Tổng cục Quản lý thị trường vừa có báo cáo gửi Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh về tình hình phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên phạm vi cả nước.
Cụ thể, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, tính đến 12/3, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 14 tỉnh thành trên cả nước. Các tỉnh này có Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hoá, Hà Nội, Hà Nam, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Điện Biên, Hoà Bình, Hải Dương - đều là phía Bắc. Nhiều nơi như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nội… xuất hiện thêm ổ dịch mới.
Về tình hình triển khai nhằm ngăn chặn, phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, Tổng cục cho biết năm 2019, khi dịch tả xuất hiện tại Việt Nam, đơn vị này đã có công văn yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp các đơn vị kiểm tra vận chuyển, kinh doanh lợn, thịt và sản phẩm từ lợn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm nếu phát hiện. Nhiều hoạt động khác cũng được Tổng cục tiến hành hoặc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.
Theo báo cáo kết quả sơ bộ của Tổng cục Quản lý thị trường, tại Hà Nội, lực lượng tham gia 5/5 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại các đầu mối giao thông, phát hiện 1.260 kg nội tạng động vật đựng trong 21 thùng xốp không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu bốc mùi hôi thối. Vụ việc này đang được Tổng cục phối hợp với các ngành chức năng xử lý theo quy định.
Tại Nam Định, số lợn bị tiêu huỷ là 80 con, 2.086 kg lợn thịt. Tại Thái Nguyên, con số bị tiêu huỷ là 228 con. Hưng Yên có lợn bị tiêu huỷ nặng nhất là 6.258 con…
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, trong thời gian tới sẽ thu thập thông tin, nắm tình hình, phối hợp các ngành. Khu vực kiểm tra, kiểm soát là gần cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, chợ đầu mối, chợ trung tâm, trung tâm thương mại, tuyến, địa bàn trọng điểm đường bộ, đường biển, đường sắt…
Cùng với việc kiểm tra, kiểm soát lực lượng QLTT phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh về các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh tiếp xúc, ăn thịt lợn mắc bệnh và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Khuyến cáo người dân khi phát hiện các vụ việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn mắc bệnh thì báo ngay với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.