Báo cáo ở Hội nghị “Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhận định, còn nhiều tồn tại và hạn chế trong vấn đề đấu giá đất ở nước ta.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, đề xuất bổ sung quy định về việc dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực.
Thứ trưởng chỉ ra, tại một số địa phương còn có hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh - quân đỏ", để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng "xã hội đen" đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ; thông đồng giữa Tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để "dìm giá"... Ví dụ như vụ đấu giá đất tại tỉnh Thái Bình năm 2020, hay gần nhất là những vụ việc xảy ra ở Hà Nội và một số địa phương trong năm 2021.
Ngoài ra, còn có hiện tượng trả giá rất cao một số lô đất, rồi quay xe bỏ cọc, với mục đích gây hiệu ứng để tạo mặt bằng giá ảo rồi mua đi, bán lại nhiều lô đất đã trúng đấu giá khác hoặc bán ra các lô đất đã mua gom trong khu vực gần đó để thu lợi.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng thừa nhận, những hành vi vi phạm trong đấu giá đất vừa nêu rất khó nhận biết và bị phát hiện.
Trong khi đó, pháp luật nước ta hiện chưa quy định chưa thống nhất về việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, pháp luật về đấu giá tài sản không có quy định về việc dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực.
"Những quy định không đầy đủ, không rõ ràng về việc xem xét các điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, chứng minh sự minh bạch, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá. Chưa có chế tài xử lý khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất", báo cáo của Thứ trưởng chỉ ra.
Đồng thời, hiện quy định về thời gian từ khi đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá khá dài (Ví dụ như ở Thủ Thiêm là 180 ngày), và việc này chính là sơ hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như “thổi” giá bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán sản phẩm tồn.
Thực tế đã có một số trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng sau cuộc đấu giá đã không thanh toán tiền trúng đấu giá, chấp nhận chịu mất "tiền đặt trước", hoặc có trường hợp nhà đầu tư "dây dưa" kéo dài việc thanh toán, như trường hợp đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn, mãi đến năm 2017 mới chấp nhận thanh toán tiền trúng đấu giá và nộp phạt do chậm thanh toán.
Cũng tại báo cáo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, trong thời gian tới chúng ta cần tập trung rà soát để quy định thống nhất trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; quy định điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá; bổ sung quy định ngay sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, người trúng đấu giá phải nộp ngay số tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện hợp đồng theo kết quả trúng đấu giá tại cuộc bán đấu giá và phải tính theo giá trị kết quả trúng đấu giá.
Đồng thời, bổ sung chế tài xử phạt các trường hợp đặt cọc đấu giá nhưng sau đó bỏ cọc để hạn chế tình trạng đầu cơ, “thổi giá”. Trong khi đó, người trúng đấu giá mà bỏ cọc thì sẽ không được tham gia các cuộc đấu giá khác trong một thời gian quy định.
Ngoài ra, cần bổ sung quy định về việc dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực. Bổ sung quy định xử lý thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất. Bổ sung quy định về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, không cho phép chậm và phạt chậm nộp như quy định chung của pháp luật về quản lý thuế.