Sau những lao đao vì Covid-19, ngành dệt may đã có những cú bứt phá ngoạn mục. Năm 2021, dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, và theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, mục tiêu này là trong tầm tay.
Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế nước ngoài, trong năm 2020, nhu cầu hàng may mặc của EU và Hoa Kỳ giảm lần lượt là 45% và 40%. Cho tới thời điểm quý IV/2020, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ và châu Âu khiến cho thời điểm hồi phục của ngành may mặc được dự tính phải đến hết năm 2023 mới có thể trở lại như trước khi diễn ra đại dịch.
Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cũng cho hay, có thời điểm 87,1% DN dệt may bị giảm đơn hàng; 53,5% DN dệt may bị khách hoãn hủy đơn; 30% DN dệt may không xuất khẩu được.
Và nếu tình hình dịch bệnh vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn trong năm 2021, thị trường dệt may được dự báo sẽ tiếp tục còn gặp khó khăn, rào cản.
Tuy nhiên, những diễn biến của thị trường may mặc vào những tháng cuối năm 2020 cho thấy, các DN may mặc đã nỗ lực vượt khó và có sự hồi phục rõ nét. Đặc biệt, trong khó khăn, các DN may đã tìm ra những phương án thay đổi sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đơn cử, Giovani đã chuyển sang sản xuất khẩu trang từ tháng 1/2020 khi thấy nhu cầu của người tiêu dùng về loại sản phẩm này tăng cao. May 10 cũng thay vì sản xuất các sản phảm truyền thống đã chuyển sang các sản phẩm phục vụ chống dịch. Tương tự, TNG cũng là một trong những DN đầu tiên sản xuất khẩu trang. Sau đó, DN này tiếp tục phát triển các sản phẩm quần áo y tế với thương hiệu của TNG để xuất khẩu.
Những nỗ lực của các DN dệt may đã tạo nên một khí thế mới cho ngành này, biến thách thức thành cơ hội để bứt phá. Nhờ đó, năm 2020, dệt may đã đạt được kim ngạch xuất khẩu 34 tỷ USD, mặc dù thấp hơn mục tiêu ban đầu, song đó là cả một sự cố gắng của ngành may mặc trước sự hoành hành của đại dịch Covid-19.
Theo các DN dệt may, mặc dù còn nhiều khó khăn, dịch bệnh chưa hoàn toàn được chấm dứt, song năm 2021, ngành may sẽ có những bứt phá hướng tới mục tiêu đạt 39 tỷ USD trong năm nay. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, xác định rõ các thách thức của năm 2021, ngành Dệt may Việt Nam và Vinatex đặt kế hoạch cao là đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tương đương với năm 2019 nhanh hơn thị trường chung từ 9 tháng đến 2 năm. Với mục tiêu cao cho năm 2021 là xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, mục tiêu trung bình là 38 tỷ USD.
Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu trong năm tới, nhiều ý kiến cho rằng, các DN ngành may cần phải có những chuyển đổi mạnh mẽ, phát huy thế mạnh nội lực, hạn chế những điểm yếu mới có thể vượt qua được những khó khăn chung trong bối cảnh thế giới vẫn chưa dập tắt được dịch bệnh.
Theo ông Đặng Vũ Hùng - Tổng Giám đốc Vinatex, trong năm 2021, đội ngũ Vinatex cần phát huy tiềm lực và nội lực để tăng trưởng, tiếp tục tăng cường mảng công tác dịch vụ cho đơn vị thành viên trong kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN về chính sách, pháp lý. Đáng chú ý, năm 2021 nhiều đặc điểm mới của chuỗi cung ứng sẽ được thiết lập như xu thế giảm giá chi phối toàn thị trường; Hàng hóa dệt may đơn giản thay thế hàng thời trang, dẫn tới nhiều năng lực sản xuất dư thừa nhưng năng lực mới lại thiếu hụt… Do đó, các DN dệt may cần phải nắm bắt được xu hướng này để thích ứng.