Để du lịch bứt phá

HẢI NHI (thực hiện) 18/09/2023 11:27

Du lịch Việt Nam sắp cán mốc 8 triệu khách quốc tế, sớm hơn dự kiến khoảng 2 tháng. Như vậy, có thể nói, mục tiêu ngắn hạn của ngành du lịch đã đạt được. Tuy nhiên, số lượng khách nói lên điều gì trong khi “mỏ vàng” của du lịch Việt vẫn chưa được khai thác xứng tầm? Nói cách khác, chúng ta vẫn đang khai thác manh mún, mạnh ai lấy làm và thiếu vai trò “nhạc trưởng”. Trò chuyện với PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Bộ VHTTDL), ông dẫn ra nhiều con số đáng suy nghĩ. Trong đó có một con số đáng buồn: Chưa đến 10% du khách quốc tế quay lại Việt Nam.

PV: Thưa ông, tại các diễn đàn thúc đẩy phát triển du lịch, qua những góp ý, đề xuất giải pháp, người ta thấy ông - một chuyên gia du lịch, nhiều năm qua luôn kiên trì tìm giải pháp đổi mới cách làm du lịch nhưng thực tế du lịch Việt Nam vẫn chưa như mong muốn. Góp sức cho ngành gần 30 năm qua, theo ông, điểm nghẽn nằm ở đâu?

PGS.TS Phạm Trung Lương. Ảnh: Quang Vinh.

PGS.TS PHẠM TRUNG LƯƠNG: Trong khu vực, Việt Nam là điểm đến quá tuyệt vời khi sở hữu nhiều cảnh đẹp, kho di sản phong phú nhất khu vực nhưng vì sao du lịch của chúng ta cứ mãi ì ạch.

Theo tôi, trước hết là chính sách thị thực (visa). Với nguồn xa, visa phải minh bạch rõ ràng để du khách có thể yên tâm, như người châu Âu thường có thói quen lên kế hoạch đi du lịch trước cả năm. Tiếp đó là sản phẩm du lịch. Khách đến Việt Nam cần được thông tin qua kênh chính thống là các hoạt động xúc tiến, nhưng xúc tiến của ta lại có vấn đề.

Chúng tôi từng phân tích, du khách thích món mặn nhưng ta lại mang đồ ngọt ra mời thì khó rồi, nên khi đi chào hàng phải nắm bắt cái thị trường cần để quảng bá, và sản phẩm đó phải có thật. Hiện nay chúng ta đang xúc tiến theo kiểu chợ quê, có gì cứ bày ra. Vậy nên ta phải giới thiệu những sản phẩm du lịch phù hợp với du khách kèm theo thông tin đầy đủ, rõ ràng về chất lượng, giá cả và các dịch vụ liên quan.

Một nguyên nhân nữa còn là do cứ 9 giờ tối là khách đi ngủ vì ít chỗ vui chơi. Khi phân tích số liệu du khách quốc tế đến Việt Nam có hơn 90% là lần đầu, quay lại chưa đến 10%.

Điều khiến du khách không quay trở lại thì đã có nhiều nguyên nhân được nêu ra. Vậy điều gì khiến gần 10% du khách quay trở lại, thưa ông?

- Theo nghiên cứu của chúng tôi, số du khách quay lại là do họ thích những sản phẩm nghỉ dưỡng ở vùng biển ấm, chứ tham quan điểm này điểm kia là hiếm, bởi đi nội địa của mình vất vả, dịch vụ chưa cao, lại có hiện tượng đeo bám du khách. Đáng lưu ý khu vệ sinh chưa tốt, giao thông lộn xộn… Đó là những điểm nghẽn khiến du khách ngại đến Việt Nam. Chúng ta khó có thể đuổi kịp các nước trong khu vực nếu không thay đổi. Để làm được, tôi cho rằng trước hết “thủ lĩnh” ngành phải có đủ đam mê.

Ở trên ông có nói đến chính sách visa. Dù rất cố gắng nhưng việc nới lỏng chính sách visa của chúng ta vẫn bị cho là muộn?

- Tôi cho rằng chính sách visa là quá muộn, đến nay vẫn chỉ là… mở hé. Như visa điện tử 90 ngày, ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng có thể áp dụng visa nhưng vẫn khó. Visa điện tử chưa thông thực ra là vẫn còn dịch vụ làm visa hay còn gọi là “cò” visa. Bên cạnh đó liên kết điện tử với các cổng thông tin quốc gia cũng rất chậm... Có thể thấy, chính sách visa của chúng ta thiếu sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực: Singapore miễn 158 nước, Malaysia miễn 155 nước, Thái Lan miễn 64 nước, trong khi Việt Nam vẫn là 25 nước. Cho nên câu chuyện 50% lệ phí visa đầu tư cho du lịch chúng tôi từng đề xuất là không thể thực hiện.

Cần đầu tư vào các sản phẩm du lịch độc đáo để hấp dẫn du khách quốc tế. Ảnh: Quỳnh Trân.

Vì sao?

- Đó là vì lợi ích nhóm. Tôi nói ngay như bây giờ, khi cửa mở hé về chính sách visa, câu chuyện này chúng tôi đã nói nhiều. Cạnh tranh với các quốc gia là ở những chính sách như vậy. Tất cả những hạn chế đó, theo tôi với một xã hội thực sự cởi mở, minh bạch thì sẽ làm được.

Từ nhiều năm trước, chúng tôi cũng rất mừng vì đóng góp được chính sách đầu tư vào khu du lịch quốc gia ở một số địa phương. Nghĩa là nhà nước đầu tư vào hạ tầng, còn sản phẩm là doanh nghiệp đầu tư. Giờ rất tiếc là không còn chính sách đó nữa. Tuy vậy, khi triển khai thì chính sách ngày đó cũng bị “băm” ra, mạnh ai nấy làm. Vì thế nhiều khu du lịch đã được công nhận khu du lịch quốc gia nhưng đến nay không được đầu tư.

Ví dụ như Mộc Châu (Sơn La) giờ vẫn là điểm đến mang tính tự phát. Chính tôi là người chủ nhiệm quy hoạch. Theo chính sách, nhà nước phải đầu tư vào hạ tầng của Mộc Châu, kinh phí phải lấy nguồn thu từ ngành du lịch sau đó các doanh nghiệp mới có thể “nhảy vào": đầu tư nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí. Tôi nghĩ, chúng ta nên ưu tiên đầu tư vào các khu du lịch quốc gia.

Lâu nay việc dùng nguồn lợi từ du lịch để phục vụ hoạt động bảo tồn các di sản, điểm đến cũng luôn gây tranh cãi. Theo ông, nguồn lợi cho du lịch phải được đầu tư trở lại như thế nào để tránh việc di sản phải “làm việc quá sức”?

- Cách đây 30 năm, khi bắt tay vào làm quy hoạch du lịch Việt Nam chúng tôi đã nghĩ tới câu chuyện nuôi dưỡng nguồn thu. Nếu mình khai thác mãi thì sẽ cạn kiệt, và tất nhiên không bảo tồn thì không thể phát triển. Ở góc nhìn quy hoạch, cái gì mình cứ khai thác mà không chăm lo thì chắc chắn nó sẽ mòn đi, và cuối cùng không còn gì để khai thác. Ví dụ bảo tồn các rạn san hô, các di sản hay các điểm đến hoặc là tạo công ăn việc làm cho người dân ở đó để họ cùng bảo tồn.

Từ đó, như đã nói ở trên, tôi đề xuất chính sách cho phép ngành du lịch sử dụng trực tiếp 50% lệ phí visa của khách quốc tế vào Việt Nam nhằm quay lại đầu tư cho công tác bảo tồn, trong đó chính phủ giữ vai trò giám sát chi. Chính phủ đã phê duyệt đề xuất giao cho Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao làm nghị định để thực hiện nhưng cuối cùng đề xuất vẫn chỉ ở trên giấy.

Bây giờ tất cả các nguồn của du lịch đều vào ngân sách nhà nước, sau đó Bộ Tài chính muốn chi bao nhiêu thì chi. Tôi xin nói du lịch là ngành bị “o ép” nhất vì người ta quan niệm đây là ngành ăn chơi, thu được nhiều tiền nên ngành có thể tự lo. Nhưng để bảo tồn thì nguồn kinh phí ở đâu. Kinh phí phải từ chính nguồn thu du lịch. Chúng ta cần bảo tồn để quay lại nuôi dưỡng nguồn thu, để di sản tiếp tục sản sinh nguồn lợi. Đó là câu chuyện có vẻ như mới nhưng cũ rồi. Vấn đề là không có ai làm thôi.

Với mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm nay, một vài ý kiến cho rằng đó là mục tiêu an toàn cho sự phục hồi và tiếp cận dần sau dịch bệnh Covid-19, nhưng lại có góc nhìn đặt ra con số 8 triệu và mục tiêu phục hồi thấp nhất top 5 là do "bệnh thành tích". Chúng ta có truyền thống đưa ra mục tiêu thấp để cuối năm hoàn thành. Ý kiến của ông?

- Tôi quan tâm tới chất lượng khách du lịch. Đó là vấn đề chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận. Tuy vậy, với giới nghiên cứu chúng tôi số liệu chính xác là cực kỳ quan trọng, vì số liệu ảo là chính sách ảo. Chúng ta cần những nghiên cứu về số liệu du khách như: Có bao nhiêu khách du lịch ở Việt Nam trên 3 ngày, bao nhiêu khách chỉ ở lại 1 ngày.

Hoặc chi tiêu trung bình một ngày của du khách… Nhưng hiện những số liệu như thế lại không có, thậm chí chúng ta cũng không dành kinh phí để nghiên cứu số liệu. Nhìn sang các nước việc này phải được điều tra hằng năm rất minh bạch để thấy được mặt hạn chế kịp thời tham mưu chính phủ những chính sách tháo gỡ ngay. Trong khi Luật Du lịch đã có định nghĩa thế nào là khách du lịch. Vậy thì ta phải thống kê theo đúng định nghĩa. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Nhưng với số liệu du khách được công bố hằng năm, chúng ta còn nặng “bệnh” thành tích nên du lịch khó có thể bứt phá.

Du khách đến Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Thưa ông, trong khi đó câu chuyện làm sao "mở hầu bao" du khách đã được đặt ra từ lâu, nhưng khách đến Việt Nam vẫn phàn nàn chủ yếu chỉ ăn rồi về ngủ, không có chỗ mua sắm…

- Đây là sự lãng phí rất lớn bởi mua sắm là một trong những nhu cầu của du khách, nhất là phụ nữ. Thực ra câu chuyện làm gì để du khách "mở hầu bao" đã được đặt ra từ hơn chục năm trước, đặc biệt từ 2016, khi du khách đến Việt Nam tăng đột biến. Với các nước bên cạnh, sản phẩm du lịch vẫn phải là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Không có sản phẩm tốt thì cửa có rộng đến đâu khách cũng không muốn đến, mà họ có đến thì cũng hạn chế chi tiêu. Với một thị trường mới du khách chi tiêu nhiều vì lạ nhưng lần sau đến mà không có gì mới thì họ cũng sẽ “đóng hầu bao”. Khách đến đông, chi tiêu ít là hệ lụy rất lớn, hao tổn tài nguyên du lịch nhưng người dân địa phương không được hưởng lợi. Sức mạnh lan tỏa tăng trưởng kinh tế của ngành du lịch sẽ không còn hiệu lực.

Vâng, quả là chúng ta khai thác và phát triển du lịch mua sắm còn chậm. Gần đây đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm được Bộ VHTTDL ban hành, với kỳ vọng trở thành đòn bẩy phát triển du lịch. Nói đến sản phẩm du lịch đêm thì đó là các điểm mua sắm tổ hợp, đa dạng về hàng hóa dịch vụ, khu phức hợp giải trí… nhưng đến nay vẫn chưa có hành lang pháp lý cho những sản phẩm này…

- Khi cơ cấu lại du lịch ở nhiều địa phương, chúng tôi luôn quan tâm tới những sản phẩm du lịch gắn với kinh tế đêm cung cấp cho du khách dịch vụ cần thiết. Thực tế câu chuyện này chúng tôi đã nói rất nhiều.

Cho nên trong chiến lược đề ra đến năm 2030 chúng tôi nhấn mạnh quan điểm Việt Nam cần phát triển theo chiều sâu, lấy hiệu quả làm mục tiêu phát triển, để du lịch thực sự là một ngành kinh tế đem lại việc làm và lợi ích cho đất nước. Điều đó cũng lý giải vì sao chúng tôi rất kiên trì để phát triển kinh tế đêm, bởi đó là nơi du khách sẵn sàng chi tiền, và muốn quay trở lại.

Vậy thì kinh tế đêm có thể tập trung phát triển ở đâu?

- Tôi cho rằng cần triển khai ở các trung tâm du lịch mang tính vùng, tính quốc gia. Trong quy hoạch chúng tôi đã xác định. Ví dụ Hà Nội là trung tâm vùng của Đồng bằng sông Hồng, nhưng đồng thời là trung tâm du lịch của khu vực phía Bắc bởi vì Hà Nội là cửa đến của hàng không quốc tế. Khách quốc tế đến đây rồi lan tỏa tới các địa phương. Tương tự, Đà Nẵng, TPHCM và một số trung tâm du lịch lớn như Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)… hoàn toàn có thể làm được. Thực hiện được sẽ kéo dài ngày lưu trú của khách, tăng chi tiêu trung bình của khách, từ đó hiệu quả kinh tế đem lại cho đất nước sẽ tăng cao hơn nhiều lần.

Tại Hà Nội tôi đã đề xuất cần làm những không gian ngầm riêng hoặc phải quy hoạch ở những khu vực phụ cận. Trong các tổ hợp giải trí sẽ có biểu diễn thực cảnh hoành tráng, du khách có thể chơi thâu đêm. Như khu vực Mỹ Đình sẽ là những tổ hợp ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí… Tôi cho rằng vui chơi giải trí phải hiểu rộng ra chứ không chỉ là cờ bạc, hay phố đèn đỏ như nhiều người thường nghĩ.

Rồi khi đã “thông” phải có chính sách sao cho phù hợp. Như mua sắm, ngành du lịch đã có chính sách rất hay là hoàn thuế VAT cho khách quốc tế, nhưng cần điều chỉnh khách quốc tế cứ trình hộ chiếu là được miễn thuế VAT tại chỗ chứ không phải ra sân bay khách quốc tế mới hoàn thuế như hiện nay. Tới chất lượng hàng hóa, ta hay nói mặc cả, đầu chợ một giá cuối chợ một giá đã đành rồi nhưng đầu chợ, cuối chợ chất lượng lại không như nhau, thậm chí còn lừa đảo, ví dụ như vụ Khải Silk vài năm trước đây.

Nhưng khi có những tổ hợp mua sắm, hàng hóa đưa vào quản lý thì chất lượng như nhau, giá cả như nhau. Khách du lịch nhiều khi không quan tâm tới giá cao hay thấp, nhưng họ đặc biệt quan tâm tới chất lượng và sự công bằng.

Câu chuyện thiếu công bằng sẽ dẫn tới lần sau khách không mua, ảnh hưởng đó còn mang tính dây chuyền, trong khi du lịch mua sắm là nguồn lợi rất lớn. Cho nên tổ hợp mua sắm rất có ý nghĩa, đó không phải là nơi “móc ví” khách hàng mà đảm bảo điểm đến Việt Nam không chỉ thân thiện mà còn rất uy tín.

Như vậy, muốn phát triển kinh tế đêm một cách nghiêm túc thì phải có những tổ hợp lớn đi kèm với đó là những chính sách rất đặc biệt để làm sao chúng ta vận hành và quản lý được?

- Đúng vậy. Và không để tác động đến xã hội, không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Đó là những điều chúng tôi muốn gửi gắm khi triển khai kinh tế đêm nhằm bứt phá du lịch.

Trở lại với câu chuyện du khách “một đi không trở lại”. Ngay tại Hà Nội, đã có rất nhiều các tổ chức cũng như các trang du lịch nổi tiếng thế giới vinh danh là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới, nhưng thực tế vẫn còn hiện tượng “chặt chém”, dịch vụ du lịch đơn điệu… Theo ông du lịch Hà Nội cần làm mới như thế nào để thu hút du khách đến với Thủ đô?

- Những giá trị tài nguyên thật mà du khách có khả năng chi trả cao rất thích thú khi đến Hà Nội, ví dụ như Hà Nội có Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh di sản thế giới, phố cổ, nhiều công trình kiến trúc Pháp cũ, đường phố khá đẹp…

Trong con mắt của nhiều du khách, Hà Nội được yêu thích bởi sự khác biệt. So với nhiều thủ đô trên thế giới Hà Nội không quá lớn ở khu vực trung tâm, cũng không quá hiện đại, cuộc sống vẫn giữ được những nét riêng. Tôi muốn nói đi du lịch là người ta tới một nơi để tìm sự khác biệt, đó là cái cốt lõi. Khi đi du lịch là du khách muốn tìm sự khác biệt với nơi đang sinh sống. Và ở Hà Nội du khách có thể tìm được những điều đó.

Tuy nhiên điều khiến người ta không đến hoặc chỉ đến một lần rồi không quay lại đó là vì giao thông, môi trường, hiện tường chèo kéo, chặt chém, rồi có những thứ không như kỳ vọng. Ví dụ trước khi đến Hà Nội, du khách tìm hiểu về hồ Tây, phố cổ, làng nghề… qua những bài giới thiệu hoặc từ những cuốn sách. Rồi đâu đó trong văn thơ nhắc tới làng Ngọc Hà - làng hoa nổi tiếng ở Hà Nội. Tôi chuyển về năm 1983, làng còn trồng rất nhiều hoa, nhưng giờ thì làng hóa phố, hoa không còn… Bởi thế nếu du đến nơi du khách lại mất hứng vì không như quảng bá.

Đó là còn chưa đề cập tới chất lượng dịch vụ, sản phẩm. Tôi đã nhiều lần đề xuất với Sở Du lịch Hà Nội cần cơ cấu lại sản phẩm du lịch, có một số điểm sáng như: Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khi đã là ngành ưu tiên thì tất cả phải xoay quanh trục của nó, nên có đầu tư đích đáng. Chẳng hạn di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần được mở rộng không gian để các công trình hòa quyện với nhau trở thành quần thể văn hóa lịch sử, vậy mới tạo được sản phẩm du lịch gây ấn tượng với du khách quốc tế. Thế nên muốn bứt phá phải là những người tâm huyết dám nghĩ, dám làm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tôi quan tâm tới chất lượng khách du lịch. Đó là vấn đề chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận. Tuy vậy, với giới nghiên cứu chúng tôi số liệu chính xác là cực kỳ quan trọng, vì số liệu ảo là chính sách ảo. Chúng ta cần những nghiên cứu về số liệu du khách như: Có bao nhiêu khách du lịch ở Việt Nam trên 3 ngày, bao nhiêu khách chỉ ở lại 1 ngày. Hoặc chi tiêu trung bình một ngày của du khách… Nhưng hiện những số liệu như thế lại không có, thậm chí chúng ta cũng không dành kinh phí để nghiên cứu số liệu. Nhìn sang các nước việc này phải được điều tra hằng năm rất minh bạch để thấy được mặt hạn chế kịp thời tham mưu chính phủ những chính sách tháo gỡ ngay. Trong khi Luật Du lịch đã có định nghĩa thế nào là khách du lịch. Vậy thì ta phải thống kê theo đúng định nghĩa. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Nhưng với số liệu du khách được công bố hằng năm, chúng ta còn nặng “bệnh” thành tích nên du lịch khó có thể bứt phá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để du lịch bứt phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO