Theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, thị trường dệt may những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024 chưa thấy nhiều điểm sáng, cả về chỉ số kinh tế xã hội nói chung lẫn các chỉ số phát triển của ngành nói riêng.
Xuất khẩu giảm vì sức mua yếu
Báo cáo của Bộ Công thương, trong tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam ước đạt 3,91 tỷ USD, tăng 1,26% so với tháng 7 nhưng giảm hơn 15% so với tháng 6/2022. Dự báo, nhu cầu dệt may thế giới năm 2023 có khả năng giảm 8 – 10%, sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm nay và cả những tháng đầu năm 2024.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng nhận định, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam cả năm 2023 đạt khoảng 40 tỷ, giảm 10% so với năm 2022. Theo Vitas, năm nay, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi nhiều yếu tố lạm phát, bất ổn chính trị kìm hãm chi tiêu tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, trong đó có Liên minh châu Âu (EU). Do hàng dệt may không phải hàng thiết yếu nên bị sụt giảm đơn hàng.
Riêng với thị trường EU, theo ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Vitas, trong 7 tháng đầu năm 2023, dệt may xuất khẩu vào EU đạt 2,3 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ. Bước sang tháng 8/2023 xuất khẩu giảm mạnh hơn khi chỉ được 330 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ và nhiều khả năng tháng 9/2023 này sẽ tiếp tục giảm sâu. Dẫn thông tin những nhãn hàng lớn giảm đơn hàng từ Việt Nam, ông Giang cho biết thêm, đơn hàng của Decathlon, Nike, Adidas... giảm mạnh trong 8 tháng qua.
Theo ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), 6 tháng đầu năm 2023 trôi qua một cách nặng nề với hầu hết các doanh nghiệp (DN) trong ngành dệt may. Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 18,7 tỷ USD, giảm 17,2% so với cùng kỳ. Đây là quý thứ 3 liên tiếp xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trưởng âm kể từ quý IV năm trước.
Vẫn thiếu đơn hàng lớn
Nhận định về tình hình của ngành dệt may hiện nay, ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội May thêu đan TPHCM cho hay, bước sang quý IV/2023 này, ngành dệt may ghi nhận dấu hiệu ấm lên chút đỉnh, song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của DN. Đặc biệt, thị trường EU chưa ghi nhận dấu hiệu khởi sắc. Nói về đơn hàng, ông Hồng khẳng định, đơn hàng hiện nay chưa nhiều, đa phần là những đơn hàng nhỏ, lẻ. Thay vì, những năm trước đây DN có thể nhận những đơn hàng có số lượng mấy trăm nghìn nhưng giờ chỉ dừng lại ở mấy nghìn. “Không chỉ là những đơn hàng nhỏ lẻ, giá đơn hàng cũng giảm mạnh, giảm 20%. Mức giảm trên DN không có lời, thậm chí là lỗ” - ông Hồng nói.
Ông Đặng Quốc Thắng – Giám đốc sản xuất ngành dệt thoi Decathlon Việt Nam cho biết, năm 2021 và 2022 dịch bệnh tác động đến nhiều ngành. Cùng với đó là bất ổn chính trị thế giới khiến lạm phát toàn cầu tăng nhanh, sụt giảm về nhu cầu tạo ra lượng hàng tồn kho lớn. Hệ quả, thói quen tiêu dùng thay đổi, khách hàng chú ý hơn đến giá cả, vòng đời, độ bền của sản phẩm cũng như nguồn gốc sản phẩm. Không nằm ngoài xu thế chung, Decathlon cũng gặp nhiều khó khăn. Dự báo, những khó khăn này tiếp tục trong năm 2024. Tuy vậy, đơn vị này vẫn đánh giá cao mặt hàng thể thao. Mặt hàng thể thao vẫn là một nhu cầu tất yếu, vì mọi người chú ý đến chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội để ngành thời trang và thiết bị thể thao phát triển tích cực trong trung, dài hạn.
Ông Huỳnh Minh Vũ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP HCM (CIIS) nhận định, hiện nay các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ngày càng quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả. Nếu DN không có chiến lược chuyển đổi sản xuất xanh sẽ mất đơn hàng. Trong chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đã được đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2022 cũng quy định, phát triển ngành dệt may, da giày phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội, đảm bảo phù hợp mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế. Với ngành dệt, phát triển sản xuất các loại xơ sợi nguyên liệu mới, thân thiện môi trường, sợi chỉ số cao, chất lượng cao,... đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, giảm dần nhập khẩu. Ưu tiên xây dựng các dự án có công suất lớn từ nhà đầu tư có uy tín, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường. Với ngành may, lựa chọn phát triển những mặt hàng chiến lược có uy tín trên thị trường, tăng dần tỷ trọng các sản phẩm chất lượng cao...