Ngày 17/10, tại TP HCM, Sở Du lịch thành phố (TP) đã tổ chức Hội nghị kết nối chương trình kích cầu du lịch TP.HCM với các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Du khách đến tham quan TP HCM.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết, chương trình kích cầu du lịch khách đến TP HCM, bước đầu đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Qua gần 1 năm triển khai (từ ngày 1/1 đến ngày 10/10/2019), các DN tham gia chương trình kích cầu du lịch TP HCM đã phục vụ được 71.000 lượt khách, trong đó, du khách quốc tế chiếm 92%, khách trong nước chiếm 8%. Điều này thúc đẩy du lịch TP HCM cần đẩy mạnh hơn nữa chương trình kích cầu du lịch nội địa dành cho du khách trong nước thời gian tới.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, lợi thế liên kết giữa TPHCM các tỉnh, thành ĐBSCL chính là có sự khác biệt, có tính bổ trợ cho nhau. Sản phẩm du lịch chủ lực của TP HCM là du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện), du lịch mua sắm, ẩm thực, thể thao, vui chơi giải trí và văn hóa cộng đồng đô thị. Trong khi, thế mạnh của ĐBSCL là du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước và biển đảo. Vì vậy, nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến thì sự liên kết du lịch của 14 tỉnh, thành không những không làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của từng điểm đến, mà ngược lại còn phát huy lợi thế của nhau, giúp nhau mở rộng thị trường, thị phần khách một cách dễ dàng.
“Nếu tính chung dân số của 14 địa phương khoảng 27,5 triệu người thì bình quân một năm mỗi người dân trong vùng chỉ đón khoảng 2,8 lượt khách, trong đó chỉ có 0,39 lượt khách quốc tế. Con số vẫn còn rất khiểm tốn so với tiềm năng của cả vùng” - Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.
Đại diện cụm Đông ĐBSCL (bao gồm 6 tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh), ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao - Du lịch (VHTTDL) tỉnh Đồng Tháp cho biết, cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL có những điểm tương đồng về địa hình, điều kiện sinh thái, khí hậu phù hợp phát triển kinh tế nông nghiệp cũng như các sản phẩm du lịch sinh thái, miệt vườn, du lịch gắn với nông nghiệp.
ĐBSCL hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cũng như du khách.
Cụm Tây ĐBSCL (gồm 7 địa phương: TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) cũng giới thiệu 92 dự án mời gọi đầu tư vào hạ tầng VHTTDL và giải trí.
Đại diện lãnh đạo các Sở Du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL cũng hy vọng, qua hội nghị sẽ tạo sự liên kết, hợp tác cùng phát triển giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch TP HCM với các tỉnh ĐBSCL; cùng gắn kết chặt chẽ quan hệ song phương, tạo ra sản phẩm du lịch mới, đa dạng, chất lượng dịch vụ cao phù hợp cho từng du khách. Đồng thời, quảng bá các các chương trình du lịch nội địa khuyến mại thu hút khách du lịch các tỉnh ĐBSCL đến TP HCM.
Dịp này, các sở ngành, doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP HCM cùng với các tỉnh, thành ĐBSCL đã tiến hành ký kết bảng ghi nhớ hợp tác kinh doanh góp phần xây dựng thương hiệu liên kết vùng trong du lịch, nâng tầm và chất trong các hoạt động hợp tác về du lịch trong tương lai.