Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại

Phương Lan 11/03/2017 13:14

“Cả nước có khoảng 29.853 trang trại (TT). Trong đó, chủ yếu là TT chăn nuôi chiếm gần 49%, trồng trọt chiếm hơn 25%, thủy sản hơn 14%, TT tổng hợp chiếm gần 11% và TT lâm nghiệp chỉ chiếm 0,48%. Doanh thu bình quân của TT là 1,2 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên chỉ có 7.825 TT được cấp giấy chứng nhận KTTT”-TS.Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn thông tin.

Chuyển biến rõ nét

Những năm qua kinh tế trang trại đã góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn gắn với thị trường... Trên cơ sở đó mở ra hướng làm giàu cho nông dân, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người lao động.

Thời gian qua còn xuất hiện các hợp tác xã (HTX) từ sự liên kết các trang trại, bước tiến mới dẫn đến phát triển kinh tế tập thể, nhằm tăng khối lượng và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn. Việc phát triển kinh tế trang trại đang có sự chuyển biến rõ nét, phù hợp với yêu cầu thị trường. Nhiều trang trại chủ động cung cấp giống cho bà con trong vùng, cũng như cung cấp số lượng lớn sản phẩm nông nghiệp cho thị trường trong và ngoài nước.

Có trang trại đi vào sản xuất hàng hóa và chuyên canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất ra nông sản an toàn thực phẩm. Kinh tế trang trại cả nước có bước phát triển, tuy mức độ thành công khác nhau, nhưng đều có kết quả là thu được giá trị sản lượng cao trên 1 đơn vị diện tích, hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa lớn. Nhiều địa phương đã và đang có các chính sách riêng để phát triển kinh tế trang trại như Hà Nội, TP.HCM...

Tại diễn đàn kinh tế trang trại mới đây do Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) tổ chức, nhiều đại biểu nhìn nhận, sau thời gian phát triển mạnh kinh tế trang trại vào đầu những năm 2000, tốc độ phát triển thời gian qua chậm lại. Ở các địa phương, trang trại nhỏ chiếm tỷ lệ lớn, chủ yếu tập trung mở rộng diện tích, sản phẩm thô là chủ yếu; việc quan tâm đến tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa, đầu tư hạ tầng sơ chế biến và bảo quản, định hướng thị trường và liên kết tiêu thụ hàng hóa vẫn còn có bộ phận chưa quan tâm nhiều, nên sản phẩm làm ra chất lượng chưa cao.

Một số trang trại, nhất là trang trại chăn nuôi hình thành tự phát, không nằm trong vùng quy hoạch. Như các trang trại ở tỉnh Đồng Nai, thiếu định hướng, manh mún chưa gắn với quy hoạch vùng sản xuất và công nghiệp chế biến. Trình độ quản lý, chuyên môn các chủ trang trại còn hạn chế. Việc tổ chức sản xuất, kinh doanh và quản lý kinh tế chủ yếu theo kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về thị trường. Khó khăn lớn nhất là tiêu thụ sản phẩm.

Gỡ khó

Theo Thông tư 27/2011, để đạt tiêu chí trang trại phải có diện tích tối thiểu 3,1ha trở lên ở vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, từ 2,1ha trở lên ở các tỉnh còn lại. Giá trị sản xuất hàng hóa đạt 700 triệu đồng/trang trại/năm đối với trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tổng hợp; 1 tỷ đồng/trang trại/năm với chăn nuôi.

Trang trại lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu 31ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân 500 triệu đồng/trang trại/năm. Vì vậy, hiện nay cả nước mới có hơn 7.800 trang trại được cấp giấy chứng nhận. Nhưng, chưa có trang trại nào trong số 239 trang trại ở TP.HCM được cấp. TP.HCM có tốc độ đô thị hóa cao, điều kiện sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp.

Tuy nhiên, nếu xét về doanh thu, trang trại ở TP.HCM đạt bình quân 1,9 tỷ đồng/năm; trong đó, trang trại chăn nuôi là 1,7 tỷ đồng/năm, trang trại thủy sản là 3,7 tỷ đồng/năm, do các trang trại ở TP.HCM được đầu tư thâm canh nên tạo ra giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích khá cao (gần 1,1 tỷ đồng/ha/năm). Sản xuất của các trang trại TP.HCM với lượng hàng hóa tập trung, có giá trị sản phẩm cao.

Để góp phần phát triển kinh tế trang trại phù hợp với nông nghiệp đặc thù của những TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, Sở NN&PTNT TP.HCM kiến nghị: Sửa đổi tiêu chí xác định kinh tế trang trại theo hướng có tính đặc thù; xây dựng chính sách theo hướng các hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế trang trại, nếu có phương án đầu tư khả thi, phù hợp với quy hoạch thì Nhà nước xem xét giao đất, cho thuê, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tối thiểu 10 năm trở lên để ổn định đầu tư; cũng như có chính sách hỗ trợ tín dụng với trang trại có dự án đầu tư khả thi vay tối đa 70% vốn đầu tư...

Cùng với đó, để khuyến khích, hỗ trợ và định hướng cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng và phát triển kinh tế trang trại, các chuyên gia cho rằng, các cấp, các ngành và các địa phương cần phải tập trung vào một số giải pháp: Lựa chọn mô hình phát triển kinh tế trang trại phù hợp với từng vùng. Về đất đai, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; hình thành các vùng trang trại tập trung với quy mô phù hợp gắn với bảo vệ môi trường.

Đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các chủ trang trại, hộ gia đình nhằm tạo điều kiện cho các chủ trang trại yên tâm đầu tư vào sản xuất cũng như vay vốn để sản xuất. Khuyến khích các hộ dân chuyển nhượng, dồn đổi tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất, chuyển đổi từ đất khác sang trang trại chuyên canh hoặc kết hợp.

Tích cực huy động các nguồn lực của địa phương, doanh nghiệp, chủ trang trại để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật thiết yếu ở vùng quy hoạch như: hệ thống giao thông - thủy lợi, điện, nước…; từng bước chuyển trang trại đang nằm trong khu dân cư vào vùng quy hoạch kinh tế trang trại. Tạo điều kiện cho các chủ trang trại được tiếp cận nhiều nguồn vốn tín dụng, nhất là đối với vốn tín dụng ưu đãi với thủ tục vay đơn giản, hợp lý, có sự ưu tiên và có thể tín chấp bằng công trình đầu tư trong trang trại.

Về khoa học kỹ thuật, cần chú trọng đầu tư cho công tác khuyến nông, khuyến ngư; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cho chủ trang trại như: đưa các giống cây, con có phẩm chất tốt, chất lượng cao, năng suất khá vào sản xuất; áp dụng công nghệ mới trong chế biến, bảo quản nông sản… Hướng dẫn các chủ trang trại thực hiện quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi đạt các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế như: VietGAP, HACCP, GMP, SSOP…

Hằng năm, có kế hoạch đào tạo, tập huấn cho đội ngũ chủ trang trại về kỹ năng quản trị kinh doanh nhằm tìm hướng phát triển phù hợp trong cơ chế thị trường; đào tạo nghề phù hợp cho lao động làm việc ở trang trại, nhất là những lao động kỹ thuật của trang trại. Khuyến khích và đẩy mạnh mối liên kết giữa cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản bằng việc cung cấp thông tin thị trường, tư vấn định hướng cho các trang trại sản xuất những sản phẩm thị trường cần và tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các trang trại.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần xây dựng và ban hành cơ chế chính sách đặc thù về khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, gia trại; trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ giao đất ổn định lâu dài cho các trang trại đạt tiêu chí mới, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ chế biến và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO