Kinh tế

Để xuất khẩu gạo đi được đường dài

Xuân Anh 10/01/2024 11:06

Xuất khẩu gạo đã ghi được nhiều dấu ấn trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2024. Song, vấn đề cốt yếu vẫn là, làm thế nào để sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, mang lại lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp.

anhbaitren.jpg
Cần tiếp tục khơi thông nhiều điểm nghẽn để xuất khẩu gạo bền vững. Ảnh: T.Bảo.

Vấn đề nói trên được đặt ra tại Tọa đàm "Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo” diễn ra vào ngày 9/1 tại TPHCM.

Từng bước khẳng định giá trị

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn gạo, mang về giá trị 4,78 tỷ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 38,4% về giá trị so với năm 2022. Đây là những con số cao kỷ lục kể từ khi Việt Nam bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo (1989) đến nay.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) nhận định, ngành lúa gạo ngày càng đóng vai trò quan trọng không chỉ với lĩnh vực nông nghiệp mà cả nền kinh tế. Sản xuất lúa gạo không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực, sinh kế cho người dân mà còn thực thi các cam kết, trách nhiệm quốc tế về hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu.

Thời gian qua, xuất khẩu gạo tăng mạnh cả sản lượng và giá cho thấy, gạo Việt đang ngày càng khẳng định được giá trị.

Ông Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An thông tin, năm 2023 ngành lúa gạo Long An ghi nhận sự phát triển tốt, diện tích sản xuất và sản lượng đều đạt kế hoạch đề ra. Riêng xuất khẩu ghi nhận sự tăng tưởng cao; trong đó, sản lượng xuất khẩu tăng khoảng 55% và giá trị tăng khoảng 63% so với năm 2022. Giá lúa gạo tăng cao giúp người nông dân thu được lợi nhuận tốt, ổn định đời sống.

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An phân tích, năm 2023, xuất khẩu gạo gặp thuận lợi do nhu cầu lương thực thế giới tăng trong khi nguồn cung bị giới hạn, đặc biệt sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao kỷ lục. Việt Nam có lợi thế trong sản xuất lúa gạo khi tác động của biến đổi khí hậu đến việc thu hẹp diện tích sản xuất là không đáng kể mà chủ yếu do chúng ta chủ động giảm diện tích để tập trung cho nâng cao chất lượng.

Dù diện tích sản xuất có giảm nhưng nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên sản lượng lúa gạo của Việt Nam năm sau vẫn cao hơn năm trước. Trung bình mỗi năm Việt Nam sản xuất 43 - 45 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 26 - 28 triệu tấn gạo. Trong đó, khoảng 20 triệu tấn dành cho tiêu thụ trong nước, phần còn lại dành cho xuất khẩu.

Theo ông Bình, năm 2023, giá gạo thế giới tăng cao ngoài có nguyên nhân khách quan về cân đối cung cầu lương thực nhưng việc giá gạo Việt Nam nhiều lần vượt qua Thái Lan, cao nhất thế giới không phải sự "ăn may", mà là kết quả tất yếu của việc đầu tư vào nâng cao chất lượng. Có thể khẳng định đến hiện tại, Việt Nam hơn hẳn Thái Lan về bộ giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao.

Gỡ những điểm nghẽn

Theo các chuyên gia, ngay trong bối cảnh ngành gạo lập kỷ lục cả về lượng và giá trị xuất khẩu, sản xuất tiêu thụ lúa gạo của Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều yếu tố thiếu bền vững. Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, định hướng của Đồng Tháp là giảm sản lượng gạo xuất khẩu nhưng tăng chất lượng và giá trị. Việc này đòi hỏi nông dân và DN phải liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn để sản xuất gắn với nhu cầu thị trường. Mặc dù tỉnh đã có nhiều giải pháp để khuyến khích liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo nhưng đến nay, diện tích lúa có liên kết với DN mới đạt 25%. Chính vì vậy, mặc dù năm 2023 được xem là thành công về phương diện xuất khẩu nhưng nhiều thời điểm giá lúa cao, nông dân có lợi thì DN xuất khẩu lại khó khăn.

Tương tự, theo chia sẻ của đại diện Sở NNPTNT tỉnh Long An, thời gian qua, một số DN ngành lúa gạo đã chú trọng liên kết sản xuất nhưng diện tích sản xuất lớn tại Long An chưa nhiều, chỉ được khoảng 20.000 - 30.000ha, tương đương 10% tổng diện tích lúa toàn tỉnh. Với đặc thù sản xuất nhỏ, phân tán manh mún nên khó áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để hướng tới sản xuất phát thải thấp hay đạt được tín chỉ carbon. Do đó, cần liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu, đặt hàng cho các hợp tác xã để sản xuất theo yêu cầu xuất khẩu của các DN, bảo đảm hiệu quả xuất khẩu bền lâu.

Đại diện Công ty Trung An cho rằng, liên kết sản xuất lớn chính giải pháp phát triển bền vững nhất không chỉ cho ngành lúa gạo mà cho nhiều ngành sản xuất khác. Chỉ khi liên kết thì việc tổ chức sản xuất mới gắn liền với nhu cầu thị trường. Nông dân và doanh nghiệp đều được lợi khi nguồn cung ổn định cả về sản lượng và chất lượng, giá bán được điều chỉnh theo quy luật cung cầu của thị trường.

Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" cho thấy định hướng rõ ràng của Chính phủ đối với ngành lúa gạo; trong đó, khuyến khích các địa phương, DN hướng tới liên kết sản xuất ngành lúa gạo chất lượng cao, không chạy theo sản lượng mà đi vào chất lượng, giá trị gia tăng gắn với bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, mấu chốt quyết định việc thành công của đề án phụ thuộc ở cơ chế, chính sách hỗ trợ DN tham gia liên kết. Liên kết sản xuất, đồng nghĩa với DN phải đầu tư lâu dài và đồng bộ từ tổ chức sản xuất, cung cấp vật tư đầu vào cho DN đến thu mua, vận chuyển, chế biến... Tuy nhiên, nhu cầu vốn cho các hoạt động này vượt quá khả năng của hầu hết DN hiện nay. Chính vì vậy, giải được bài toán về cơ chế vốn, tín dụng cho DN chính là khơi thông điểm nghẽn cho vấn đề liên kết trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để xuất khẩu gạo đi được đường dài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO