Thích ứng với dạy học tích hợp trong điều kiện còn nhiều khó khăn, không ít địa phương và nhà trường đã chủ động có những giải pháp để việc triển khai dạy học được thuận lợi và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Giải pháp thích ứng
Môn Khoa học tự nhiên (KHTN) ở cấp trung học cơ sở (THCS) có thời lượng 140 tiết/khối, thông qua việc tích hợp các kiến thức, kỹ năng về Vật lý, Hoá học và Sinh học. Các kiến thức, kỹ năng này được tổ chức theo các mạch nội dung, được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính. Vì vậy, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), việc dạy học môn này cần đảm bảo theo mạch kiến thức.
Ông Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, tới thời điểm này, các giáo viên (GV) môn KHTN của nhà trường đã hoàn toàn tự tin đảm nhận dạy môn học này ở khối 6, 7. Bởi thầy cô đều đã tham gia bồi dưỡng, tập huấn theo yêu cầu của Bộ GDĐT, đồng thời có thời gian tự học hỏi, trau dồi kiến thức từ các kênh khác nhau như đồng nghiệp, kho học liệu dùng chung… với tâm thế không lùi bước, nên đã vượt qua những khó khăn, lúng túng ban đầu. Bên cạnh đó, kiến thức liên môn ở lớp 6, 7 không quá phức tạp nên thầy cô đã nỗ lực học hỏi để đảm nhận trọn vẹn môn học, không để cho học sinh phải học ngắt quãng hoặc nhiều GV trong 1 môn học.
Cô giáo Hoàng Thị Vân, dạy môn KHTN, Trường THCS Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, bản thân cô và nhiều đồng nghiệp khác đang dạy đơn môn, trải qua 1 đợt bồi dưỡng chứng chỉ trong thời gian ngắn đã phải dạy liên môn là thách thức không nhỏ. Chính vì vậy, cô Vân đã nung nấu và triển khai ý tưởng về kho học liệu dùng chung môn KHTN, sau đó nhận được hỗ trợ tích cực của các đồng nghiệp, từ đó lan tỏa tới các trường học khác trong toàn quốc. Việc giảng dạy thuận lợi hơn nhiều, GV giảm áp lực trong công việc, thêm yêu nghề, yêu trường để gắn bó và làm tốt hơn công việc của mình. Đặc biệt, học sinh cũng có thể sử dụng kho học liệu này để tham khảo, tìm hiểu những kiến thức mình chưa nắm chắc để học hỏi thêm, từ đó tạo hứng thú hơn trong học tập, thêm yêu thích môn KHTN, mạnh dạn hơn trong quá trình học.
Ghi nhận tại Trường THCS Liên Bảo (huyện Vụ Bản, Nam Định), năm học 2023 - 2024, đối với môn KHTN lớp 6, 7, trường phân công 1 GV dạy cả 3 phân môn. Đối với lớp 8, phân công 3 GV dạy theo 3 phân môn độc lập. Ông Trần Hữu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Liên Bảo cho biết, qua kết quả khảo sát chất lượng các kỳ, chất lượng các môn học đều đảm bảo yêu cầu đề ra, có trên 90% học sinh xếp loại đạt trở lên của môn học, trong đó có gần 20% xếp loại tốt. Không chỉ cử cán bộ, GV tham gia các buổi tập huấn, hội thảo, sinh hoạt chuyên môn về để giảng dạy các môn tích hợp, trường còn tổ chức bồi dưỡng chuyên môn chéo cho GV dạy môn KHTN để trợ giúp bổ sung kiến thức các môn học. Kế hoạch giáo dục môn học theo yêu cầu được cá nhân GV xây dựng, tổ nhóm chuyên môn góp ý, nhà trường phê duyệt nên khi triển khai rất thuận lợi.
Cũng bày tỏ sự lúng túng trong thời gian đầu triển giảng dạy các môn học tích hợp, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn (huyện Tây Sơn, Bình Định) Nguyễn Văn Cường cho biết, đến nay nhà trường đã dần làm quen và thích ứng. Cụ thể, trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục theo phương châm linh hoạt, tự chủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện các phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh phù hợp với loại hình trường chuyên biệt có học sinh người dân tộc thiểu số Ba Na đang theo học.
Cần thời gian để gỡ khó
Theo PGS.TS Trần Thị Thanh Huyền - Phó Trưởng khoa Sinh học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trong chương trình GDPT 2018, KHTN là môn học được xây dựng và phát triển trên nền tảng của Vật lý, Hóa học, Sinh học và Khoa học trái đất. Đây là môn học bắt buộc được dạy ở cấp THCS, giúp học sinh phát triển các năng lực, phẩm chất đã được hình thành ở bậc tiểu học. Từ đó, góp phần giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, có lựa chọn phù hợp sau khi vào THPT bởi tới lớp 10, học sinh không học tất cả các môn như chương trình GDPT 2006 mà lựa chọn 4 trong 9 môn học cùng với 8 môn học bắt buộc khác.
Dẫu vậy, thực tiễn triển khai vấp phải những khó khăn không nhỏ khi việc bố trí GV, đảm bảo chất lượng dạy học vẫn luôn là bài toán khó, nhất là đối với các trường vùng sâu, vùng xa. Ghi nhận tại trường THCS Đồng Văn (Hà Giang), cô giáo Vừ Thị Xay được phân công dạy môn Lịch sử - Địa lý. Dù đã được tập huấn, song cô Xay vẫn gặp khó khăn khi giảng dạy bởi thời gian tiết học có hạn, nhiều khi chỉ kịp truyền thụ phần kiến thức, chưa liên hệ được phần kiến thức liên môn, kiến thức bổ trợ thì đã hết giờ. Cô cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài liệu tham khảo để ứng dụng trong quá trình soạn giáo án, lên lớp.
Trước đó, đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT cũng chỉ ra những vấn đề về dạy học tích hợp trong chương trình GDPT 2018. Qua quá trình giám sát các cơ sở giáo dục tại 8 tỉnh, thành phố, đoàn giám sát đã chỉ ra những ưu điểm của chương trình GDPT 2018 như hệ thống môn học được thiết kế theo hướng bảo đảm cân đối các nội dung giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học; tổ chức, sắp xếp lại một số môn học theo hướng tích hợp ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; khắc phục sự chồng lấn giữa các môn; bảo đảm kết nối giữa các lớp học, cấp học, giữa các chương trình môn học. Nội dung các môn học được xây dựng theo hướng giảm tải, tăng cường thực hành, gắn với thực tiễn đời sống. Tuy nhiên, bất cập trong quá trình dạy học cũng được nêu rõ như việc thiết kế nội dung tích hợp ở các môn học cấp THCS chưa hợp lý…
Không phải là giải pháp “chữa cháy”
Nhằm gỡ khó cho các trường THCS khi thực hiện môn KHTN, năm học 2023 - 2024, TPHCM cho phép nhà trường phân công GV giảng dạy theo chủ đề, nghĩa là trong một lớp, nhiều GV có thể cùng giảng dạy môn học này. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TPHCM, đối với môn KHTN, nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng, đề cử GV tham gia các chương trình bồi dưỡng để GV đáp ứng yêu cầu về chuyên môn. Ðặc biệt, GV có thể dạy theo các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học. Trong đó, kế hoạch dạy học môn học cần được xây dựng phù hợp với các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường.
Ðối với môn Lịch sử và Ðịa lý, Sở GDĐT TPHCM yêu cầu trường THCS, Phòng GDĐT cử GV tham gia bồi dưỡng, tập huấn để GV tự tin và đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học chương trình môn học; tăng cường sinh hoạt chuyên môn, tập huấn hỗ trợ đồng nghiệp.
Đây cũng là giải pháp được nhiều địa phương như Hà Nội, Nam Định, Hải Dương… đang triển khai. Dẫu vậy, đây vẫn được coi là giải pháp mang ý nghĩa "chữa cháy" trong một thời gian nhất định mà chưa giải quyết được tận gốc của vấn đề, đó là việc thiếu GV, chương trình, sách giáo khoa cần tiếp tục cải tiến để thực sự tích hợp theo yêu cầu của Nghị quyết 88.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GDĐT chỉ ra, thực tế ở những đợt tuyển dụng biên chế GV gần nhất của các địa phương cũng chưa tuyển dụng GV dạy môn KHTN hay GV dạy môn Lịch sử và Địa lý. Năm học này, Hà Nội và các địa phương khác khi tuyển dụng GV cho cấp THCS vẫn tuyển GV đơn môn thay vì tuyển GV dạy tích hợp. Lý do là vì chưa có khóa sinh viên nào được đào tạo bài bản về dạy học tích hợp đã ra trường nên nguồn tuyển vẫn bằng… 0. Khi tuyển GV đơn môn, rõ ràng các thầy cô phải tiếp tục đi bồi dưỡng để có thể đảm đương dạy học môn tích hợp. Điều này, lại là một vòng luẩn quẩn cho câu hỏi đến bao giờ có đủ GV được đào tạo bài bản để dạy tích hợp?
Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT nêu rõ các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ cho các địa phương và cơ sở giáo dục khi giảng dạy môn tích hợp. Về phía các nhà trường, cần phân công giáo viên phù hợp năng lực chuyên môn với nội dung dạy học. Việc xây dựng kế hoạch dạy học tổ chức linh hoạt về thời gian, thời điểm thực hiện các mạch nội dung lớn của chương trình hoặc các chủ đề trong từng mạch nội dung lớn của chương trình. Trong đó, sắp xếp thời khóa biểu, không để xảy ra tình trạng quá tải cho giáo viên và bảo đảm nội dung dạy học trước là cơ sở cho nội dung dạy học sau đó.
(còn nữa)