Đi giữa phố Vàng

Tùng Duy - Ngô Hùng 18/10/2023 09:50

Huyện Thanh Sơn, miền đất tiềm năng xanh bậc nhất của tỉnh Phú Thọ, vùng lõi của văn hóa Mường giàu truyền thống lịch sử, đang chuyển mình đổi thay vượt bậc từ sơn cước một thuở nhiều gian khó, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực…

Thị trấn phố Vàng - huyện lỵ Thanh Sơn ngày nay.

Tươi sáng miền sơn cước

Một thuở khi nói tới Thanh Sơn, người ta chỉ biết đến những bản nghèo, đường sá dốc núi cheo leo, và một "thị trấn phố Vàng" với những câu chuyện lâm tặc, quặng tặc, tệ nạn xã hội, thì nay Thanh Sơn đã thay đổi hoàn toàn diện mạo bởi những nỗ lực đột phá của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc toàn huyện. Chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, an ninh được giữ vững, các chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng Nông thôn mới được chú trọng, kết cấu hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, văn hóa – xã hội và cải cách hành chính có bước chuyển biến tích cực, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực với các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, thu hút một số nhà đầu tư lớn quan tâm nghiên cứu, đầu tư. Đó là những nét cơ bản có thể thấy rất rõ ở Thanh Sơn ngày nay.

Huyện miền núi có 135 nghìn người, có tới hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng đóng góp không nhỏ vào thành tựu phát triển chung của tỉnh Phú Thọ. Đảng bộ và chính quyền huyện Thanh Sơn chỉ đạo thực hiện rất hiệu quả hai khâu đột phá về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đặt ra từ đâu nhiệm kỳ. Toàn huyện hiện có 356 doanh nghiệp, hơn 5.400 hộ kinh doanh cá thể đăng ký, 36 HTX hoạt động có hiệu quả dù quy mô còn nhỏ. Từ đầu năm đến nay, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1.330 tỷ đồng (bằng 119,4% so với cùng kỳ), tổng thu ngân sách ước đạt gần 140 tỷ đồng (đạt 108% dự toán tỉnh, huyện giao và bằng 82% so với cùng kỳ). Và đặc biệt, từ chỗ chỉ có những "bản Nông thôn mới", nay Thanh Sơn đã có 6/23 xã và 130 khu dân cư đạt chuẩn NTM, với chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn được quan tâm sát sao. Những con số này là minh chứng rõ nét cho quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Một khúc suối bản Mường ở Thanh Sơn.

Vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với giữ gìn bản sắc dân tộc, huyện Thanh Sơn đã xác định rõ tiềm năng, lợi thế, đón bắt cơ hội để quy hoạch các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung, thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp về đất đai, ứng dụng công nghệ, tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực. Bây giờ Thanh Sơn đã có lúa đặc sản chất lượng cao, chè, bưởi, cây gỗ lớn, chuối phấn vàng... Thanh Sơn đã trở thành trung tâm chế biến nông, lâm sản của Đất Tổ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Cũng từ vùng sơn cước chưa từng dám mơ đến "cụm công nghiệp tập trung" thì nay đã có cụm CN Thục Luyện, và hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết cụm CN Thắng Sơn...

190 năm lịch sử hình thành và phát triển, vẫn rất xanh và bản sắc, đất và người Thanh Sơn đã bước vào giai đoạn mới khi tổng vốn huy động cho đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 đến nay đạt trên 4.500 tỷ đồng. Huyện xác định phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, là động lực để kêu gọi thu hút đầu tư. Việc huy động và bố trí nguồn lực đã xác định thứ tự ưu tiên; quan tâm bố trí vốn cho các lĩnh vực, các dự án quan trọng có ý nghĩa lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. đảm bảo an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thanh Sơn đã củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư, dự án vào với sơn cước này, đã tăng cả về số lượng và quy mô sản xuất. Nhiều dự án được phê duyệt, đồng ý triển khai. Một số dự án quy mô lớn như: Dự án Khu dân cư mới Soi Cả, xã Sơn Hùng (Thanh Sơn Riverside Garden), với quy mô 30ha, tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Thục Luyện với quy mô 46ha trị giá hàng trăm tỷ đồng. Xây dựng nhà máy may Herrhil tại xã Sơn Hùng tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.500 lao động. Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại xã Yên Lãng tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng... Hiện địa bàn huyện đã có gần 1.300 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 6.300 lao động có việc làm thường xuyên và hơn 4.000 lao động thời vụ. Các ngành công nghiệp khác như may mặc, gia công cơ khí, nhôm kính tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân.

Hội trại tưng bừng dịp kỷ niệm 190 năm thành lập huyện Thanh Sơn.

Hấp dẫn kinh tế du lịch với bản sắc riêng có

Không chỉ đạt tới 80% cứng hóa giao thông nông thôn, giờ đây xứ núi với hệ thống giao thông từ "Thị trấn phố Vàng" tỏa đi, đã có thể nhanh chóng bon xe chạm tới các dự án nhà ở, thương mại, du lịch, và trải ra mặt bằng hấp dẫn nhà đầu tư (Dự án khu dân cư nông thôn mới, biệt thự nghỉ dưỡng, nông nghiệp kết hợp giáo dục trải nghiệm và sân golf Thanh Sơn; Khu nhà ở kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái hồ Phượng Mao và du lịch trải nghiệm thác Đá Mài; Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng và sân golf hồ Phượng Mao…). Thanh Sơn có tiềm năng phát triển du lịch, đó là các con suối, thác nước, hồ đầm tự nhiên xen kẽ trong những cánh rừng, khu đồi thích hợp cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại các xã Thắng Sơn, Cự Đồng (hồ Đá Mài); Lương Nha, Tinh Nhuệ (đầm Gai); Thạch Khoán (đầm Bạch Thủy)... Đây cũng là những địa danh giàu di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, dân tộc Dao ( như Khả Cửu, Tất Thắng, Thạch Khoán, Hương Cần, Yên Sơn, Yên Lương...). Một tương lai gần cho Thanh Sơn phát triển du lịch - nguồn sinh kế hấp dẫn và bền vững

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch ở Thanh Sơn là vấn đề được Bộ VHTTDL rất quan tâm. Năm ngoái đã từng có hội nghị với sự tham gia của 200 công chức văn hóa xã, nghệ nhân, giáo viên, học viên là người dân tộc Mường, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc. Đây là vùng đất người Mường, người Dao rất tự hào về bản sắc. Đến nay, toàn huyện đã có 130 CLB văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác tại các xã, khu dân cư và trường học; bảo tồn được 634 chiếc chiêng, 123 bộ nhạc cụ khác, 1.268 bộ trang phục, 115 nhà sàn và nhiều đồ dùng công cụ, lao động, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Mường. Huyện đã phục dựng 3 di sản gồm nghệ thuật trình diễn dân gian như diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, chạm ống, múa sênh tiền, múa trống đu và hát ví, hát rang.

Du lịch cộng đồng ở Thanh Sơn ngày càng thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm, đang phát triển ở nhiều bản làng với bản sắc riêng có. Khách đến tìm hiểu phong tục và trải nghiệm văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao như khu Xuân Thắng (xã Cự Thắng), bản Chen, bản Chự, bản Hồ (xã Yên Sơn), hay bản Sinh Tàn (xã Thượng Cửu), đều thấy như bị lôi cuốn, mê hoặc. Các điểm dừng chân trải nghiệm qua đường như Khu đồi chè Địch Quả, bãi hoa bờ Sông Đà xã Lương Nha... tất cả đã thành các tuyến du lịch trải nghiệm bản, làng nông thôn mới giàu văn hóa truyền thống và trò chơi dân gian. Sẽ là ấn tượng khó phai với bất kỳ du khách nào khi một lần đến với Tết Cầu lá lúa, Tết cơm mới của người Mường, hay lễ hội Cầu mùa, Tết nhảy của đồng bào dân tộc Dao nơi đây...

Đi giữa phố Vàng trong ngày hội trại tưng bừng khi Thanh Sơn bước qua gần 2 thiên niên kỷ lịch sử (từ thời Minh Mạng, năm 1833) vẫn "Thanh - xanh" núi rừng, mà mỗi người dân nơi đây như được truyền cảm hứng tự hào mãnh liệt cho vùng sơn cước xanh...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi giữa phố Vàng