Liên quan đến việc di tích chùa Quan Thánh (nằm trong quần thể di tích lịch sử và danh thắng cụm di tích An Hoạch, trên địa bàn phường An Hưng, TP Thanh Hóa), chiều 8/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị UBND TP Thanh Hóa chỉ đạo làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm tại đây.
Thời gian vừa qua, dư luận và những người làm công tác bảo tồn văn hóa tại Thanh Hóa bức xúc trước sự việc chùa Quan Thánh (Tiên Sơn tự) - một hạng mục nằm trong quần thể di tích lịch sử và thắng cụm di tích An Hoạch bị “bôi nhọ, vẽ hề”. Báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 20/7/2021 cũng đã có bài cảnh báo. Ngày 7/11/2022, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng đã ký Công văn số 5113 gửi UBND TP Thanh Hóa và các đơn vị có liên quan.
Theo đó, Sở VHTTDL đề nghị UBND TP Thanh Hóa chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND phường An Hưng khẩn trương kiểm tra thực tế di tích chùa Quan Thánh; đề xuất phương án xử lý (nếu có); làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm tại di tích, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định. Sở VHTTDL giao Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với các phòng, ban chức năng của UBND TP Thanh Hóa và UBND phường An Hưng kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh liên quan đến việc tu bổ di tích chùa Quan Thánh, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Giám đốc Sở trước ngày 15/11/2022.
Được biết, cụm di tích danh lam thắng cảnh núi An Hoạch, được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1992, cùng với các hạng mục như: Đình Thượng, chùa Hinh Sơn, lăng Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa và hòn Vọng Phu. Chùa Quan Thánh hay còn có tên gọi khác là Tiên Sơn được xây dựng ở trong động đá núi Khế, thuộc làng Nhuệ. Chùa còn lưu giữ rất nhiều bức tượng phù điêu quý như tượng Quan Đế, Chu Xương... Đồng thời, chùa còn là nơi tổ chức hội nghị bí mật của đại biểu toàn tỉnh, bầu ra Ban chấp hành Tỉnh bộ chính thức của tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội vào tháng 4 năm 1928. Tuy nhiên, sau gần 30 năm được công nhận, cụm di tích này đang dần rơi vào lãng quên, bị xuống cấp và xâm hại nghiêm trọng.
Cụ thể: Tường rào trong khuôn viên chùa được người dân chắp vá bằng mọi vật liệu có thể sử dụng, nhiều hạng mục được đổ bê tông, xây gạch còn lộ cả tre nứa, cốt pha. Phía trong các khu di tích, các bức tượng và các bài thơ, phú chạm nổi trên vách đá, tỉ lệ 1/1, được người dân tự ý sơn lên, trông lòe loẹt như những bức tranh hí họa. Dưới lối đi dẫn vào di tích, các công trình dân sinh được xây dựng ken sát, không còn phân biệt được đâu là đất của di tích, đâu là đất của người dân.
Có thể thấy: Do buông lỏng quản lý, cụm di tích An Hoạch (rõ nhất là chùa Quán Thánh) đang bị xâm hại nghiêm trọng, cần phải được chấn chỉnh. Đặc biệt, cần làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân quản lý hành chính, quản lý di tích trên địa bàn.