Quốc hội

Đề nghị tăng mức phạt đối với sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm có chất cấm

Việt Thắng 23/05/2025 13:10

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, tăng nặng mức phạt xử phạt hành chính và hình sự đối với các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm có chất cấm.

Ngày 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.

phuc23-5.jpg
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc phát biểu (Ảnh: Minh Nam)

Đại biểu Quốc hội (ĐB) Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu rằng, hàng ngày chúng ta đều nghe thông tiêu tiêu liên quan đến sức khoẻ, tính mạng của người dân về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hoá không rõ nguồn gốc diễn biến phức tạp, nhất là vụ liên quan đến hoa hậu Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên được đưa vào diện xử lý hình sự, cũng như biết bao vụ chưa kịp phát hiện và chưa được phát hiện.

“Sữa giả, thuốc giả, sản phẩm phục vụ nông nghiệp kém chất lượng, thậm chí là sản phẩm làm đẹp tác động trực tiếp và ảnh hưởng tới tính mạng của người dân. Trong khi đó có nhiều sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp, người dân làm ăn đàng hoàng thì lại bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh không lành mạnh”, bà Phúc nói.

Bà Phúc đặt vấn đề: Có ai dám đảm bảo chưa từng hoặc chưa bị sử dụng sản phẩm giả? Bà đặt câu hỏi: Tại sao hàng hoá giả, kém chất lượng vẫn tràn ngập như vậy? Sắp tới phải có chiến dịch giải quyết vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

“Bộ Y tế có trách nhiệm trong lưu thông sản phẩm hàng hoá là thuốc, thực phẩm chức năng, vậy đã làm hết trách nhiệm của mình hay chưa khi chính những người thực hiện nhiệm vụ được giao trong quản lý lĩnh vực này lại là người trực tiếp vi phạm pháp luật. Chúng ta có kêu gọi đạo đức nghề nghiệp nữa không hay phải nâng cao xử lý vi phạm những hành vi này, bởi từ thai nhi cho đến người già đều phải sử dụng hàng hoá và thực phẩm”, bà Phúc nói.

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho biết, cử tri đang quan tâm đặc biệt đến vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Xu hướng quản lý của chúng ta là chuyển sang hậu kiểm, thay vì thực hiện tiền kiểm như trước đây. Do đó, cử tri băn khoăn, việc công bố chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ do doanh nghiệp thực hiện thì sẽ được kiểm soát như thế nào.

“Có ý kiến đề nghị đẩy mạnh cơ chế xã hội hóa về kiểm định độc lập, lấy những mặt hàng đang lưu thông trên thị trường, trong các chợ, trong các siêu thị để kiểm định, thay vì kiểm định những hàng hóa doanh nghiệp chủ động đăng ký với cơ quan quản lý. Do đó đề nghị xem xét có cơ chế cho phép các tổ chức tư nhân giúp nhà nước kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa”, bà Xuân nói.

“Không chỉ thực hiện trong các đợt cao điểm, phải làm thường xuyên, liên tục để chấn chỉnh, tiến tới phải chấm dứt được nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng này. Có thể nói, đây cũng là tội giết người. Vì dùng hàng giả, hàng nhái không chữa được bệnh nan y thì cũng là gây chết người”, ĐB Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề nghị tăng mức phạt đối với sản xuất, buôn bán thuốc giả,  thực phẩm có chất cấm