Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần đồng nghĩa với những học sinh (HS) lớp 12 đang đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề gì phù hợp với bản thân nhất? Các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) thời điểm này cũng đẩy mạnh hoạt động tư vấn hướng nghiệp để hút thí sinh.
Các thí sinh dự thi năm nay ít được tham gia tư vấn hướng nghiệp trực tiếp.
Đa dạng hình thức tư vấn
Những mùa tuyển sinh trước đây, thời điểm bắt đầu sau Tết nhiều trường ĐH, CĐ đã tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp tại trường hoặc về tận trường THPT để giới thiệu với thầy cô giáo và các em HS. Năm nay do dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động này bị tạm hoãn, thay vào đó là các buổi tư vấn hướng nghiệp trực tuyến, kết nối với các chuyên gia tư vấn, giải đáp thắc mắc của các thí sinh có nhu cầu. Việc này đã được duy trì từ khi còn nghỉ học vì dịch bệnh và đến nay, hoạt động này càng được tăng cường để giúp thí sinh “chốt” được quyết định phù hợp khả năng, sở thích.
PGS.TS Trần Văn Tớp- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin: “Hằng năm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đều kết hợp với các trường tổ chức những buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp lớn bằng hình thức trực tiếp, thu hút hàng nghìn học sinh Hà Nội và các tỉnh thành khác đến tham gia. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, nhà trường khó khăn trong vấn đề truyền thông tới học sinh về ngành nghề của nhà trường cũng như cơ hội việc làm trong tương lai. Hiện nhà trường đang cung cấp thông tin về tuyển sinh hướng nghiệp cho sinh viên bằng phương pháp online nhưng cũng có những hạn chế nhất định.
Chia sẻ quan điểm, TS Phạm Thu Hương - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cũng cho rằng, các thí sinh dự thi năm nay có phần thiệt thòi hơn các HS khóa trước do ít được tham gia các buổi tư vấn hướng nghiệp trực tiếp. Trường ĐH Ngoại thương năm nay chuyển hướng sang hoạt động tư vấn trực tuyến, vào fanpage của các trường THPT để định hướng nghề nghiệp cho HS với quan điểm mong muốn HS thực sự hiểu về nghề nghiệp trong tương lai và có quyết định sáng suốt.
Thời gian qua, sự cạnh tranh về tuyển sinh với sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của cả trường công lập và ngoài công lập cũng là một trong những lý do các trường linh động và tìm nhiều hình thức quảng bá, giới thiệu tối đa thế mạnh của mình.
Năm nay, một kênh tư vấn hướng nghiệp mà nhiều thí sinh ở các tỉnh thành xa có thể tận dụng đó là theo dõi qua truyền hình các chương trình trực tiếp do Đài phát thanh – truyền hình tỉnh/thành phố phối hợp với Sở GDĐT thực hiện. Đơn cử như Sở GDĐT Vĩnh Long và Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp Tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH-CĐ năm 2020 với chủ đề: “Tiếp Bước Trường Thi” vào cuối tuần qua đã thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh. Nhiều tỉnh, TP khác như Bình Thuận, Tây Ninh… cũng cho biết sẽ tổ chức các buổi tư vấn tương tự. Qua chương trình, thí sinh lẫn phụ huynh có thể được giải đáp những thắc mắc về vấn đề liên quan đến thi cử và xét tuyển ĐH năm nay do các chuyên gia đến từ ngành giáo dục gồm cơ quan quản lý, lãnh đạo các trường ĐH…
Lưu ý tam giác chọn nghề
Câu hỏi chọn ngành nào, chọn trường nào mùa tuyển sinh nào cũng đặt ra nhưng không bao giờ là cũ. Bi kịch chọn nhầm nghề, chọn nhầm trường… là một thực tế “biết rồi, khổ lắm nói mãi” nhưng năm nào cũng không ít thí sinh mắc phải. Theo các chuyên gia, ban đầu, HS THPT có thể thích ngành nghề đó, nhưng phải hiểu ngành nghề theo học có phù hợp với tính cách, năng lực bản thân không. Trong khi đó, mỗi trường đào tạo lại có một thế mạnh riêng, chuyên sâu trong đào tạo mỗi ngành, có giáo trình khác nhau từ 20-30%, vì vậy chọn trường có ngành học yêu thích cũng là một vấn đề không thể bỏ qua…
Thực tế tuyển sinh những năm gần đây, có những thí sinh đăng ký rất nhiều nguyện vọng, lên tới 40 nguyện vọng. Điều này cho thấy thí sinh hoặc yêu thích quá nhiều ngành nghề hoặc thực ra là không thực sự thích ngành, nghề nào mà chỉ muốn trúng tuyển vào một trường. Việc này vừa lãng phí thời gian, tiền bạc, vừa khiến thí sinh khó tập trung ôn tập đúng định hướng vì có thể mỗi trường lại xét tuyển theo phương thức riêng, với nhóm tổ hợp riêng… Vì vậy, công thức để việc lựa chọn chính xác, theo các chuyên gia bao gồm đam mê, năng lực và nhu cầu của thị trường lao động. Tam giác chọn nghề được tạo thành từ ba đỉnh này mới bền vững và giúp thí sinh đi đường dài với sự lựa chọn của mình mà không bỏ cuộc giữa chừng.
Về phía các trường, PGS.TS Trần Văn Tớp cho rằng việc nhà trường tổ chức các buổi tuyển sinh hướng nghiệp không phải vì trường cần tuyển đủ chỉ tiêu mà cần tuyển những sinh viên “chất” thực sự và quan trọng là các em được học đúng ngành mà mình mong muốn, chứ không bi kịch nhất là chọn nhầm nghề. Thực tế nhiều trường hợp sinh viên học đến năm thứ 2, thứ 3 ĐH vẫn bỏ cuộc vì phát hiện ra mình không phù hợp với nghề này nên hoạt động tư vấn hướng nghiệp càng được đẩy mạnh, càng hiệu quả thì càng bớt đi những bi kịch chọn nhầm nghề sau này. Nhất là khi việc vào ĐH dễ dàng như hiện nay, các em có thể bỏ qua những cơ hội xét tuyển vào các trường CĐ, trung cấp phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động.