Từ kết quả sơ bộ của cuộc thăm dò khảo cổ học tại gò Dương Xuân-Huế, GS Phan Huy Lê đề nghị tiếp tục triển khai giai đoạn II nhằm làm sáng tỏ kiến trúc đá rộng trên 5,50m tại hố thăm dò số 5 là tường thành hay công trình xây dựng?
Quang cảnh hội nghị.
Chiều ngày 9/1, tại Huế, Sở Văn hóa Thể Thao Thừa Thiên Huế, Viện Khảo cổ học và Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải-Vietravel đã tổ chức báo cáo sơ bộ Kết quả thăm dò khảo cổ học tại gò Dương Xuân, phường Trường An, thành phố Huế từ ngày 7-20/10/2016 theo Quyết định của Bộ VHTT&DL.
Chủ trì thăm dò, PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện khro cổ học Việt Nam cho biết:
Căn cứ vào tư liệu hiện trường (di tích và di vật) của 5 hố thăm dò ở gò Dương Xuân, đoàn đã phát hiện tại hố 2 di tích có thể liên quan đến mộ táng. Phát hiện cụm cát vàng, tơi xốp, lẫn sỏi nhỏ có thể liên quan đến nền/móng của kiến trúc. Đặc biệt tại hố 5 đã phát hiện kiến trúc đá chiều rộng trên 5,50m, theo chiều Đông-Tây, bước đầu nhận định lớp đá này có thể liên quan đến kiến trúc lớn.
Về di vật gồm đồ đồng, đồ sắt, gốm sứ, sành,đất nung, gạch ngói… bước đầu có thể đoán định di tích gò Dương Xuân tập trung từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX kéo dài đến đầu thế kỷ XX.
GS Phan Huy Lê gợi ý triển khai thăm dò giai đoạn II.
Sau khi nghe các nhà khoa học, nghiên cứu phát biểu, GS.VS.NGND. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chủ trì hội nghị một lần nửa tái khẳng định sự đúng đắn và tâm huyết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân qua công trình nghiên cứu “Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương”.
Từ kết quả sơ bộ của cuộc thăm dò, GS Phan Huy Lê đề nghị tiếp tục triển khai giai đoạn II nhằm làm sáng tỏ kiến trúc đá rộng trên 5,50m tại hố thăm dò số 5 là tường thành hay công trình xây dựng?
GS Phan Huy lê cũng gợi ý nên mở 2 rãnh Đông, Tây từ chùa Vạn Phước hiện nay để tiếp tục thăm dò khảo cổ học. GS hy vọng, sau khi tiến hành đợt 2 mới có cơ sở khoa học để kết luận nhằm giải đáp câu hỏi Cung điện Đan Dương nằm ở đâu?