Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh quảng bá tranh dân gian Đông Hồ, nhằm vận động đưa "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp trong năm 2025.
Tranh Đông Hồ là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Dù có nhiều cố gắng trong việc giữ gìn, song cũng như nhiều làng tranh dân gian khác, nghề tranh Đông Hồ đứng trước nguy cơ mai một.
Dòng tranh quý trước nguy cơ mai một
Làng Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) xưa có tên là làng Mái, nổi tiếng với mấy câu ca: “Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về làng Mái với anh thì về/ Làng Mái có lịch có lề/ Có sông tắm mát có nghề làm tranh”. Làng tranh Đông Hồ từng có thời kỳ rất sôi động, tất cả những người trong làng đều tham gia việc làm tranh. Tranh Đông Hồ được tiêu thụ nhiều nhất vào dịp Tết, vì vậy việc làm tranh tập trung nhất vào khoảng tháng 7, tháng 8, cả làng tất bật để chuẩn bị cho mùa tranh Tết.
Tranh Đông Hồ có tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, dòng tranh dân gian Việt Nam có xuất xứ từ làng Đông Hồ (nay là khu Tú Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Đây là loại tranh thường được sản xuất nhiều vào dịp cuối năm, để bán trong những phiên chợ Tết. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trên thế giới và du khách quốc tế cũng đánh giá cao những bức tranh dân gian Đông Hồ.
Tranh Đông Hồ được truyền tụng nhiều vì nét dí dỏm xen lẫn tính chất nông dã của nó. Xem tranh, bà con cảm thấy gần gũi vì tranh lột tả những hình ảnh chung quanh làng quê Việt Nam, mà trong đó những sinh hoạt hàng ngày hiển hiện lên mặt giấy khiến tranh Đông Hồ như một tấm gương trong soi lấy cảnh đời của người sở hữu nó.
Về mảng tranh Tết, tranh Đông Hồ càng đằm thắm hơn nữa khi mục đích được nhắm tới là miêu tả hạnh phúc và sự sung túc trong đời sống hàng ngày của người dân quê. Đó là các bức tranh “Lễ trí”, “Nhân nghĩa”, “Vinh hoa”, “Phú quý”… Đặc biệt, bộ tranh về những con giáp của tranh Đông Hồ cũng rất độc đáo, được người dân và du khách yêu thích như “Lợn đàn”, “Đám cưới chuột”, “Gà đàn”…
Có thể nói, dòng tranh Đông Hồ vẫn mang đậm chất dân gian từ xa xưa truyền lại. Công đoạn làm tranh tuần tự như sau: quệt mực bằng chổi cho thấm vào bìa, rồi “đập mầu”, tức đập bản khắc vào bìa cho thấm vào nét khắc rồi in ra giấy dó như kiểu đóng dấu, gọi là “in úp ván” (ngược với cách “in ngửa ván” của dòng tranh Kim Hoàng và Hàng Trống). Sau đó lật ngược ván khi giấy dó vẫn dính vào ván, lại tiếp tục dùng xơ mướp để xoa mặt lưng giấy cho no màu mới gỡ giấy ra. Mỗi màu trên tranh là một ván in. Thường thường, có khoảng 4 ván in màu và 1 ván in nét màu đen được in sau cùng. Trong các ván in màu, họ chọn màu “mạnh” in trước rồi mới đến màu khác. Thường thì in màu đỏ, rồi mới đến màu xanh, màu trắng. Ván in màu đỏ còn được khắc 2 chấm nổi để làm “cữ” cho các ván in sau.
Hiện nay, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang đối mặt với nhiều thách thức, thị trường tiêu thụ sản phẩm thu hẹp và nguy cơ mai một thế hệ nghệ nhân cao tuổi. Đông Hồ xưa kia có 17 dòng họ cùng tham gia sản xuất thì nay chỉ còn 3 dòng họ giữ được nghề của cha ông với khoảng 30 người trực tiếp tham gia vào hoạt động làm tranh. Việc bảo vệ, phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là cần thiết, cấp bách.
Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2017, nghề tranh Đông Hồ bắt đầu được lập hồ sơ quốc gia đề nghị UNESCO đưa vào danh sách các Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tháng 3/2020, Việt Nam đệ trình UNESCO hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” để được xem xét ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Cần bảo vệ khẩn cấp
Để bảo tồn và phát triển làng nghề tranh Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều biện pháp. Đáng chú ý, đầu năm 2023, Bắc Ninh khánh thành Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ. Thông qua các hiện vật, hình ảnh, sơ đồ, câu trích tại Trung tâm, người xem có thể nắm được gốc tích của một nghề truyền thống nổi tiếng.
Một số họa sĩ người làng Đông Hồ đã theo học các Trường Đại học Mỹ thuật bài bản hơn, lại tiếp tục phát huy nghề làm tranh dân gian của làng và đã có nhiều sáng tác phục hồi vốn cổ cũng như sáng tạo các chủ đề mới. Đó là các họa sĩ: Nguyễn Đăng Dũng (con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần), Nguyễn Đăng Giáp (con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm)… Ngay tại làng Đông Hồ cũng đã hình thành một Câu lạc bộ Làng nghề truyền thống tranh dân gian có sự ủng hộ của các cấp chính quyền.
Hồi tháng 4 năm nay, tại Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ (thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh), Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh tổ chức khai mạc "Không gian trưng bày tái hiện chợ tranh Đông Hồ". Đây là cơ hội để tạo điểm nhấn cho khách du lịch, định hình xây dựng sản phẩm du lịch của Bắc Ninh với không gian chợ tranh gồm 20 gian hàng mang đặc trưng của chợ tranh Đông Hồ xưa. Tại đây, du khách được tham quan các sản phẩm tranh dân gian và nghe giới thiệu về nghề làm tranh, nguyên liệu, quy trình sản xuất và sản phẩm đặc trưng của làng tranh Đông Hồ.
Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, ngày trước, chợ tranh Tết thường diễn ra tại đình Đông Hồ vào các ngày 6, 11, 16, 21 và 26 tháng Chạp hàng năm. Trong mỗi phiên chợ có hàng nghìn bức tranh các loại được mang ra bày bán. Sau năm 1945, cùng với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, chợ tranh Đông Hồ không còn được tổ chức.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh quảng bá tranh dân gian Đông Hồ, nhằm vận động đưa "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp trong năm 2025. Trong đó nhấn mạnh, để tiếp tục đẩy mạnh quảng bá tranh dân gian Đông Hồ tới bạn bè quốc tế, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh cần cung cấp tranh dân gian Đông Hồ, trang phục Quan họ truyền thống… để trưng bày tại không gian văn hóa Bắc Ninh tại trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài theo đề xuất của Bộ Ngoại giao.
Đồng thời, Sở cung cấp tranh dân gian Đông Hồ tới Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và Bộ Ngoại giao để làm quà tặng đối ngoại phục vụ các hoạt động tiếp và làm việc với khách quốc tế của lãnh đạo Đảng, nhà nước; nghiên cứu đề xuất hình thức quà tặng mới từ tranh dân gian Đông Hồ như: Catalogue, album kèm thuyết minh giới thiệu bằng các ngôn ngữ, sản phẩm tranh dân gian Đông Hồ kiểu mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh kết nối, phối hợp với Bộ Ngoại giao tổng hợp nhu cầu, đề xuất của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong việc xây dựng không gian văn hóa Bắc Ninh để trưng bày, giới thiệu tranh dân gian Đông Hồ, trang phục Quan họ truyền thống… gửi Sở VHTTDL triển khai.
Điều tạo nên sự khác biệt của tranh Đông Hồ với các dòng tranh dân gian khác đó chính là giấy điệp. Giấy điệp chính là giấy dó quét điệp lên. Giấy dó vốn được người Việt sản xuất hàng trăm năm nay ở những nơi như Yên Thái (ven Hồ Tây, Hà Nội) hay Đống Cao (Bắc Ninh). Giấy dó là loại giấy đặc biệt, có độ bền khá lâu, dùng để in sắc phong, kinh sách và tranh dân gian.
Khi đã có giấy dó, thì công đoạn quét điệp được người làng tranh tiến hành. Nhờ có lớp bột điệp lên trên, mà tranh dân gian Đông Hồ có vẻ óng ánh độc đáo, khác biệt so với tất cả các tranh dân gian ở Việt Nam. Cũng vì có quét điệp nên giấy dó để làm tranh Đông Hồ sẽ cứng cáp hơn. Chỉ dòng tranh Đông Hồ mới có cách làm giấy dó quét điệp. Cũng bởi điều này nên trong nhiều năm, dòng tranh Đông Hồ vẫn được mang danh là tranh điệp.