Sở hữu 57 danh hiệu do UNESCO ghi danh, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên để có thể hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển, xứng danh di sản, rất cần cái “bắt tay” bền chặt giữa chính quyền và nhân dân tại các địa phương.
Cầu nối di sản - du lịch
Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các danh hiệu UNESCO đã tạo thương hiệu cho nhiều địa phương cũng như sức mạnh mềm của Việt Nam. Có thể kể đến như: Hà Nội – thành phố vì hòa bình, Quần thể di tích Tràng An - di sản văn hóa thế giới; Cồng chiêng Tây Nguyên – Di sản phi vật thể thế giới, Vườn Quốc gia Cát Tiên – khu dự trữ sinh quyển… Những danh hiệu này không chỉ là nhân tố trung tâm của chiến lược phát triển bền vững mà còn tạo sức hút mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Không chỉ tạo nên thương hiệu cho mảnh đất, con người Việt Nam, các di sản được UNESCO ghi danh đã và đang trở thành “cầu nối” gắn kết phát triển du lịch của nhiều địa phương. Theo thống kê, trước thời điểm dịch Covid-19, năm 2019, các di sản thế giới ở Việt Nam đã đón trên 18,2 triệu lượt khách đến thăm quan, tìm hiểu, trải nghiệm, với tổng doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ đạt 1.800 tỷ đồng. Đặc biệt những năm qua, được “sở hữu” di sản, nhiều hộ gia đình tại các địa phương đã có cơ hội phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch với nhiều loại hình như các homestay, farmstay... tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng vạn lao động.
Đơn cử tại Ninh Bình, số lao động trực tiếp tại khu vực Quần thể danh thắng Tràng An đạt trên 10.000 người, lao động gián tiếp đạt hơn 20.000 người, tập trung vào một số nhóm nghề như: chèo đò, bán hàng, bảo vệ, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, vận hành các cơ sở lưu trú du lịch... chưa kể những người kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ. Thu nhập của cộng đồng dân cư địa phương từ các hoạt động phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng được nâng cao rõ rệt qua từng năm, đời sống nhân dân được cải thiện. Hay mô hình phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO gắn với phát triển du lịch xanh, sạch và bền vững tại Cao Bằng, Hà Giang, Đắk Nông đã góp phần trong việc bảo tồn di sản văn hóa địa phương và gắn với các dự án khách sạn sinh thái, các hình thức kinh doanh, hợp tác xã sản xuất.
Đánh giá về kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng bày tỏ, các di sản văn hoá và thiên nhiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh đã giúp khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản; các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia, đóng góp bảo vệ di sản. Cộng đồng đã đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa của địa phương, tạo thêm động lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Những điểm nghẽn cần giải tỏa
Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, công tác bảo tồn, phát huy ý nghĩa giá trị danh hiệu UNESCO vẫn còn nhiều bất cập. Thực tế cho thấy, việc phát triển kinh tế nhiều lúc không khớp nhịp với bảo tồn và phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO. Bên cạnh đó, nhận thức về bảo vệ di sản, môi trường, gắn việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội để phát triển bền vững, lâu dài chưa có sự chuyển biến tích cực, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro bởi các tác động tiêu cực từ thiên tai, biến đổi khí hậu luôn hiện hữu. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản còn hạn chế. Ngoài ra, một bộ phận nhân lực quản lý các danh hiệu còn chưa theo kịp với yêu cầu mới của thời kỳ hội nhập.
Dẫn chứng từ di sản phố cổ Hội An, ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết, dân số, mật độ và thành phần dân cư, khách du lịch trong đô thị tăng nhanh khó kiểm soát tạo ra nhiều áp lực. Theo ông Ngọc, có tình trạng phát triển dịch vụ du lịch gây nên hiện tượng tranh mua, tranh bán, cò mồi, chen lấn, trưng bày hàng hóa lộn xộn, phản cảm... Bên cạnh đó, các tệ nạn xã hội, các vấn đề về trật tự - an ninh, an toàn xã hội phát sinh hàng ngày, một phần nguyên nhân do các văn bản pháp quy chưa theo kịp với xu hướng phát triển làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn, tính chân xác của di sản văn hóa, của cảnh quan di tích và các quan hệ xã hội... của người dân Hội An.
Ông Ngọc cho rằng, mặc dù các quy định trong Quy chế bảo vệ Khu phố cổ rất cụ thể nhưng những chế tài xử lý trường hợp vi phạm còn lúng túng do các quy phạm pháp luật chưa quy định, hoặc phải áp dụng các quy phạm pháp luật khác chưa phù hợp với đặc thù của khu di sản; thiếu hoặc không còn các nghệ nhân/tay nghề truyền thống cho công tác tu bổ di tích…
Tương tự, với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, theo ông Lý Minh Kha - Phó Giám đốc Vườn quốc gia, khó khăn trong bảo vệ danh hiệu được UNESCO công nhận của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là về nhân lực, quản lý và nguồn lực về tài chính thực hiện nhiệm vụ bảo tồn. Để vượt qua khó khăn này, tỉnh hầu như phải tự lực về phương pháp, nguồn lực quản lý... “Bên cạnh đó, chúng tôi có rất ít thông tin về tình hình quản lý, các chương trình đang triển khai ở các khu vực khác cũng như những kiến thức, thông tin trong bảo tồn trên thế giới để có thể nghiên cứu học tập” – ông Kha nói.
Tính đến tháng 5/2023, Việt Nam đã có 57 danh hiệu UNESCO ghi danh, bao gồm 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu cấp khu vực và thế giới, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu, 3 thành phố học tập toàn cầu UNESCO, 1 thành phố sáng tạo, 1 thành phố hòa bình, 6 danh nhân quốc tế.