Sáng 19/1, tại TPHCM, Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo. Một nội dung đáng chú ý là Bộ GDĐT đề xuất cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, việc xây dựng Luật Nhà giáo là nhiệm vụ khó khăn bởi đây là xây dựng một luật mới, không phải là sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nhà giáo như Luật Viên chức, Bộ luật Lao động…Theo thống kê, có gần 200 văn bản liên quan đến nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Ông Thưởng cũng phân tích những nội dung cơ bản trong việc xây dựng Luật Nhà giáo. Đơn cử với nội dung định danh nhà giáo, cần làm rõ đặc trưng giữa nhà giáo trong khối chính quyền, khối tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang. Cùng đó quan điểm cốt lõi trong việc xây dựng Luật Nhà giáo là tạo điều kiện để phát triển nhà giáo về số lượng, chất lượng, cơ chế chính sách; không phải là quản lý nhà giáo. Việc này cũng phải đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo…để có những quy định phù hợp.
Ông Vũ Minh Đức- Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) khẳng định việc xây dựng Luật Nhà giáo rất cần thiết, xuất phát từ vai trò quyết định của đội ngũ giáo viên với sự nghiệp giáo dục. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo trong việc xây dựng bộ luật này. Cụ thể tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì phiên họp thường trực Chính phủ về đề xuất xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo.
Bộ GDĐT đề xuất 5 chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 95 (ngày 7/7/2023), bao gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Trong đó, chính sách định danh nhà giáo nhằm định nghĩa tường minh về nhà giáo, xác định rõ vị trí, vai trò của nhà giáo và tính đặc trưng trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo khác biệt so với các ngành nghề khác. Việc này làm căn cứ xây dựng các chế độ, chính sách tương xứng, phù hợp với nhà giáo. Chính sách này cũng nhấn mạnh hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo là đặc biệt, có sản phẩm là nhân cách người học; có tính chuyên nghiệp trong việc dạy học, tổ chức, hướng dẫn, tư vấn việc tìm kiếm tri thức…
Về chính sách tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là điểm mới dự kiến được đưa vào luật. Theo đó, giấy chứng nhận này là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo; thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay. Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo hoạt động giảng dạy, giáo dục trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ.
Ngoài ra, liên quan đến chế độ làm việc, theo chính sách được Bộ GDĐT đề xuất, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo được thể hiện thành chế độ làm việc đối với nhà giáo từng cấp học, trình độ đào tạo và được quy đổi đảm bảo thời giờ làm việc 40 giờ/tuần.
Trong đó, thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo (kể cả nhà giáo giữ chức vụ quản lý) bao gồm: nghỉ Hè 8 tuần thay cho nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ luật Lao động. Việc bố trí 8 tuần nghỉ Hè hàng năm do cơ sở giáo dục quy định trong kế hoạch giáo dục hàng năm phù hợp điều kiện cơ sở giáo dục.