Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa các bài thi THPT quốc gia 2017, nhiều chuyên gia, giáo viên nhận định đề thi vừa sức, độ phân hóa cao và tỷ lệ câu hỏi vận dụng thực tế nhiều hơn. Tuy nhiên, bản thân các thí sinh - đối tượng trực tiếp ảnh hưởng lại có khá nhiều băn khoăn.
Ảnh minh họa.
Giáo viên khen
Nhận xét về đề thi tham khảo môn Toán học, thầy Trần Mạnh Tùng, Trưởng bộ môn Toán Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết đề có tính phân hóa khá mạnh đáp ứng được cả mục tiêu tuyển sinh của các trường đại học các câu hỏi yêu cầu học sinh học kỹ các khái niệm cơ bản, biết tổng hợp kiến thức và cần tư duy linh hoạt, giải quyết nhanh vấn đề không phải sử dụng nhiều tới máy tính để tính toán trong quá trình làm bài. Cùng quan điểm, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Nguyễn Du - TP Hồ Chí Minh nhận xét, đề thi minh họa bao quát hết chương trình lớp 12, được sắp xếp từ dễ đến khó theo 4 mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao). Điều quan trọng là có nhiều bài mang tính ứng dụng thực tế.
Đối với môn Ngữ văn, nhiều giáo viên cho rằng đề thi không có câu hỏi đánh đố mà tập trung vào kỹ năng cảm thụ, trình bày, lập luận của học sinh. Dạng câu hỏi ở phần đọc hiểu thể hiện được các cấp độ nhận thức của của học sinh, tuy nhiên nghiêng nhiều về cấp độ thông hiểu, vận dụng. Vì thế, đòi hỏi học sinh phải hiểu rõ văn bản, có tư duy phân tích, lý giải vấn đề để đáp ứng yêu cầu của dạng câu hỏi này. Phần làm văn đòi hỏi học sinh không chỉ trình bày kiến thức mà còn phải chú trọng đến kỹ năng lập luận. Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa (Hà Nội) cho rằng đề thi lần này khoa học và công phu, trong đó phần đọc hiểu khá vừa sức.
Về môn Giáo dục công dân, các giáo viên cũng nhận định đề thi có sự phân hóa cao và các câu hỏi đều vận dụng kiến thức thực tế nên tương đối khó đối với học sinh có học lực trung bình. Đặc biệt, để đạt điểm cao rất khó, đòi hỏi học sinh phải sáng tạo, có kiến thức nền tảng vững, biết liên hệ đời sống thực tiễn. Về đề thi môn Sử, Địa, một số giáo viên nhận định đề thi bám sát chương trình lớp 12, nhưng nhiều câu hỏi khó, yêu cầu vận dụng thực tế ở mức độ cao nên khả năng đạt điểm 7 - 8 không nhiều.
Cô Tống Thị Thoa, giáo viên dạy môn Địa lý, Trường THPT Đống Đa cho biết: “Đề phù hợp với học sinh. Số lượng câu không dài độ khó vừa tầm. Nếu học sinh học ổn có thể được 7 đến 8 điểm, cũng có những câu hỏi cập nhật thời sự.
Về môn tiếng Anh, nhiều ý kiến có chung quan điểm: đề thi không có gì mới, nếu không muốn nói khá cũ và rất giống trong các bộ đề cương ôn tập. Vì thế, học sinh trung bình dễ dàng đạt 5 điểm và tỷ lệ điểm dưới trung bình, thậm chí là điểm liệt sẽ được hạn chế rất nhiều so với đợt thi 2016. Điểm mới của đề thi là việc sắp xếp thứ tự các câu hỏi từ dễ tới khó. Nội dung đều nằm trong chương trình sách giáo khoa.
Riêng về môn Sinh, trao đổi với báo chí, thầy Trần Ngô Định Công, giáo viên môn Sinh, Trường THPT Nhân Việt vẫn băn khoăn: Đề thi minh họa trở về dạng đề truyền thống những năm gần đây (2015, 2016) và thể hiện rõ mức độ khó, nhiều toán, nhiều câu đếm số đáp án đúng khiến thí sinh khó chọn phương pháp ôn luyện.
Học sinh băn khoăn
Nhận xét về đề thi tham khảo, đối với môn Hóa, một số học sinh sau khi tiếp cận đề thi đều cho rằng đề được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó và mức phân hóa cao, kiểm tra được kiến thức, kỹ năng làm bài. Em Thu Hằng - Trường THPT Hai Bà Trưng chia sẻ: Em có thể làm hết số câu hỏi ở mức độ hiểu vận dụng (khoảng 70%), còn một số câu ở độ khó cao và chỉ những học sinh rất xuất sắc mới đạt được điểm 9 - 10. Về đề thi các môn Lịch sử, Địa lý, em Lan Phương- Trường THPT Thăng Long cho rằng vẫn còn một số câu hỏi có đáp án còn chung chung khiến học sinh băn khoăn và đưa ra đáp án không đúng.
Em Toàn, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội thì cho rằng, đề thi môn Toán khá khó. Đề thi Toán có 50 câu được ra trong 90 phút nhưng câu hỏi hơi dài. Trong đề có 20 câu đầu tiên là dễ còn lại là khó dần và được trộn lẫn, xen kẽ với nhau. Vì vậy, học sinh khó đảm bảo đủ thời gian để làm bài. So với 2 đề minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố thì đề thi tham khảo lần này khó hơn. Theo Toàn, trong kỳ thi chính thức tới đây, Ban soạn thảo đề nên giảm bớt số lượng câu hỏi hoặc tính toán thêm thời gian làm bài.
Em Kiều Trang- Trường Việt Đức thì nhận xét, đề thi môn Toán và tiếng Anh không quá khó so với những đề mà em đã từng được làm thử. Tuy nhiên, số lượng câu hỏi nhiều nên em nghĩ với thời gian 90 phút đối với đề thi Toán và 50 phút đối với đề thi tiếng Anh thì chưa chắc em và các bạn đã làm hết bài thi.
Còn em Hồng Hà- Trường THPT Trương Định thì chia sẻ: Thường đề thi nào cũng phải có những câu cơ bản để thí sinh kiếm điểm và được công nhận tốt nghiệp. Đối với em, những câu cơ bản trong đề thi môn Sinh cũng không dễ, được điểm 5 khá vất vả.
Chỉ còn hơn một tháng nữa, các sỹ tử trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi ra đề thi chính thức, việc chọn lựa nội dung kiến thức sẽ được làm theo quy trình rất chặt chẽ. Bộ sẽ thành lập hội đồng đề thi gồm các chuyên gia có kinh nghiệm trong chuyên môn và công tác xây dựng đề thi. Hội đồng sẽ làm việc theo hình thức cách ly hoàn toàn, chọn lựa các câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa để xây dựng đề thi phục vụ cho kỳ thi.
TS Sái Công Hồng- Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã nhận được phản hồi của một số giáo viên liên quan đến đề thi minh họa môn Địa lý và Hóa học mới công bố gần đây. Cụ thể là đề thi Địa lý có đóng góp ở các câu 42, 44, 52, 55. Môn Hóa học có đóng góp ý kiến ở câu 74... Tiến sỹ Hồng khẳng định những ý kiến đóng góp của giáo viên và học sinh sẽ được Bộ tiếp thu, để khi ra đề thi và đáp án chính thức sẽ tạo được sự đồng thuận cao nhất, tránh các nội dung gây tranh cãi. Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai các bước tiếp theo của quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, đảm bảo kịp tiến độ phục vụ kỳ thi chính thức vào tháng 6/2017. |