Để bảo vệ động vật hoang dã hiệu quả hơn

Bùi Thị Hà (Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên) 30/06/2015 13:54

Theo Báo cáo về nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tội phạm về ĐVHD đang diễn ra ngày một phổ biến với mức lợi nhuận khổng lồ, ước tính khoảng 150 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Lợi nhuận từ việc buôn bán ĐVHD không hề thua kém lợi nhuận từ việc buôn bán ma túy hay vũ khí, tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, tội phạm liên quan tới ĐVHD chưa bị coi là tội phạm nghiêm trọng.

Thu giữ động vật hoang dã vận chuyển trái phép

Là thành viên tích cực của các Công ước quốc tế về bảo vệ ĐVHD nhưng VN đang bị đánh giá là nơi mà các hoạt động săn bắt, vận chuyển, buôn bán ĐVHD diễn ra “sôi nổi” không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn là “trạm trung chuyển” cho các đường dây buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia. Trong khi pháp luật hình sự có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với nhóm tội phạm về ma túy, vũ khí và buôn bán người thì ngược lại, chế tài xử lý tội phạm về ĐVHD vẫn chưa thực sự phản ánh được tính chất nghiêm trọng của loại tội phạm này.

VN là một trong những quốc gia có tình trạng săn bắt và buôn bán ĐVHD vô cùng phức tạp. Các mạng lưới buôn bán ĐVHD lớn không chỉ hoạt động trong nước và khu vực mà còn vươn xa sang nhiều quốc gia và châu lục khác trên thế giới, điển hình là châu Phi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự “lộng hành” của các đường dây buôn bán ĐVHD lớn tại VN là do tội phạm liên quan đến ĐVHD vẫn chưa được coi là loại hình tội phạm nghiêm trọng.

Bộ luật Hình sự của VN hiện nay có những chế tài xử lý rất nghiêm khắc đối với nhóm tội phạm về ma túy, vũ khí và buôn bán người nhưng ngược lại, chế tài xử lý tội phạm về ĐVHD vẫn chưa thực sự phản ánh được tính chất nghiêm trọng của loại tội phạm này…

Một số vi phạm thường xuyên xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng cho đa dạng sinh học nhưng vẫn không bị xem xét xử lý hình sự như hành vi “lưu giữ” và “chế biến”: Điều 190 BLHS hiện nay cũng như Điều 241 Dự thảo không có quy định về hành vi “lưu giữ” và “chế biến” ĐVHD. Trong chuỗi hành vi từ săn bắt các loài ĐVHD từ tự nhiên đến khi đưa các sản phẩm bất hợp pháp này đến tay người tiêu dùng tất yếu sẽ có giai đoạn “lưu giữ” và/hoặc “chế biến”. Xét đến cùng, mức độ nghiêm trọng của những hành vi này là tương tự như nhau vì cùng “lấy đi” các cá thể ĐVHD nguy cấp ra khỏi môi trường sống tự nhiên của chúng, ảnh hưởng đến sự tồn tại của toàn bộ quần thể loài này trong tự nhiên. Tuy nhiên, trong khi BLHS có quy định các hành vi “săn, bắt, giết, vận chuyển, nuôi nhốt, buôn bán”, các hành vi “lưu giữ” và “chế biến” lại không được ghi nhận là các hành vi nguy hiểm cho xã hội và do đó không được xử lý bằng chế tài nghiêm khắc này…

Chỉ hành vi vi phạm đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ mới bị xử lý hình sự. Theo ENV, đây là một lỗ hổng lớn vì vi phạm liên quan đến các loài không phải là loài “nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” thì dù số lượng vi phạm lớn đến đâu và gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào cũng chỉ bị xử lý hành chính. Lấy ví dụ tê tê vàng và tê tê Java của VN, trước năm 2014, hai loài này không “được ưu tiên bảo vệ” và do đó vi phạm đối với tê tê vàng và tê tê Java trong mọi trường hợp chỉ bị xử phạt hành chính. Chúng tôi đã ghi nhận rất nhiều vụ buôn bán vô cùng lớn liên quan đến tê tê với số lượng lên đến hàng tấn, thậm chí đến hàng chục tấn nhưng các trường hợp này không bị khởi tố. Thậm chí tang vật tê tê cũng được cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá. Lợi nhuận khổng lồ mà hình phạt không đủ răn đe khiến cho các đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán ĐVHD lớn sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Hiện nay, cả hai loài tê tê của Việt Nam đã được nâng cấp bảo vệ do chúng bị khai thác đến cạn kiệt trong tự nhiên. Nếu pháp luật hình sự không có hình thức xử lý vi phạm với số lượng đặc biệt lớn liên quan đến các loài ĐVHD khác thì có lẽ trong tương lai tất cả ĐVHD của VN sẽ được nâng cấp thành “loài nguy cấp cần được ưu tiên bảo vệ”.

VN không chỉ có trách nhiệm bảo vệ ĐVHD của quốc gia mà đồng thời có nghĩa vụ quốc tế trong việc ngăn chặn các đường dây tội phạm buôn bán ĐVHD xuyên biên giới. Lợi nhuận từ buôn bán ĐVHD ngang hàng với ma túy và vũ khí. Vì thế, chỉ có chế tài hình sự nghiêm khắc mới có thể làm giảm thiểu tình trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD và bảo vệ đa dạng sinh học của VN. Mong các nhà xây dựng pháp luật và hoạch định chính sách xem xét thận trọng các quy định tội phạm về ĐVHD, kế thừa những điểm tích cực trong quy định hiện hành tại Điều 190 Bộ luật Hình sự (2009) và hoàn thiện quy định này phù hợp với thực tế thực thi để chế tài hình sự trở thành một công cụ nghiêm khắc răn đe, phòng ngừa loại tội phạm nghiêm trọng này. Ngoài ra, cũng mong rằng trong quá trình hoàn thiện Bộ luật Hình sự, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng đồng thời xây dựng hướng dẫn thực thi pháp luật có liên quan để đảm bảo khi Bộ luật Hình sự được thông qua, cơ quan thực thi ngay lập tức có cơ sở pháp lý để thi hành các quy định tội phạm về ĐVHD.

Loài tê giác một sừng đã bị tuyệt chủng tại VN. Nếu các nhà làm luật không thấy được mức độ nghiêm trọng của loại hình tội phạm này và có chế tài xử lý nghiêm minh thì chắc chắn nhiều loài ĐVHD khác như hổ, voi, gấu, tê tê, vượn, voọc, rùa biển sẽ sớm tuyệt chủng tại VN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để bảo vệ động vật hoang dã hiệu quả hơn