Thống kê tại Bệnh viện Mắt Trung ương, số người mắc bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng trong thời gian gần đây, phần lớn người bệnh là ở Hà Nội.
Số ca tăng nhanh
Hiện nay, tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trong cả nước đang xuất hiện dịch viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) với rất nhiều người bị nhiễm. Đây là tình trạng viêm cấp tính của kết mạc mắt có thể lây lan thành dịch, thường do Adenovirus gây ra.
Theo thông tin sơ bộ từ Bệnh viện Mắt Trung ương, những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) được ghi nhận. Trung bình 100 ca khám có khoảng 30 ca đau mắt đỏ.
Riêng tuần vừa qua tại bệnh viện này ghi nhận 800 ca. Trong số này, có khá nhiều ca đau mắt đỏ bị biến chứng, chủ yếu do người dân chủ quan đi khám muộn hoặc tự điều trị sai cách.
Hàng năm, cứ vào dịp mùa hè nắng nóng là ở những nơi đông dân cư (thành phố, đô thị) lại xuất hiện những đợt dịch viêm kết mạc cấp như vậy. Đặc biệt dịch đau mắt đỏ năm nay kéo dài hơn với diễn biến nặng, nhiều trường hợp xuất hiện giả mạc và viêm giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu) gây ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh.
Theo PGS.TS. Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương), viêm kết mạc cấp là một bệnh lành tính, nếu được khám và điều trị đúng bệnh sẽ khỏi trong vòng một đến hai tuần, những trường hợp có kèm theo viêm giác mạc bệnh có thể kéo dài hàng tháng đến hàng năm. Nếu bệnh nhân tự điều trị không đúng có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc và bệnh nhân có thể bị mất thị lực vĩnh viễn.
Không tự ý mua thuốc
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh, phòng bệnh chủ yếu là giữ vệ sinh và tránh lây lan. Người bệnh hạn chế đi đến nơi đông người khi không cần thiết, không đi bơi, khi tay tiếp xúc với dịch tiết từ mắt bị bệnh (sau khi tra thuốc, dụi mắt,..) cần phải rửa tay xà phòng, người bệnh cần đeo kính, đeo khẩu trang nhất là khi đến nơi công cộng để tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Chuyên gia cho biết, khi phát hiện người bị viêm kết mạc cấp chúng ta cần giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm. Tăng cường tập luyện, chế độ dinh dưỡng và lao động lành mạnh giúp tăng cường thể trạng sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị bệnh.
Bệnh thường xuất hiện sau khi mắt tiếp xúc với nguồn bệnh vài ngày, người bệnh sẽ thấy đỏ mắt, mi mắt sưng nề, cộm như có dị vật trong mắt, có thể chảy nước mắt, xuất tiết nước trong, dính làm cho người bệnh khó mở mắt nhất là buổi sáng ngủ dậy. Khi khám sẽ thấy mi và kết mạc cương tụ phù nề, giác mạc thường không bị tổn thương.
Lúc đầu bệnh xuất hiện ở một mắt sau lan ra hai mắt. Một số trường hợp viêm nặng có thể có là giả mạc bao bọc mặt trong mi mắt làm mi sưng nề nhiều, đau nhức, khó mở mắt. Nếu viêm chỉ khu trú ở kết mạc thì sẽ không ảnh hưởng đến thị lực, bệnh nhân chỉ thấy khó nhìn do mắt sưng nề, xuất tiết, nhưng nếu viêm vào giác mạc thì bệnh nhân sẽ nhìn mờ đi, chói sợ ánh sáng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có sốt, viêm đường hô hấp trên, rối loạn tiêu hóa (ỉa chảy), có hạch trước tai.
Bệnh viêm kết mạc lây truyền qua dịch tiết của mắt người bệnh hoặc dịch tiết từ đường hô hấp nhiễm vào mắt người lành. Khi người bệnh đưa tay dụi mắt tiết tố chứa yếu tố gây bệnh sẽ nhiễm vào tay và lây cho người khác qua các vật dụng dùng chung (điều khiển từ xa, tay nắm cửa, khăn và chậu rửa mặt,…). Virus gây viêm kết mạc cấp có trong dịch tiết đường hô hấp và khi người bệnh nói, ho hoặc hắt hơi, nước bọt có chứa virus sẽ bắn ra ngoài và nhiễm vào mắt người khác, đây là con đường lây lan chính trong cộng đồng.
"Khi bị bệnh bệnh nhân nên đến các cơ sở nhãn khoa để được khám, chẩn đoán và điều trị đúng vì có nhiều bệnh mắt nguy hiểm cũng có triệu chứng tương tự như viêm kết mạc cấp do virus như bệnh viêm loét giác mạc, glocom, viêm màng bồ đào,…
Bệnh nhân không nên tự mua thuốc tra vì có thể gây biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt dịch năm nay diễn biến nặng với nhiều trường hợp xuất hiện giả mạc ở kết mạc mi, người bệnh cần đến khám bác sỹ nhãn khoa, nếu có giả mạc phải bóc đi để giảm phản ứng viêm và giúp thuốc ngấm tốt hơn", PGS.TS Cung nhấn mạnh.