Cách đây 15 năm, dòng văn học “Linglei” với những cái tên tác giả Vệ Tuệ, Cửu Đan, Bì Bì, Miên Miên, An Ni Bảo Bối… từ Trung Quốc đã được dịch đồng loạt, từ đó, tạo nên làn sóng khám phá mới cho các tác giả trẻ Việt Nam. Dịch giả Nguyễn Lệ Chi đã có những đóng góp rất tích cực trong đó, chị không chỉ trực tiếp dịch mà còn tổ chức bản thảo, xuất bản và phát hành…
Rất khó khăn để có buổi hẹn gặp với dịch giả Nguyễn Lệ Chi, vì chị luôn bận rộn với rất nhiều việc và khó sắp xếp được thời gian. Chúng tôi gặp nhau giữa trận mưa lớn tại quận 7 trong lúc chị đang sắp xếp, chuẩn bị cho buổi ghi hình talkshow về văn học tại phòng thu của công ty.
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi cùng các nhà văn Trung Quốc.
PV: Quay trở lại thời gian sôi nổi cách đây 15 năm, khi hơi thở của văn học Linglei lan sang Việt Nam tạo nên cảm hứng với nhiều tác giả trẻ. Bắt đầu từ đâu, chị đã lựa chọn giới thiệu dòng văn học Linglei?
Bà Nguyễn Lệ Chi: Trong thời gian tôi theo học cao học chuyên ngành đạo diễn điện ảnh tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh (2000-2004), tôi có điều kiện đọc nhiều sách văn học của các tác giả trẻ Trung Quốc và nhận thấy nhiều tư tưởng và lối sống mới mẻ, hiện đại, đầy cá tính của họ. Tác phẩm của những tác giả này khác hẳn với những tác phẩm truyền thống, mang đậm hơi thở xã hội mới, hiện đại, phong cách, ồn ào, xô bồ nhưng vẫn lột tả được nội tâm của con người đầy giằng xé, cô đơn, thậm chí muốn gào thét nổi loạn, muốn chứng tỏ cái tôi. Các tác giả trẻ của Trung Quốc thời kỳ này cùng các tác phẩm của họ như thổi một luồng gió mới mạnh mẽ, đa sắc màu vào cuộc sống. Những nhân vật của họ, những câu chuyện của họ ít nhiều đều xuất phát từ thực tế kinh nghiệm sống của chính họ, vì vậy chúng được viết ra rất tự nhiên và đầy thuyết phục, dễ chạm vào trái tim độc giả, đặc biệt là các độc giả trẻ. Những tác phẩm này cùng những lối viết rất khác biệt đã tạo nên những phong cách sáng tác mới mẻ, rất thu hút, thậm chí nổi lên thành hiện tượng không chỉ chinh phục độc giả Trung Quốc, mà còn hấp dẫn cả độc giả các nước châu Á và thế giới. Với dòng văn học Linglei, họ đã tạo nên một sự khác biệt, đã đưa ra những góc nhìn khác về một xã hội mới đa dạng, hiện đại, phức tạp, đầy rẫy hiểm nguy nhưng cũng không kém phần cô đơn.
Tôi đã bị hấp dẫn bởi dòng văn học đó, vì sự mới lạ của nó, nên quyết định giới thiệu vào Việt Nam và may mắn được nhiều độc giả Việt Nam yêu thích và ủng hộ. Xét cho cùng, việc khao khát được đi vào đời sống nội tâm của nhân vật, được sống cùng họ, được ngụp lặn trong những nỗi vui buồn của họ, được tìm hiểu về đời sống xã hội mới quanh ta luôn là điều mà độc giả nhiều nước mong muốn.
Trước thành công của việc độc giả Việt Nam đón nhận “Linglei” và báo chí thời gian đó đồng loạt đưa tin và phân tích hiện tượng này, chị cảm thấy ra sao?
- Tôi cũng thấy vui mừng vì nhận được sự đồng cảm của độc giả và báo giới Việt với dòng văn học Linglei. Xã hội càng hiện đại, biển người càng mênh mông, cuộc sống càng phức tạp, con người càng dễ cảm thấy cô đơn hơn và càng có nhu cầu được chia sẻ, được đồng cảm hơn. Dòng văn học Linglei được ủng hộ bởi sự khao khát vươn lên được sống là chính mình của từng nhân vật dẫu mỗi nhân vật trong các tác phẩm rất khác biệt. Nhu cầu được khẳng định mình, nhu cầu được chia sẻ là có.
Việc báo giới và độc giả Việt đón nhận về dòng văn học này cho thấy xã hội Việt Nam, con người Việt Nam đã cởi mở hơn để đón nhận những điều khác biệt về cả trong tư duy, lối sống. Chỉ có việc chấp nhận sự đa dạng về tính cách, đa dạng về suy nghĩ, đa dạng về văn chương mới có thể xây dựng nên một xã hội đa sắc màu tân tiến và hiện đại. Và dĩ nhiên, các tác phẩm này được đón nhận như vậy cũng bởi vì chúng đều mang đậm giá trị nhân văn.
Chị vẫn âm thầm và bền bỉ giới thiệu văn học Trung Quốc đến Việt Nam trong 20 năm qua?
- Đúng vậy, bên cạnh các dòng văn học khác như Mỹ, Anh, Úc, tôi vẫn kiên trì giới thiệu dòng văn học đương đại Trung Quốc với độc giả Việt. Khi tôi xuất bản sách của họ vào Việt Nam, họ chưa nổi tiếng quốc tế, thậm chí cũng không có nhiều giải thưởng lớn trong nước họ. Tuy nhiên qua các tác phẩm của họ, tôi nhận thấy nhiều giá trị sâu sắc và có sức sống với thời gian, độc giả Việt có cơ hội được thưởng thức nhiều tác phẩm văn học có giá trị, hiểu biết thêm về đất nước, con người, xã hội Trung Quốc qua những chặng đường lịch sử khác nhau. Và may mắn thay, qua nhiều năm tôi xuất bản sách của các tác giả này, tới nay họ đều gặt hái được nhiều giải thưởng lớn trên văn đàn ở nước ngoài và Trung Quốc. Đó là các tác giả Lưu Chấn Vân, Khâu Hoa Đông, Mạc Ngôn, Đông Tây, Hoàng Bội Giai, Lưu Tỉnh Long, Chu Sơn Pha, Lý Ước Nhiệt, Điền Nhĩ, Hoàng Bội Hoa, Chu Đại Tân, Phàm Nhất Bình, Trình Vỹ, Tào Văn Hiên... Các tác giả này đã mang lại nhiều tác phẩm với những phong cách viết rất khác biệt đa dạng, đề tài phong phú, hấp dẫn.
Vì sao chị lựa chọn giới thiệu tác giả từ Trung Quốc? Và đến bây giờ độc giả Việt Nam đón nhận các tác phẩm văn học Trung Quốc được dịch ra sao?
- Thực ra tôi cũng giới thiệu, xuất bản nhiều sách văn học các nước khác vào Việt Nam, nhưng có lẽ dòng văn học Trung Quốc vẫn nổi bật và được độc giả đón nhận hơn. Điều này xuất phát từ những yếu tố rất khách quan và chủ quan. Trước hết tôi là một người yêu văn chương. Cha tôi trước kia từng tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Nga, sau khi về nước từng tham gia giảng dạy văn tại Đại học Tổng hợp (Hà Nội), làm nhiều công việc liên quan đến văn chương như: Nghiên cứu lý luận phê bình văn học, viết và sửa kịch bản điện ảnh, nhà báo, biên tập viên sách, dịch giả... Mẹ tôi từng là một diễn viên múa lâu năm, sau khi kết hôn và sinh con đã chuyển hẳn sang công tác tại một tờ báo điện ảnh. Cha mẹ tôi yêu thích sách, luôn dành dụm tiền lương hàng tháng để mua sách và vào những thời khó khăn tại miền Bắc thập niên 1970 thì việc mua vài cuốn sách văn học dịch nước ngoài cũng đủ tiêu tốn cả chỉ vàng. Trong căn hộ nhỏ 25 mét vuông do Bộ Văn hóa phân cho cha mẹ tôi thời đó, chúng tôi không có gì ngoài bốn bức tường đầy sách. Chịu ảnh hưởng từ cha mẹ mình, tôi yêu văn chương từ nhỏ và luôn luôn đắm mình trong bầu không khí văn chương như vậy. Từ nhỏ, tôi đọc nhiều, từ các tác phẩm kinh điển đủ các nước lẫn văn chương Trung Quốc. Sau này khi trưởng thành, tôi theo học ngôn ngữ Trung Quốc nên càng có điều kiện đọc văn chương Trung Quốc hơn và nhận ra rằng có nhiều tác phẩm hiện đại rất hay nhưng chưa được giới thiệu vào nước ta, và tôi cố gắng để thực hiện điều đó.
Bìa một số cuốn sách trưng bày tại buổi ra mắt 7 tác phẩm văn học của 6 nhà văn Trung Quốc đã được dịch ra tiếng Việt tại Đại học Dân tộc Quảng Tây.
Việc giao lưu giữa các nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc tới Việt Nam vẫn được chị tổ chức?
- Tôi mong muốn giới thiệu tác giả bước ra khỏi trang sách, giao lưu cùng bạn đọc, vì vậy tôi từng hai lần tổ chức giao lưu cho tác giả - nghệ sĩ Lục Tiểu Linh Đồng với độc giả TP HCM và Hà Nội trong hai chuyến sang thăm Việt Nam. Tác giả này đã viết cuốn Lục Tiểu Linh Đồng bình Tây Du được độc giả Việt rất yêu thích. Tập 2 của cuốn sách này sắp được phát hành trong tháng 7. Ngoài ra hồi tháng 6/2016, tôi có tổ chức lễ ra mắt sách cuốn Mộng đổi đời của nhà văn Trung Quốc Đông Tây (Chủ tịch Hội Nhà văn tỉnh Quảng Tây) và tổ chức lễ ký kết bản quyền sách với 6 nhà văn Trung Quốc khác tại Đường sách TP HCM. Và tôi cũng tham gia tổ chức lễ ra mắt 7 đầu sách văn học Quảng Tây ấn bản Việt tại thành phố Nam Ninh Trung Quốc hồi cuối tháng 5/2019 vừa qua với sự tham gia của 6 nhà văn Trung Quốc.
Chị có thể chia sẻ trải nghiệm của chị khi tham gia chương trình này?
- Các tác phẩm bao gồm: Tôi là kẻ ác của nhà văn Lý Ước Nhiệt, Lập bia trường thọ của Điền Nhĩ, Viên chức nhà nước của nhà văn Hoàng Bội Hoa, Thượng Lĩnh Án của nhà văn Phàm Nhất Bình, Mộng Đổi Đời và Hối Hận – hai tác phẩm này của nhà văn Đông Tây - và Kẻ nhu nhược của nhà văn Chu Sơn Pha. Buổi lễ ra mắt này đã diễn ra vào sáng ngày 26/5/2019 tại Đại học Dân tộc Quảng Tây với sự tham gia của nhiều nhà văn, học giả, phóng viên báo chí và các du học sinh Việt Nam đang theo học tại đây. Nhiều câu hỏi thú vị đã được đặt ra. Các nhà văn Trung Quốc rất hào hứng khi các tác phẩm của họ được dịch ra tiếng Việt và đồng loạt được ra mắt sách.
Chị hẳn có những dự định sắp tới về văn học?
- Bên cạnh dòng sách văn học dịch nước ngoài của phương Tây và Trung Quốc, tôi cũng đang xây dựng dòng văn học Việt Nam với nhiều tác giả trẻ có cá tính, các tác phẩm có giá trị, mang hơi thở cuộc sống đương đại.
Cảm ơn chị và chúc chị thành công với mọi mục tiêu!