TPHCM, đầu tàu kinh tế của cả nước được cho là đang đứng trước cơ hội tăng tốc phát triển, nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức.
Việc các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98 của Quốc hội (NQ98) được TPHCM vận dụng vào thực tiễn đã được đề cập tại phiên họp Hội đồng tư vấn.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết trong năm 2024 thành phố sẽ vận dụng NQ98 trong các cơ chế tài chính, cơ chế phát triển công nghiệp phụ trợ, cơ chế tổ chức quản lý và quy trình, lộ trình thực hiện để đảm bảo tiến độ các dự án. Ngoài đường sắt đô thị, TPHCM cũng tập trung phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Học hỏi quốc tế
Ông Mãi cho biết, lãnh đạo thành phố sẽ học hỏi, tham khảo nền công vụ Singapore để chuẩn hóa quy trình, tổ chức bộ máy, đội ngũ̃, chuyển đổi số trong hoạt động công vụ TPHCM thời gian tới. Theo ông Mãi, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế mới có thể giúp TPHCM xứng tầm một trung tâm kinh tế, tài chính của khu vực trong tương lai gần.
3 năm, TPHCM sẽ sơ kết thực hiện NQ98 để có tiền đề phát triển một khung pháp lý phù hợp hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Theo ông Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, việc vận dụng các cơ chế, chính sách từ NQ98 vào triển khai thực hiện tuyến đường sắt đô thị TPHCM và một số dự án trọng điểm khác có vai trò hết sức quan trọng. Chuyên gia này đề xuất 6 nhóm chính sách với nhiều cơ chế cụ thể trong quá trình TP xây dựng đề án thực hiện trên cơ sở vận dụng từ nội dung NQ98. Trong đó, đề xuất cho phép TPHCM được lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 làm cơ sở để đấu giá quyền phát triển dự án TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm).
Mô hình này lấy đầu mối giao thông công cộng làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành hệ thống giao thông phân tán. TOD cũng sẽ tạo nguồn thu đầu tư xây dựng hệ thống Metro (hiện TPHCM đang thực hiện song song hai tuyến Metro số 1 và Metro số 2). Muốn vậy, trung ương cần trao thẩm quyền cho TPHCM ban hành cơ chế đền bù, thu hồi đất theo quy hoạch 1/500 của dự án để kết hợp phát triển chỉnh trang đô thị theo mô hình TOD đã đề xuất.
TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TPHCM cho rằng, chưa bao giờ thành phố có được các cơ chế, chính sách thông thoáng từ NQ98 để nhanh chóng phục hồi kinh tế - xã hội sau hai năm bị “kéo lại” bởi đại dịch Covid-19. Từ thí điểm NQ 54 năm 2017 chuyển qua NQ98 xuất phát từ thực tế tốc độ phát triển của TPHCM thường xuyên ở mức cao hơn trung bình cả nước trong nhiều năm. Hai đặc thù lớn nhất của TPHCM là: Đô thị đặc biệt với quy mô và mật độ dân số lớn nhất cả nước; trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước đang vươn tầm khu vực. Do đó, các cơ chế vượt trội trên nền tảng NQ98 được vận dụng.
Để giữ vững "đầu tàu"
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh (Đại học Fulbright Việt Nam) dù được hỗ trợ bởi NQ98 nhưng thành phố vẫn phải đối diện suy giảm về kinh tế, mất lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh, thành khác.
Ông Tuấn Anh cho rằng, thách thức xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Quy hoạch không hiệu quả có thể gây ra sự đổ vỡ trong phát triển kinh tế và hạ tầng. Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí và nước đang ảnh hưởng đến chất lượng sống và làm mất đi sự hấp dẫn của TPHCM, tạo ra thách thức trong việc giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Sự phát triển nhanh chóng ở một số tỉnh, thành khác có nhiều đổi mới về cải cách thể chế và thu hút đầu tư có thể làm cho các tập đoàn và doanh nghiệp lớn chuyển khỏi TPHCM. Thiếu nguồn lực đầu tư hạ tầng cũng là thách thức lớn. Thiếu đầu tư hạ tầng, thành phố có thể gặp khó khăn trong việc thu hút các dự án quan trọng, suy giảm khả năng cạnh tranh.
Tại buổi trình bày đề án “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nêu: Trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM không vượt trội, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước giảm dần, kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố từ mức 26,76% cả nước năm 2010 xuống còn 15,3% trong năm 2018, sau đó tăng lên 16,2% trong năm 2019.
Điều này cho thấy kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu của thành phố tuy gia tăng theo số tuyệt đối qua các năm nhưng tỷ trọng xuất khẩu và nhập khẩu của thành phố giảm.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm qua từng giai đoạn. Tỷ trọng đóng góp nguồn thu cho ngân sách cả nước ngày càng giảm (từ 28,9% năm 2009 còn 26,1% năm 2019).
Do đó, nếu không kịp thời có giải pháp, TPHCM sẽ phải khó khăn trong việc giữ vững vai trò “đầu tàu” kinh tế, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới.
TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM cho rằng, chưa bao giờ thành phố có được các cơ chế, chính sách thông thoáng từ NQ98 để nhanh chóng phục hồi kinh tế - xã hội sau hơn 2 năm bị “kéo lại” bởi đại dịch Covid-19.