Bộ Tài chính vừa có tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Vậy mức phí được đưa ra như thế nào?
Làm 1 km đường cao tốc 4 làn tốn 130 tỷ đồng
Vào thời điểm cuối tháng 9, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã tổ chức khởi công đồng loạt 3 dự án thành phần gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020 tại 3 khu vực Bắc (Thanh Hóa); Trung (Bình Thuận) và Nam (Đồng Nai).
Đây là các dự án được Quốc hội cho phép chuyển đổi đầu tư từ phương thức PPP sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước. Dự án đường cao tốc này được kỳ vọng là điểm nối quan trọng 1 số khu vực kinh tế.
Việc xây dựng đường cao tốc là tất yếu, nhưng khi chuyển từ PPP sang đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước đã đặt ra nhiều vấn đề khi nguồn vốn ngân sách ngày eo hẹp, bội chi ngân sách tiếp diễn.Theo tính toán đầu tư xây dựng đường cao tốc đòi hỏi lượng vốn rất lớn.
Dữ liệu cho biết suất đầu tư đường cao tốc 4 làn khoảng 130 tỷ đồng/1km, 6 làn khoảng 190 tỷ đồng/1km. Chi phí bảo trì đường cao tốc khoảng 830 triệu đồng/km/năm, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho công tác quản lý, bảo trì hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 35 - 40% nhu cầu tối thiểu, dẫn đến tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng.
Tư duy đi đường Nhà nước làm được miễn phí xưa nay đã thành mặc định. Thế nhưng, rất có thể sẽ phải thay đổi. Bộ Tài chính cho biết mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết nêu trên nhằm huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người sử dụng đường cao tốc nhằm có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng mới và bảo trì các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo 2 phương án.
Phương án 1: Quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá.
Theo Bộ Tài chính, phướng án 1 này có các ưu điểm: Thứ nhất, phù hợp với Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; khuyến khích thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ; công khai, minh bạch và dễ nhận được sự đồng thuận của người dân và chủ phương tiện.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, đường cao tốc do Nhà nước đầu tư quy định thu phí dịch vụ (theo cơ chế giá) là không đúng bản chất; Bộ Giao thông vận tải và địa phương phải thành lập công ty để quản lý thu phí dịch vụ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Phương án 2: Quy định thu phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, theo quy định pháp luật về phí, lệ phí
Theo Bộ Tài chính, phương án này đảm bảo nguyên tắc tại Luật Phí và lệ phí: Dịch vụ công do Nhà nước cung cấp thu phí.
Nhưng các nhược điểm là đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công nghiên cứu áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn Nhà nước đầu tư. Chưa kể sẽ không khuyến khích thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ. Lý do, cùng sử dụng dịch vụ đường cao tốc như nhau, chủ phương tiện trả mức phí sử dụng đường cao tốc sẽ thấp hơn mức phí dịch vụ.
Giữa 2 phương án, Bộ Tài chính cho biết cơ quan này nghiêng về phương án 1.
Mức phí phải nộp khoảng 1.000 đồng/km/xe
Việc thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc là một trong các giải pháp để tăng cường công tác quản lý, điều tiết lưu lượng phương tiện lưu thông trên đường cao tốc và trên đường quốc lộ song hành; việc thu phí kết hợp với các giải pháp khác như kiểm soát tải trọng xe, giám sát và hạn chế các phương tiện xe thô sơ, xe không được phép lưu hành trên đường cao tốc sẽ giúp tăng cường hiệu quả khai thác của đường cao tốc, tăng cường các lợi ích do đường cao tốc đem lại.
Bộ Tài chính dẫn lại tính toán của Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở phân tích dữ liệu sử dụng 05 tuyến đường cao tốc hiện hành, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện cho thấy so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành, phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân theo xe đơn vị là 2.518 đồng/km/xe tiêu chuẩn.
Như vậy, nếu phải nộp phí khoảng 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì chủ phương tiện vẫn hưởng lợi khoảng 1.500 đồng/km.
Hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hiện nay (tổng dài 196 km), nếu thực hiện thu phí dịch vụ đường cao tốc với mức thu là 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì dự kiến hàng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng bổ sung cho việc đầu tư cải tạo hệ thống đường cao tốc hiện hành, cũng như bổ sung vốn đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc mới.
Việc xây dựng đường cao tốc là tất yếu, nhưng khi chuyển từ PPP sang đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước đã đặt ra nhiều vấn đề khi nguồn vốn ngân sách ngày eo hẹp, bội chi ngân sách tiếp diễn.Theo tính toán đầu tư xây dựng đường cao tốc đòi hỏi lượng vốn rất lớn.