Dệt may ứng phó với biến động thị trường

Giang Hương 21/06/2023 07:05

Ngành dệt may trải qua 4 tháng đầu năm trầm lắng với kim ngạch giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, trong thời điểm sản xuất kinh doanh khó khăn, thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp trong hệ thống vẫn duy trì việc làm cho gần 62.000 lao động, đảm bảo thu nhập bình quân ở mức 9,3 triệu đồng/người/tháng.

Ảnh: Quang Vinh.

Đơn hàng nhỏ lẻ, đơn giá giảm mạnh

Dệt may là ngành công nghiệp mang lại giá trị xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch đạt 44 tỷ USD trong năm 2022 và chiếm giữ vị trí ngành công nghiệp lớn thứ 5 cả nước.

Thế nhưng, bước vào năm 2023, GDP thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn năm 2022, do chính sách thắt chặt tiền tệ và xung đột địa chính trị. Kinh tế tăng trưởng chậm dẫn đến xu thế tiếp tục thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng và hàng hóa dệt may luôn có mặt trong top 5 các mặt hàng được tiết giảm.

Sức mua của các thị trường chính như Mỹ, châu Âu suy giảm mạnh, ngành dệt may Việt Nam đã trải qua 4 tháng đầu năm trầm lắng với kim ngạch xuất khẩu giảm 20% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu nhất trong các quốc gia xuất khẩu dệt may.

Theo ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Vinatex, những khó khăn trong năm 2023 đã được tập đoàn dự báo trước từ thời điểm năm 2022. Đơn cử với ngành sợi sau suốt 18 tháng tăng trưởng tốt, đến tháng 6/2022 đã có những cảnh báo về xu hướng giảm. Lý do là nhu cầu thấp, giá giảm do giá bông nguyên liệu biến động và giảm rất sâu so với cùng kỳ. Toàn bộ ngành sợi chịu thua lỗ, tồn kho sản xuất.

“Ở ngành may thì đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún, chưa bao giờ doanh nghiệp với hàng nghìn lao động phải nhận đơn hàng chỉ vài nghìn sản phẩm. Cùng với các đơn hàng nhỏ lẻ là đơn giá giảm rất mạnh. Nhiều đơn vị sản xuất có giá gia công giảm tới 50%. Ví như 1 chiếc sơmi trước kia có thể 1,7-1,8USD gia công nhưng giờ chỉ còn một nửa.

Theo ông Nguyễn Phước Hưng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), thông qua các cuộc khảo sát của HUBA, có tới 41,2% doanh nghiệp được hỏi cho biết đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, 17,6% cho rằng họ đang bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh, 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất-kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%. Số lượng doanh nghiệp trả lời đã ổn định được hoạt động kinh doanh là 52,9% trong khi số doanh nghiệp bị giảm sút cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ là 41,2%.

Ngoài ra, thời gian gần đây tình trạng mất điện, cắt điện luân phiên cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Linh hoạt ứng phó

Trước những khó khăn thời gian qua, để duy trì hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp đã nỗ lực tìm cách để ứng phó như mở rộng thị trường, xanh hóa chuỗi sản xuất; tìm kiếm đơn hàng nhằm bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động...

Nhờ đó, trong quý I/2023, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đạt doanh thu hợp nhất 4.462 tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm; lợi nhuận hợp nhất 118 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch năm. Quý II, dự kiến doanh thu đạt 4.340 tỷ đồng, đạt gần 25% kế hoạch năm, lợi nhuận đạt 58 tỷ đồng, đạt 9,5% kế hoạch năm.

Trong thời điểm sản xuất kinh doanh khó khăn, thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp trong hệ thống vẫn duy trì việc làm cho gần 62.000 lao động, đảm bảo thu nhập bình quân ở mức 9,3 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, mặc dù khó khăn như vậy nhưng với toàn bộ lao động, các doanh nghiệp vẫn duy trì được, đảm bảo việc làm cho người lao động. Để làm được việc đó, các đơn vị phải hết sức linh hoạt, chấp nhận làm đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh hơn, kỹ thuật cao hơn. Với ngành sợi cũng phải tìm kiếm các thị trường mới, linh hoạt hơn...

Cập nhật mới nhất trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của IMF, tăng trưởng toàn cầu vẫn sẽ giảm từ mức 3,4% năm 2022 xuống 2,8% năm 2023 và 3% năm 2024. Vì vậy, dự báo thị trường dệt may và thời trang sẽ gặp nhiều khó khăn trong các tháng còn lại của năm 2023. Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid-19. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế...

Trước những thách thức này, Vinatex cho biết, sẽ tập trung vào các giải pháp chính, gồm đẩy mạnh dự báo thị trường, hỗ trợ, đưa ra định hướng để các đơn vị có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất; theo dõi chặt chẽ tình hình tài chính tại các đơn vị, ổn định dòng tiền, đảm bảo khả năng thanh khoản cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, tập đoàn cũng ưu tiên giữ vững lực lượng lao động trên cơ sở cân đối giữa việc làm và thu nhập, bảo toàn lực lượng lao động để sẵn sàng “đón” cơ hội khi thị trường phục hồi.

Xanh hóa chuỗi sản xuất trong ngành dệt may cũng đang là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp bắt buộc triển khai. Để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển mình, bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với những yêu cầu của nhãn hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dệt may ứng phó với biến động thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO