Những ngày đỉnh dịch, công việc của các giáo viên vốn đã vất vả lại càng vất vả hơn, đặc biệt là những thầy cô là F0. Dù không phải đến trường nhưng họ không hề nghỉ ngơi mà vẫn duy trì việc dạy học trực tuyến để truyền tải kiến thức cho học trò.
Không giống như các nghề nghiệp khác, đặc thù công việc khiến các thầy cô phải nói nhiều liên tục, trước một tập thể lớp vài chục học sinh. Bởi thế, giáo viên là F0 duy trì việc dạy học sẽ càng khó khăn hơn.
Ho nhiều, sốt cao, mệt mỏi nhưng cô Phạm Thị Hồng - giáo viên Tiếng Anh, Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn cố gắng dạy học. Chỉ sau ngày trở thành F0, cô Hồng bắt tay ngay vào việc dạy trực tuyến ở các lớp mình đảm nhiệm. Giọng khản đặc nhưng cô Hồng vẫn không bỏ dạy. Cô Hồng cho biết, nhiều đồng nghiệp của cô cũng là F0, học trò của cô chủ nhiệm năm nay là lớp 9 nên các em đang chuẩn bị bước vào kỳ thi chuyển cấp quan trọng. Lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm với công việc không cho phép cô nghỉ ngơi.
Bên cạnh việc dạy học, cô Hồng luôn động viên các học sinh là F0 và cổ vũ các em để cùng nhau duy trì tinh thần học tập, sẵn sàng thích nghi trong mọi tình huống. Cô Hồng chia sẻ: “Gần giai đoạn nước rút, cả cô và trò đều đặt quyết tâm cao, dù là F0 nhưng đều không nghỉ dạy và học”.
Đấy là giáo viên không có bệnh nền còn với giáo viên vừa có bệnh nền vừa mắc Covid-19, khó khăn càng tăng lên gấp bội. Cô giáo Phạm Thị Mai Hoa, Hiệu phó Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội) hiện tại đang là F0; đồng thời cũng là một bệnh nhân ung thư. Cùng lúc chiến đấu với hai căn bệnh, nhưng cô Hoa vẫn duy trì việc lên lớp của mình bằng hình thức dạy trực tuyến.
Sau 3 ngày đầu có triệu chứng ho sốt, hiện tại sức khỏe cô Hoa đã ổn định hơn. Mắc Covid-19 lại có bệnh nền nên cô phải thường xuyên liên lạc với bác sĩ điều trị để nhận được tư vấn hỗ trợ. Cô Hoa tâm sự: “Thầy cô trong nhà trường cố gắng hết sức đồng hành cùng học sinh. Học sinh còn học thì chúng tôi còn dạy để vừa truyền tải kiến thức vừa là điểm tựa cho các em”.
Thời điểm này, nhiều áp lực đè nặng lên vai đội ngũ giáo viên nhưng bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi luông động viên nhau cố gắng”.
Theo bà Quỳnh, khó khăn lớn nhất là số giáo viên của trường bị F0 ngày một nhiều, việc bố trí giáo viên dạy thay rất vất vả, phải cập nhật theo ngày, theo tuần. Nhà trường đã chủ động sắp xếp thời khóa biểu hợp lý sao cho giáo viên F0 vừa dạy trực tuyến vừa bảo đảm sức khỏe.
Bà Quỳnh cho hay, các thầy cô rất lo lắng cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12 vì chỉ còn thời gian ngắn nữa các em bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thế nên, nhiều giáo viên là F0 chủ động tiếp quản công việc chỉ sau 1, 2 ngày đầu sốt cao.
Nhìn nhận về việc giáo viên là F0 vẫn duy trì việc dạy học, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nêu quan điểm với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết rằng, nếu giáo viên bị F0 tuyệt đối không đến lớp dạy học trực tiếp cho học sinh vì nguy cơ lây nhiễm cho học sinh, đặc biệt học sinh chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19 là rất cao.
Tuy nhiên, theo ông Phu, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc giáo viên là F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng dạy học trực tuyến là hoàn toàn hợp lý.
Ông Phu lưu ý, khi mắc Covid-19, giáo viên cần báo ngay với nhà trường. Từ đó, nhà trường khai báo với cơ quan y tế địa phương để có biện pháp ưu tiên, tư vấn, hướng dẫn cách điều trị bệnh kịp thời và theo dõi sức khỏe cho các thầy cô. Đồng thời ông Phu lưu ý, trong thời gian bị F0, giáo viên cần theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của mình. Đối với giáo viên bị đau, rát họng nên nghỉ ngơi, nếu nói nhiều sẽ ảnh hưởng tới thanh quản. Trường hợp bệnh chuyển nặng, các thầy cô cần nhập viện để điều trị. Còn đối với thầy cô là F0 có triệu chứng nhẹ, hoặc không có triệu chứng có thể phối hợp hài hòa với nhà trường, sắp xếp tiếp tục việc dạy học.
“Thời điểm này, các trường cần bố trí lịch dạy giữa các bộ môn, giờ giấc dạy học sao cho hợp lý. Vì triệu chứng của các giáo viên bị F0 có thể tăng lên. Thế nên, mỗi nhà trường nên có kịch bản được soạn sẵn, linh hoạt ứng phó, như giáo viên dạy trực tuyến sẽ được thay thế như thế nào; nếu giáo viên là F0 đang dạy học mà triệu chứng nặng hơn thì làm sao” - ông Phu nhấn mạnh.
Trước khó khăn về việc tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đã tham mưu với Chính phủ để có những chính sách hỗ trợ cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên chịu tác động của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ năm học đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tổ chức hoàn thành nhiệm vụ năm học; hướng dẫn địa phương chủ động linh hoạt chuyển đổi giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Đồng thời, duy trì dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình để hỗ trợ dạy học trực tiếp.