Những năm gần đây, mỗi kỳ liên hoan phim hay giải thưởng Cánh diều, không ít các bộ phim được trao giải nhưng rồi lại rơi vào im lặng ở ngay cả thị trường trong nước chứ chưa nói đến sự lan tỏa khi công chiếu, thu hút được khán giả nước ngoài. Vậy nguyên nhân từ đâu?
1.Nếu tính từ bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam ra đời là “Chung một dòng sông” đến nay thì chỉ riêng thể loại phim truyện nước ta đã được 63 năm. Trong thời gian hơn 2/3 thế kỷ đó không thể phủ nhận phim truyện nước ta đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Có những giai đoạn người xem háo hức chờ đợi các bộ phim của điện ảnh Việt Nam ra đời. Và không thể phủ nhận những bộ phim đó mặc dù làm trong hoàn cảnh chiến tranh, điều kiện kĩ thuật, trình độ những người làm phim nước ta còn hạn chế rất nhiều và có thể nói rất thấp so với đồng nghiệp trên thế giới, nhưng đã tạo ra được những tác phẩm điện ảnh hấp dẫn người xem.
Sau “Chung một dòng sông” là các phim: “Vợ chồng A phủ”, “Lửa trung tuyến” (cùng ra đời trong năm 1961), “Chim vành khuyên” (1962), “Chị Tư Hậu” (1963), “Nổi gió” (1966)… rồi đến những bộ phim vào thập niên 80 vẫn làm nức lòng người như: “Chị Dậu” (1981), “Làng Vũ Đại ngày ấy” (1983), cùng chùm 3 bộ phim đặc sắc của đạo diễn Đặng Nhật Minh gồm: “Cô gái trên sông” (1980), “Thị xã trong tầm tay” (1982), “Bao giờ cho đến tháng 10” (1984), cùng “Ván bài lật ngửa” (1982-1987)… Theo năm tháng phim Việt Nam mất dần sự theo dõi, chờ đợi của người xem Việt Nam mặc dù khi nhắc đến các giai đoạn sau thập niên 80 khi ngành điện ảnh Việt Nam bước vào cơ chế thị trường, các nhà chuyên môn vẫn điểm các phim: “Thăng long đệ nhất kiếm”, “Đông Dương”, “Những người thợ xẻ”, “Vua bãi rác”, “Đời cát”, “Gái nhảy”… và gần đây là những phim giới truyền thông kê khai những con số doanh thu nhảy vọt như: “Tèo em”, “Quả tim máu”, “Em là bà nội của anh”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”… Nhắc là nhắc vậy, những con số doanh thu được ghi ra hàng vài chục thậm chí đến hàng trăm tỷ, nhưng điều đáng nói là từ gần bốn thập niên đến nay phim truyện, điện ảnh Việt Nam đang mất dần sức hút đối với người xem trong nước.
2.Những năm gần đây, mỗi kỳ liên hoan phim hay giải thưởng Cánh diều, không ít các bộ phim được trao giải nhưng rồi lại rơi vào im lặng ngay cả thị trường trong nước chứ chưa nói đến sự lan tỏa khi công chiếu, thu hút được khán giả nước ngoài. Trong các niên biểu có nhắc đến giải thưởng của nước ngoài đối với phim Việt Nam thì hầu như chỉ là “những phiếu bé ngoan” động viên, khuyến khích nhiều hơn chuyên môn.
Khi điện ảnh Việt Nam không hấp dẫn được người xem thì khán giả trong nước quay sang xem phim Ấn Độ một thời gian, rồi chuyển sang phim Hàn Quốc. Chẳng những khán giả mà ngay cả những người làm phim nước ta cũng “nghiện” phim Hàn đến độ liên tiếp mua bản quyền kịch bản phim Hàn để về Việt hóa tạo ra những bộ phim như: “Hương vị người thân”, “Hướng dương ngược nắng”… Trong tình trạng phim truyện Việt Nam thua ngay cả trên sân nhà như thế thì liệu đến bao giờ phim, điện ảnh Việt Nam mới đủ sức vươn ra thế giới trong sự bình đẳng với tư cách là một nền điện ảnh có bản sắc? Nguyên nhân của sự yếu kém của phim, điện ảnh Việt Nam từ đâu?
Tôi đưa ra những dẫn chứng trên để nêu vấn đề: Nền điện ảnh nước ta không biết đến bao giờ mới thoát được “vòng kim cô” của sự yếu kém và có thể nói là bế tắc trong hành trình phát triển. Đặc biệt là câu chuyện đi tìm cho ra bản sắc, sự đặc thù cho một nền điện ảnh thuần Việt.
Việt Nam là một trong những quốc gia có bề dày lịch sử và rất nhiều trang sử đặc biệt và độc đáo. Đó là những nguyên liệu tuyệt vời, phong phú để làm nên những bộ phim cổ trang, lịch sử lôi cuốn người xem trong nước và thế giới. Đáng buồn, nền điện ảnh nước ta lại hầu như quên lãng những "vỉa quặng" cực kì quý báu này.
Kế tục dòng lịch sử đánh giặc, giữ nước của dân tộc, đất nước ta liên tiếp trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại với hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ. Bằng tất cả sự hi sinh gian khổ và sức mạnh của lòng yêu nước, dân tộc ta đã chiến thắng, thu non sông về một mối. Suốt trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc đó, cả nhân loại đã theo dõi dân tộc ta với lòng cảm phục và sự đồng cảm. Giai đoạn này tuy chưa phải đầy đủ và còn ở chất lượng thấp nhưng nền văn nghệ nước ta trong đó có điện ảnh ít nhiều đã phản ánh được thực tế sự kiện lịch sử đó.
Với một dân tộc có nhiều bản lĩnh và sự kiện lịch sử như dân tộc Việt Nam, thế giới mong muốn thông qua nền văn nghệ của chúng ta, trong đó có điện ảnh với những tác phẩm chân thực với chất lượng cao để nhìn lại toàn bộ hai cuộc chiến tranh vệ quốc, nhất là cuộc chiến tranh chống Mỹ để hiểu con người Việt Nam.
Đáng tiếc về cuộc chiến tranh này chúng ta chưa phản ánh thực sự đầy đủ. Sau chiến tranh, cũng như đối với các lĩnh vực văn nghệ khác người xem trong nước và đặc biệt người xem nước ngoài rất muốn biết. Số phận con người Việt Nam-những cá nhân quả cảm của một dân tộc quả cảm từng tham gia chiến tranh, và số phận người Việt Nam sau chiến tranh sẽ ra sao, họ trở lại với cuộc sống bình thường thế nào. Niềm vui và nỗi buồn. Sự trăn trở rất Việt Nam trước cuộc sống diễn ra khi thế giới đang cùng trên một mặt phẳng.
3.Nói đến đây, tôi nhớ tới những thành tựu của văn nghệ Trung Quốc trong đó có điện ảnh Trung Quốc sau Cách mạng Văn hóa. Bằng tất cả tài năng và nhiệt huyết của nghệ sĩ, chỉ chưa đầy hai thập niên sau, nền văn nghệ Trung Quốc đã tiến một bước dài ra thế giới với hàng loạt tác phẩm gây chấn động người xem toàn cầu.
Nếu trong văn học thì đến năm 2012 Mạc Ngôn với hàng loạt tiểu thuyết lừng danh như: “Đàn hương hình”, “Cây tỏi nổi giận”, “Báu vật ở đời”, “Cao lương đỏ”… ông đã nhận giải Nobel. Trong điện ảnh bằng các tác phẩm xuất sắc của mình Trương Nghệ Mưu vào năm 1988 đã đoạt giải thưởng Gấu vàng với phim “Cao lương đỏ” và bộ phim này đến năm 1994 lại đoạt Cành cọ vàng trong Liên hoan phim Cannes. Thế giới khâm phục và tặng thưởng các tác phẩm của Mạc Ngôn và Trường Nghệ Mưu vì ở các tác phẩm đó tính cách, môi trường, cuộc sống của người Trung Quốc được mô tả rõ nét nhất. Nên nhớ các giải thưởng văn nghệ lớn của thế giới rất coi trọng và đề cao tính dân tộc trong tác phẩm văn nghệ.
Trong khi đó nền điện ảnh Việt Nam với rất nhiều lợi thế về đề tài về chất liệu đáng quý nhưng luôn bị bỏ rơi, quên lãng hoặc né tránh để loay hoay tìm đến những đề tài vụn vặt, bắt chước, du nhập từ nước ngoài. Đặc trưng, tính cách dân tộc trong phim Việt Nam ít được các nhà làm phim chú ý để thể hiện một cách rõ nét.
Còn một điểm nữa, trong khi phim nước ngoài đặc biệt ở các nền điện ảnh lớn ngoài yếu tố thể hiện đặc trưng tính cách dân tộc là dòng phim giả tưởng đầy chất sáng tạo để phản ánh cuộc sống đa dạng hôm nay tiêu biểu như phim: “Harry Potter”, “Kẻ huỷ diệt”…Thì điện ảnh Việt Nam cũng như các loại hình văn nghệ khác hầu như chưa dám chạm tới đề tài viễn tưởng.
Để có một nền điện ảnh phát triển, đặc sắc như Hàn Quốc, từ lâu chính phủ Hàn Quốc đã có hẳn một chiến lược, như ủng hộ, quan tâm đầu tư, tiếp thu tinh hoa thế giới và sáng tạo phong cách riêng. Ngành điện ảnh được chính phủ Hàn Quốc đặt ở vị trí then chốt trong sự phát triển của văn hóa quốc gia này. Bên cạnh đó chính phủ còn có kế hoạch cho sự đào tạo đội ngũ đạo diễn, diễn viên được học hỏi tiếp xúc với các trung tâm điện ảnh tiên tiến của thế giới. Cuối cùng là tạo ra mạng lưới truyền thông mạnh để quảng cáo, giới thiệu các tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc ở trong nước và thế giới.