Thời điểm này, lượng đơn hàng của các doanh nghiệp ngành dệt may vẫn chưa có sự cải thiện. Giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp dệt may phải xoay xở và chống chọi bằng nhiều cách mới mong “vượt bão”.
Chờ đơn hàng
Ông Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (Huba) cho hay, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm trên 8% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp (DN) đang giảm giờ làm để duy trì lao động. Dự báo, các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn đối với DN dệt may.
Thông tin về tình hình hoạt động của DN trong ngành, ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội May thêu đan TPHCM cho biết, đơn hàng dệt may nói chung và của DN TPHCM khó khăn trong quý 1, sang quý 2/2023 có cải thiện hơn song không đáng kể. Cụ thể, đơn hàng quý 1 giảm 30 – 40% nhưng sang quý 2, mức giảm chỉ 20 – 30%. Như mọi năm, ở thời điểm cuối quý 1 là có đơn hàng hết quý 2 nhưng năm nay đơn hàng rất ít. “Khó có thể kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng trưởng so với kết quả đạt được của năm ngoái với khoảng 44,5 tỷ USD” - ông Hồng nói.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 44,4 tỷ USD. Trong quý 1/2023, giá trị xuất khẩu của các DN dệt may giảm hơn 17% so với cùng kỳ. Năm nay, mục tiêu của ngành đặt ra là 47 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Thế nhưng, hiện tại, ngành dệt may đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là tổng cầu giảm trên toàn thế giới do lạm phát, xung đột ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.... Bên cạnh đó, hàng tồn kho của các nhãn hàng trên toàn cầu hiện vẫn tương đối lớn.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra mới đây, ông Đặng Triệu Hòa – Tổng Giám đốc Công ty Sợi Thế kỷ thông tin, phục hồi của đơn vị chậm hơn 1 quý so với kế hoạch. DN kỳ vọng phục hồi bắt đầu từ quý 3 và bình thường trở lại ở quý 4 năm nay. Trong công bố báo cáo tài chính hợp nhất của quý 1, Công ty Cổ phần Sợi Thế kỷ cho hay, doanh thu thuần chỉ đạt 288 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước.
Tìm cách “vượt bão”
Trước khó khăn của ngành dệt may, ông Nguyễn Phước Hưng nhận định, hầu hết các DN đang chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu. Cùng với đó, xoay xở tìm kiếm đơn hàng từ những đối tác mới, thị trường mới.
Gắn bó với ngành dệt may nhiều năm qua, ông Vũ Đức Giang cho rằng, khi thị trường xấu đi thường có chu kỳ khoảng 12 – 14 tháng. Vì vậy, khó khăn của năm 2023 sẽ còn kéo dài, trường hợp xấu nhất khủng hoảng của ngành kéo dài lên đến 24 tháng. Lãnh đạo Vitas khuyến cáo, DN dệt may cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, phong phú mặt hàng sản xuất. Đồng thời hướng đến xây dựng quy trình phát triển bền vững, ưu tiên dùng sản phẩm tái chế.
Đề cập đến giải pháp cầm cự sản xuất để vượt khó, ông Phạm Xuân Hồng khẳng định: “Ưu tiên số một của DN dệt may vẫn là giữ chân lao động. Rất nhiều DN đang tìm kiếm đơn hàng nhỏ lẻ hay đơn hàng giá rẻ nhằm duy trì sản xuất, thu nhập cho người lao động, như vậy còn hơn là không có việc”. Đơn cử như Công ty TNHH Dệt may Dony, ngay từ quý 4/2022, chủ DN này liên tục tìm kiếm đơn hàng giá rẻ, thay vì chọn lọc đơn hàng cao cấp như trước kia. Đây chính là lý do giúp DN cầm cự sản xuất trong khó khăn và không phải cắt giảm lao động.
Ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Công ty May mặc Dony chia sẻ: “Công ty đang tập trung vào nhóm khách hàng yêu cầu số lượng hàng lớn, giá cạnh tranh. Trong đó, phải kể đến thị trường Mỹ và Trung Đông. Đây là 2 thị trường có số lượng đơn hàng lớn và khá đều, mặc dù lợi nhuận thấp hơn”.
Nhiều DN dệt may kiến nghị, ngành công thương cần tăng cường phối hợp xúc tiến thương mại để hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, tìm kiếm bạn hàng, tránh phụ thuộc vào những thị trường truyền thống.
Về vấn đề này, ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Vitas cùng bày tỏ, trong ngắn hạn cần tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua Tham tán thương mại. Về trung, dài hạn, ông Tùng cho rằng, để phù hợp với chiến lược của ngành mà Chính phủ đã phê duyệt đến năm 2030 và tầm nhìn 2035, cần hỗ trợ một phần tài chính và chuyên gia trong việc thực hiện các dự án “xanh hóa” như giảm chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, chuyển đổi số trong ngành dệt may... giúp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu. Một điểm đáng chú ý khác, theo ông Tùng, Nhà nước cần giảm thuế thu nhập DN 2% cho các DN đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh như một số quốc gia đang thực hiện.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2023, xuất khẩu hàng dệt may của cả nước đạt 7,17 tỷ USD, giảm 17,7% (tương đương khoảng 1,54 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, các thị trường xuất khẩu lớn của cả nước như: Hoa Kỳ giảm hơn 30%, châu Âu giảm 11,3%… so với cùng kỳ năm 2022.