Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều người dân mong mỏi đề xuất F0, F1 được đi làm trở lại của Bộ Y tế sớm được thông qua.
Từng ngày đợi chờ…
Mới đây, Bộ Y tế đã có đề xuất cho F0 và F1 không có triệu chứng làm việc cũng như dừng công bố ca mắc Covid-19 hàng ngày. Theo Bộ Y tế, việc dừng công bố số ca mắc là để tránh gây hoang mang vì đó chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá cấp độ dịch, chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh...
Đề xuất này nhận được nhiều sự đồng tình của người dân cũng như nhiều chuyên gia y tế trong bối cảnh số ca nhiễm liên tục tăng cao từng ngày. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp vắng bóng người khi đa số nhân lực đều trong tình trạng “2 vạch”.
Đã hơn 1 tuần phải ở nhà vì liên tục tiếp xúc gần với 3 F0, chị Trần Phương Liên (phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm) đã chán nản cảnh phải xử lí công việc online. “Do đặc thù công việc phải làm việc trực tiếp với giấy tờ và đóng dấu, lại phải thường xuyên trao đổi với các bộ phận chuyên môn khác nên làm việc online khiến tôi cảm thấy rất mệt mỏi, công việc tồn đọng cả tuần nay”, chị Liên cho hay.
Do vậy, trước đề xuất của Bộ Y tế, chị Liên cùng nhân viên tại công ty rất ủng hộ: “Chúng tôi mong mỏi từng ngày đề xuất này sớm được thông qua. Dịch bệnh bây giờ ở khắp nơi, cứ nhà suốt thì công việc ảnh hưởng rất nhiều”.
Tương tự, chị Lưu Ngọc Anh (phường Mai Dịch, Cầu Giấy) cũng đồng tình: “Cả công ty tôi có đến 90% là F0 đang điều trị tại nhà, giờ chỉ còn vài người là làm việc trực tiếp trên trụ sở công ty. Nếu cứ cách ly chồng cách ly thì ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh do làm việc online cũng có nhiều hạn chế. Thay vào đó việc cho phép F0, F1 đi làm bây giờ cũng là phù hợp bởi giờ ở đâu cũng thấy F0”.
Cũng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc cho F1 và F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ ở nhà là đang lãng phí nguồn nhân lực, nhiều nơi rơi vào tình trạng đình trệ, thậm chí ngừng hẳn hoạt động sản xuất, kinh doanh do F0 chiếm đến đa số.
Đã đến lúc F0 cũng được đi làm
Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc để F0, F1 đi làm theo đề xuất của Bộ Y tế là phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Theo lí giải của chuyên gia, hiện tại số ca nhiễm liên tục tăng đột biến trong cộng đồng dẫn đến nhiều đơn vị, cơ quan doanh nghiệp không có người đi làm do đều là F0, F1. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Trong khi hiện nay người dân đều đã được tiêm vaccine, sự lây lan của chủng mới Omicron làm các ca nhiễm hầu hết chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Do vậy việc đi làm trở lại đối với F0, F1 là hoàn toàn cần thiết.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý, đối với các trường hợp F0, F1 khi đi làm phải tuân thủ đầy đủ nguyên tắc 5K để hạn chế tối đa khả năng lây lan dịch bệnh cho người khác và cộng đồng. PGS.TS Phu cảnh báo, việc nới lỏng và chấp nhận sự lây lan của dịch bệnh không có nghĩa là “buông trôi” mặc kệ dịch bệnh lây lan mà vẫn phải kiểm soát và có kịch bản dự phòng.
“Số ca nhiễm tăng càng cao cũng đồng nghĩa với việc hệ thống y tế rất dễ rơi vào tình trạng quá tải, tỉ lệ ca chuyển nặng và tử vọng cũng có nguy cơ tăng theo, nhất là đối với những người già, người có bệnh nền và trẻ nhỏ khi chưa được tiêm vaccine. Do vậy, người dân cũng không nên chủ quan, lơ là phòng dịch.”, chuyên gia nhấn mạnh.
Theo đề xuất của Bộ Y tế, đối với trường hợp F0 không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (7 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính), tự nguyện tham gia làm việc, các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K. Trong trường hợp này, F0 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại.
Cũng theo đề xuất, những người là F1 nhưng chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.