Ngày 28/8 tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH).
ĐB Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) cho rằng, thực tiễn công tác PCCC ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở cấp huyện. Khi có báo cháy, xe chuyên dụng chữa cháy di chuyển đến các điểm ở xa thì cơ bản đám cháy đã cháy xong, rất khó khăn. Mặt khác phương tiện thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác PCCC cứu nạn cứu hộ được trang bị ở cơ sở còn rất nhiều hạn chế lạc hậu, kém chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Do đó cần tập trung đầu tư phương tiện PCCC đến các huyện, nếu những nơi có điều kiện có thể đầu tư đến cấp xã đối với các loại thiết bị PCCC thiết yếu.
Bà Ngọc đề nghị bổ sung các chính sách ưu tiên, ưu đãi của nhà nước trong việc xây dựng lực lượng và trang thiết bị phương tiện phục vụ công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ. Theo đó quan tâm đúng mức tới đào tạo huấn luyện nghiệp vụ nâng cao năng lực sức chiến đấu của lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH. Đồng thời cần có ưu tiên thoả đáng nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư trang thiết bị, những phương tiện tiên tiến hiện đại, kể cả trang thiết bị là máy bay nhằm phục vụ tốt cho việc đảm bảo hiệu quả công việc PCCC và CNCH.
Bà Ngọc cũng phản ánh, về phòng cháy đối với cơ sở, các bộ ngành đã xây dựng trên 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có hiệu lực, trong đó trên 100 tiêu chuẩn quy chuẩn quốc gia về PCCC và 130 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có nội dung liên quan đến công tác PCCC. Có những quy chuẩn kỹ thuật vừa được ban hành đã được thay thế bằng tiêu chuẩn mới. Cụ thể, 3 năm có 3 quy chuẩn, chỉ riêng việc đọc và hiểu các quy chuẩn, các quy định như trên rất là khó khăn cho việc tổ chức triển khai thực hiện. Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn thiếu thực tế và không có tính khả thi. Do đó theo các bộ ngành cần phối hợp rà soát sửa đổi lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC đảm bảo tính thống nhất khi thực hiện, tránh gây phiền hà khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong thực hiện thời gian qua.
Bên cạnh đó theo bà Ngọc, tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ xây dựng không theo quy hoạch, không phép, sai phép, không bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố, mất an toàn cho công trình. Xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả thương tâm. Những nơi xảy ra cháy thường là khu dân cư xuống cấp, dịch vụ karaoke, nhà trọ, cơ sở sản xuất kinh doanh dễ cháy, nhà ở ngõ hẻm, ngách, nơi chứa chất dễ cháy, nơi chữa cháy rất khó khăn.
Do đó đề nghị các quy định nên phân biệt rõ các loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh dễ cháy nổ. Đối với các loại hình này cần quy định khắt khe về PCCC. Còn đối với các sơ sở ít xảy ra cháy, dễ dàng cứu chữa thì quy định về phòng cháy an toàn dễ hơn sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Đối với cơ sở dễ cháy nếu không có đủ điều kiện phòng cháy thì cơ sở có thể chuyển hình thức sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực khác. Như vậy sẽ phù hợp với mọi loại hình sản xuất kinh doanh trong PCCC. “Việc quy định chung 1 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng chung cho các cơ sở sản xuất kinh doanh là chưa hợp lý vì thời gian qua chúng tôi đã đi khảo sát thì rất nhiều các ý kiến từ các doanh nghiệp, cá nhân có đề nghị cần quan tâm để công tác PCCC ở cơ sở đạt được những hiệu quả”-bà Ngọc cho hay.
ĐB Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) cho rằng, thời gian qua ở một số thành phố lớn có nhiều vụ cháy nhà chung cư cao tầng, gây thiệt hại về người và tài sản rất lớn, tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực về nhận thức của người dân đối với loại hình nhà ở chung cư cao tầng. Theo bà, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bắt đầu từ việc vi phạm các quy định trong hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC.
Các quy định PCCC bắt buộc cần tuân thủ khi thiết kế các công trình cao tầng tại Việt Nam gồm: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình ngầm đô thị, PCCC nhà cao tầng; yêu cầu thiết kế. Tuy nhiên, hiện nay các quy định này chưa được các chủ đầu tư tuân thủ một cách đầy đủ, trong khi công tác an toàn cháy phải lấy yêu cầu phòng cháy là cơ bản, trọng tâm, với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy”.
Bà Vang phản ánh, trên thực tế, một số nơi thiết kế tầng hầm không có, hoặc là có hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống hút khói, lối thoát nạn nhưng không hoàn chỉnh. Một số công trình tại các lối ra vào, tầng hầm dùng các hệ thống cửa sắt xếp hoặc cửa cuốn, nên khi xảy ra cháy hệ thống điện bị cắt sẽ gây khó khăn trong việc thoát nạn hoặc chữa cháy. Nhiều dự án nhà chung cư cao tầng không tuân thủ nguyên tắc về lối thoát nạn, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Không nhiều người dân hiểu rõ cấu tạo của hệ thống điều áp cầu thang thoát hiểm, dẫn đến khi có cháy, các cầu thang đang các cầu thang thoát hiểm vô hình chung trở thành nơi hút khói, cản trở lối thoát nạn, gây ra thương vong cho con người.
Từ đó, bà Vang kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để đáp ứng với sự phát triển nhanh của lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị hiện nay. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng, phát huy công nghệ hiện đại để giải quyết tốt những yếu tố bất lợi trong việc thoát nạn, cứu người trong nhà cao tầng. “Cụ thể, cần tăng cường trang bị, hoặc có chính sách trợ giá, chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học trong nước phát minh thêm nhiều tính năng của robot điều khiển từ xa trong chữa cháy, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng PCCC và CNCH, bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia chữa cháy trong những vụ việc nguy hiểm”-bà Vang nhấn mạnh.