằm ở diện “chờ”, nếu số “chính thức” không đến đủ sẽ gọi vào danh sách “chính thức”.
Ngoài ra, nhiều trường ĐH còn cho biết, việc phối hợp giữa các trường tuyển sinh và phía Bộ chủ quản cũng chưa được thông suốt, linh hoạt cũng khiến lượng thí sinh ảo lớn. Đó là việc phía Bộ GD&ĐT nghiêm cấm các trường gọi nhập học quá chỉ tiêu nhưng lại cho phép thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng.
Hậu quả là hầu hết các trường ĐH phía Nam đều không tuyển sinh đủ tiêu như ban đầu. Nhiều trường ĐH cũng đề xuất, để hạn chế thí sinh ảo, phía Bộ GD&ĐT cần công khai các dữ liệu tuyển sinh để thí sinh chủ động, biết mức điểm chuẩn nhằm chủ động trong việc nộp hồ sơ tuyển sinh.