TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hoá – Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, chúng ta có một thứ rất quý giá trong hội nhập khi đầu tư chỉ được mà không mất, đó là đầu tư để biến những giá trị di sản văn hoá của cha ông để lại trở thành tài sản, tài nguyên có thể khai thác được.
Tại Tọa đàm trao đổi về “Các vấn đề kinh tế Việt Nam 2018 và giai đoạn đến năm 2020” do Hội đồng Tư vấn Kinh tế, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức, góp ý kiến cho chính sách kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho rằng, những vấn đề nổi cộm về kinh tế hiện nay cần được giải quyết kịp thời không để hiện tượng tồn đọng, gây bức xúc trong nhân dân.
Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phải mang lại lợi ích cho kinh tế Việt Nam, tránh tình trạng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục báo lỗ trong sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy cần phải làm rõ những khuyết điểm, những thua lỗ để khắc phục, phải phản ánh trung thực thực trạng nền kinh tế. Và một trong những khuyết điểm là chúng ta đã không đầu tư cho văn hóa tương xứng với kinh tế…
Lý giải cho việc vì sao đầu tư văn hoá không được chú trọng, Tiến sĩ Chức cho rằng, có lẽ vì nhận thức đầu tư cho văn hoá là đầu tư cho đàn ca hát múa, những lễ hội tái lập tỉnh này, đơn vị kia thành lập… mất rất nhiều kinh phí.
“Nhưng nên nhớ đầu tư văn hoá không chỉ là như vậy, chúng ta có một thứ rất quý giá trong hội nhập mà khi đầu tư chỉ có được mà không mất, đó là đầu tư để biến những giá trị di sản văn hoá của cha ông để lại trở thành tài sản, tài nguyên có thể khai thác được. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã làm thành công” - ông Chức khẳng định.
Còn ở Việt Nam, một số nơi, di sản văn hóa đã được khai thác hiệu quả. Ví dụ như Nhà Thái Học của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám của Hà Nội. Trước khi chưa xây Nhà Thái Học, Văn Miếu thu mỗi năm 300 triệu đồng vô cùng khó khăn, nhưng ngay sau khi khánh thành Nhà Thái Học sau 2 năm, với đầu tư 18 tỷ đồng, năm 2000, Văn Miếu đã thu 9 tỷ đồng. Hiện nay TP Hà Nội đã khoán cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu mỗi năm không dưới 40 tỷ đồng.
“Vậy đầu tư vào di sản có lãi mà đầu tư ấy lại rất có ích cho xã hội, tại sao chúng ta không làm?” - ông Chức nêu vấn đề.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức khẳng định đầu tư cho văn hóa phải làm nên giá trị kinh tế, văn hóa không phải cạnh tranh với bất kỳ thương hiệu nào trên thị trường mà tự các giá trị di sản văn hóa làm nên giá trị kinh tế cho thị trường. Chính vì vậy cần nhận thức lại về đầu tư cho văn hóa để kinh tế có trong văn hóa và văn hóa có trong kinh tế…
Hơn nữa, theo TS. Nguyễn Viết Chức, ở giai đoạn đầu của 30 năm đổi mới, chúng ta đã đặt vấn đề đầu tư trước hết là kinh tế nên cho đến thời điểm này chúng ta phải thừa nhận đầu tư cho phát triển văn hoá chưa tương xứng với đầu tư cho phát triển kinh tế và hệ luỵ như thế nào chưa thể lường trước được.
Bởi vì chưa có bao giờ lại xảy ra các vụ việc kinh hoàng như mẹ giết con, rồi cán bộ cao cấp nhũng nhiễu, tham nhũng... văn hóa đạo đức xuống cấp gây bức xúc cho toàn xã hội. Ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, đến giai đoạn này, nếu không đầu tư cho văn hoá đến nơi đến chốn, sao cho tương xứng với phát triển kinh tế thì hậu hoạ sẽ khôn lường.