Quốc hội

Đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2%

Quang Vinh, Việt Thắng 24/10/2024 11:49

ĐB Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2% và quy định như dự thảo Luật. Bởi nguồn kinh phí công đoàn đã được duy trì và phát huy có hiệu quả hơn 60 năm qua, từ năm 1957 khi có Luật Công đoàn đến nay.

Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi.

Đề xuất 3 mức thu phí công đoàn

Phát biểu tại phiên họp, tranh luận với các đại biểu tại phiên họp về vấn đề phí công đoàn 2%, ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho hay, nguồn thu kinh phí công đoàn 2% được quy định từ năm 1957 vì thời kỳ đó người lao động chủ yếu là cán bộ, nhân viên làm việc trong cơ quan Nhà nước. Việc trích 2% là từ ngân sách nhà nước, bản chất là “lấy từ túi này sang túi khác”. Nhưng đến nay Việt Nam đã chuyển qua nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì dần có sự bất hợp lý.

z5962138706956_761cfa58c01546f9f0e6b6b3a8d75152.jpg
Ông Nguyễn Anh Trí phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Theo ông Trí, số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay là rất lớn, nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI. Số lượng người lao động trong một doanh nghiệp bây giờ đông hơn nhiều, có thể vài trăm, vài nghìn, thậm chí cả vạn người. Nếu đóng phí 2% thì tạo gánh nặng cho doanh nghiệp có nhiều người lao động. Nặng đến mức doanh nghiệp không thể mở rộng được sản xuất, thậm chí không duy trì hoạt động được thì người lao động không có việc làm, tức là mất việc. Hoặc thu hẹp doanh nghiệp, thậm chí đầu tư FDI bị sụt giảm khiến nền kinh tế trong nước bị ảnh hưởng, người lao động thất nghiệp. Bên cạnh đó sẽ có nhiều doanh nghiệp trốn đóng, thậm chí không tham gia công đoàn, hậu quả thật nặng nề.

z5961987460792_ef91a900a8f8914e63b0a4ba9715753a.jpg
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham dự phiên họp. Ảnh: Quang Vinh.

Từ đó, ông Trí đề xuất thu phí phù hợp và hợp lý hơn với hoàn cảnh thực tế Việt Nam. Theo đó, đối với doanh nghiệp dưới 500 người lao động thì phí vẫn là 2%. Doanh nghiệp từ 500 đến 3.000 người thì có mức thu 1,5 %. Doanh nghiệp trên 3.000 người trở lên thì phí chỉ 1%.

Bên cạnh đó, ông Trí cũng đề nghị, dự thảo Luật lần này cần quy định nhiều hơn, chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn, quan tâm hơn đến đời sống tinh thần, văn hóa, thể thao, giải trí của người lao động. Như vậy sẽ tốt và hiệu quả hơn đối với người lao động.

z5961671777169_0454440491417b03405b37960bf5de24.jpg
Ông Trần Nhật Minh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quang Vinh.

Trước đó, ĐB Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2% và quy định như dự thảo Luật. Bởi nguồn kinh phí công đoàn đã được duy trì và phát huy có hiệu quả hơn 60 năm qua, từ năm 1957 khi có Luật Công đoàn đến nay. Nguồn kinh phí này được sử dụng tại công đoàn cơ sở chủ yếu để chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, như thăm hỏi, ốm đau, quà tết, quà sinh nhật, hoặc tổ chức các hoạt động về văn hóa thể thao.

z5961987274275_55c0ffe61c60de80fbf7d22fd6fa81d3.jpg
Bà Lê Thị Thanh Lam phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quang Vinh.

Còn ĐB Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) nhất trí với việc duy trì kinh phí công đoàn 2%. Bà Lam cho rằng, qua thực tiễn, nguồn thu này cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng giúp công đoàn xây dựng đủ mạnh để chăm lo tốt cho đoàn viên, người lao động, tạo sự gắn kết trong mọi hoạt động giữa công đoàn người lao động, công đoàn và người lao động ngày càng tốt hơn.

Người nước ngoài lao động tại Việt Nam được gia nhập công đoàn

Về quyền gia nhập công đoàn của lao động là người nước ngoài (Điều 5 dự thảo Luật), ĐB Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hoá) cho rằng, đây là vấn đề được dư luận xã hội và rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, phát biểu, thảo luận tại kỳ họp thứ 7. Cá nhân ông Sơn thống nhất với việc dự thảo Luật đã bổ sung quyền gia nhập công đoàn của người lao động là người nước ngoài.

Ông Sơn đưa ra 3 phân tích. Thứ nhất, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đã ký kết và tham gia hàng chục hiệp định đa phương và song phương quan trọng, như CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính hết năm 2023, có khoảng 136.800 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; nguồn lao động này góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh; tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần đào tạo nhân lực tại chỗ theo tương tác thẩm thấu. Việc dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cho phép người lao động nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam là phù hợp với bối cảnh, nhu cầu thực tiễn của người lao động nước ngoài tại Việt Nam và đảm bảo thể chế hóa chủ trương của Đảng, bảo đảm sự tương thích đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Thứ hai, việc cho phép người lao động nước ngoài gia nhập công đoàn như dự thảo luật đang ghi nhận là quy định quan trọng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của họ và cũng phù hợp với Công ước quốc tế năm 1996 của Liên hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam là thành viên, trong đó có nêu về quyền gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình.

“Thứ ba, việc bổ sung quy định này góp phần tạo sự bình đẳng giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài tại Việt Nam; làm tăng uy tín của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người, đảm bảo sự công bằng giữa các lao động trong nước và ngoài nước”, ông Sơn cho hay.

z5962128044649_b6ded8f6514495ac67c1b909f2913061.jpg
Ông Dương Khắc Mai phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quang Vinh.

Cùng quan điểm, ĐB Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cũng cho hay, quyền gia nhập công đoàn của lao động là người nước ngoài phù hợp đồng bộ với quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn, bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho biết, Tại Tờ trình số 07/TTr-TLĐ ngày 19/4/2024, Cơ quan soạn thảo trình Quốc hội hai phương án và lựa chọn phương án 1 là bổ sung quyền gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam của người lao động là người nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam. Hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đã cung cấp thông tin tham khảo kinh nghiệm pháp luật của một số nước trên thế giới về nội dung này.

Bà Nguyễn Thuý Anh báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)
Bà Nguyễn Thuý Anh báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh.

Việc quy định quyền gia nhập và hoạt động Công đoàn của lao động là người nước ngoài làm việc trên lãnh thổ Việt Nam sẽ góp phần thể chế hóa đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đáp ứng các yêu cầu thực thi cam kết quốc tế về lao động, công đoàn của Việt Nam. Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Bộ luật Lao động.

“Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và ý kiến của cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập công đoàn, hoạt động tại công đoàn cơ sở”, bà Anh cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2%