Điện ảnh, nơi lưu giữ ký ức di sản

PHƯƠNG MAI 02/09/2023 07:56

Điện ảnh là di sản tư liệu đặc biệt, dù vậy thời gian qua công tác lưu trữ, phục hồi và bảo tồn các tác phẩm điện ảnh tại Việt Nam còn nhiều hạn chế trong khi thế giới rất trân trọng những thước phim thế hệ trước để lại. Vậy chúng ta phải làm gì để sớm tìm ra những giải pháp bảo vệ khẩn cấp trước khi các tác phẩm điện ảnh biến mất.

Cảnh trong phim “Cánh đồng hoang”.

Giá trị của điện ảnh nguyên gốc

Nhà làm phim Christopher Nolan - người sở hữu tới 11 giải Oscar và 36 đề cử vừa ra mắt siêu phẩm mang tên "Oppenheimer". Tại Việt Nam, "Oppenheimer" được công chiếu từ ngày 11/8 và theo thống kê của Box Office Việt Nam - trang thống kê phòng vé độc lập, phim thu hơn 16 tỉ đồng và đang dẫn đầu doanh thu phòng vé.

Trên thế giới cho đến ngày 20/8 bộ phim đã đạt doanh thu trên 700 triệu USD và đang tăng từng ngày, phim này ngay lập tức đã trở thành phim về Chiến tranh thế giới thứ II có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Đáng chú ý, “Oppenheimer” được đầu tư mạnh về mặt hình ảnh, quay hoàn toàn trên phim nhựa cỡ lớn 70mm, bằng máy quay IMAX. Tại giải Oscar 2020, 52% phim đề cử cũng được quay bằng phim nhựa. Điều đó cho thấy giá trị của phim nhựa vẫn chưa thể mất đi dù công nghệ số đã rất phổ biến.

Thông tin trên khiến khán giả nhớ tới những bộ phim nhựa của Việt Nam, nhiều tác phẩm của một thời hoàng kim như: “Nước về Bắc Hưng Hải”, “Chị Tư Hậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Con chim vành khuyên”, “Thành phố lúc rạng đông”… từng giành giải tại các liên hoan phim quốc tế lớn. Với nhiều khán giả trong nước thì những bộ phim nhựa xưa cũ vẫn luôn có một sức hút mạnh mẽ dù được xem đi xem lại nhiều lần. Bởi vậy, câu chuyện gần 300 bộ phim nhựa của Hãng phim truyện Việt Nam bị hư hỏng nặng hồi tháng 4 vừa qua khiến dư luận không khỏi bất bình, người trong cuộc thì sốt ruột, lo lắng.

Theo đạo diễn - NSƯT Bùi Trung Hải, kho lưu trữ của Hãng chứa những bản phim dương bản gốc (positive film). Trong chuyên môn điện ảnh, chính là bản gốc, và là một trong hai bản gốc duy nhất còn lại của những bộ phim cũ, kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam. Dạng bản phim positive gốc này chính là tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh, để được trình chiếu cho công chúng thưởng thức. Bên cạnh đó, khác với Việt Nam, nhiều nước có nền điện ảnh phát triển vẫn sử dụng rộng rãi phim nhựa song song với phim kỹ thuật số, các liên hoan phim hay sự kiện điện ảnh lớn quốc tế luôn sẵn sàng chiếu bản phim nhựa. “Như vậy, khoảng 300 bản phim nhựa ở Hãng phim truyện Việt Nam bị hỏng, ngoài việc là di sản văn hóa, những bản phim này đều có thể được sử dụng trong những hoạt động điện ảnh trong nước và quốc tế. Vì vậy, tổn thất của việc hỏng 300 bản phim gốc là rất lớn với nền điện ảnh Việt Nam. Tập thể nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị về hậu quả của 300 bản phim bị hỏng lên Bộ VHTTDL, nhưng cho đến thời điểm này Bộ vẫn chưa có giải pháp để cứu kho phim”, đạo diễn Bùi Trung Hải nói.

NSND Trà Giang trong phim “Chị Tư Hậu”.
“Bao giờ cho đến tháng 10” được kênh truyền hình CNN đánh giá là một trong 18 phim hay nhất thế kỷ 20 của châu Á.

Từ góc nhìn của một người nước ngoài về những bộ phim Việt Nam giai đoạn 1960 - 1970, ông Martino Cipriani - giảng viên ngành Sản xuất phim kỹ thuật số, Trường Đại học RMIT nói rằng, nhận định của ông có thể gây tranh cãi, nhưng cá nhân ông thấy phim Việt Nam giai đoạn này hấp dẫn hơn so với các sản phẩm thương mại hiện nay, dù các nhà làm phim đầy tinh thần cạnh tranh.

Dẫn chứng về bộ phim "Vợ chồng A Phủ" (năm 1961) của đạo diễn Mai Lộc, ông Martino Cipriani chia sẻ, rất yêu thích phong cách trực quan thật phi thường và một số phân cảnh rất khác biệt của bộ phim. “Vợ chồng A Phủ” mô tả đời sống xã hội các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc Việt Nam trong bối cảnh cách mạng xã hội chủ nghĩa. Dù có tên bộ phim là “Vợ chồng A Phủ”, nhưng xuyên suốt người vợ mới là nhân vật chính và cô như một nữ anh hùng đáng kinh ngạc và đầy quả cảm.

Bởi vậy đề cập tới việc lưu trữ và bảo quản những bộ phim quý giá như “Vợ chồng A Phủ”, ông Martino Cipriani cho rằng: Di sản điện ảnh là chủ đề hấp dẫn nhưng đầy thách thức. Sự khác biệt chính giữa phim nhựa và phim số nằm ở công nghệ - đó là cuộc cách mạng trong cách chúng ta tạo ra nền văn hóa này. “Ý nghĩa của di sản có phải là phạm trù thuộc về ký ức văn hóa? Đó có phải là một tác phẩm nghệ thuật? Nhiều người cho rằng phim ảnh không cần thiết đến mức phải bảo tồn.

Nhưng phim nhựa phân hủy nhanh hơn chúng ta tưởng, do đó, chúng ta cần phải bảo vệ nếu không muốn chúng biến mất hoàn toàn. Phim Việt Nam là một biểu hiện văn hóa quan trọng của đất nước trong thế kỷ qua và xứng đáng nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ công chúng”, ông Martino Cipriani khuyến cáo.

Kho lưu trữ phim tại Hãng phim truyện Việt Nam đang bị hư hại do không được bảo quản đủ điều kiện.

Tìm giải pháp bảo vệ khẩn cấp

Mới đây, tại Hà Nội, tọa đàm “Điện ảnh mà là di sản á?” nằm trong khuôn khổ dự án “Huy động các chuyên gia điện ảnh cho hợp tác khu vực châu Á” của UNESCO và chuỗi hoạt động "Di sản kể chuyện” có nhiều kiến nghị góp phần bảo vệ khẩn cấp các tác phẩm điện ảnh Việt Nam với tư cách là một di sản tư liệu đặc biệt.

Theo tiêu chí của UNESCO, hơn 40 năm trước, điện ảnh đã được coi là di sản. Từ những năm 1980, UNESCO đã có những khuyến nghị đầu tiên trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị về hình ảnh động. Đây có thể coi là dấu mốc lịch sử đầu tiên để các hình ảnh động, trong đó có điện ảnh, được UNESCO coi là những di sản cần được giữ gìn.

Đến năm 1992, UNESCO khởi xướng và phát triển chương trình Ký ức thế giới, ghi danh những di sản tư liệu, trong đó không chỉ có chữ viết, bức ảnh, bản ghi âm, mà còn có những bộ phim. Và trong chương trình này, đã có nhiều tác phẩm điện ảnh được ghi danh. Tiếp đó, vào năm 1995, kỷ niệm 100 năm ra đời của ngành điện ảnh, Ký ức thế giới đã phát triển danh sách National Cinema Heritage (Di sản Phim quốc gia). Với danh sách này, các quốc gia thành viên đề cử 15 phim đại diện tiêu biểu nhất cho các giá trị lịch sử, văn hóa hoặc có bước ngoặt trong kỹ thuật làm phim. Việc những bộ phim điện ảnh được ghi danh chính thức trong những danh sách di sản tư liệu của UNESCO như một sự khẳng định điện ảnh là một loại di sản.

Dù vậy, ở Việt Nam việc gìn giữ di sản tư liệu điện ảnh đặc biệt vẫn đang là một bài toán chưa tìm được lời giải. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá, các bộ phim tài liệu, phim truyện điện ảnh vốn liên quan sâu sắc tới tiến trình lịch sử chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học. Những tư liệu quay trên phim nhựa chính là hiện thân của đất nước, con người Việt Nam. Nhưng một bộ phim dù có hay đến đâu, có giá trị có lớn đến mấy, nếu không còn được xem nữa, thì nó sẽ bị lãng quên, hay nói cách khác, di sản điện ảnh ấy sẽ biến mất.

Nền điện ảnh Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng đã được thế giới chú ý với nhiều bộ phim kinh điển của một thời vàng son. Nếu không có những biện pháp rốt ráo trong việc lưu trữ, bảo tồn, phục chế phim nhựa với tư cách là một di sản tư liệu đặc biệt cần được bảo vệ khẩn cấp, những thước phim quý giá này có thể sẽ không còn tồn tại.

Lưu trữ và bảo quản phim tại Viện Phim Việt Nam.

Đầu tiên, cần khảo sát, phân định đối tượng số hóa theo các thể loại phim một cách khoa học. Cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã làm tốt công tác số hóa điện ảnh để đưa ra một chiến lược phù hợp với tình hình điện ảnh Việt Nam. Hiện nay, nhiều thước phim điện ảnh, tài liệu cũ thường xuất hiện liền với vết xước trắng, loang lổ, giật, nháy... Thậm chí cả kho phim lưu trữ tại Hãng phim truyện Việt Nam đang trong tình trạng hư hỏng nặng (những bộ phim giai đoạn từ 1954-1975). Dù vậy theo Viện Phim Việt Nam, công tác lưu trữ, bảo quản và số hóa phim Việt hiện đang gặp nhiều thách thức. Viện Phim Việt Nam đang lưu trữ gần 80.000 cuốn phim nhựa các loại và một số lượng lớn băng, đĩa ở nhiều định dạng khác nhau.

Song, số lượng phim nhựa xuống cấp còn nhiều, trong khi trang thiết bị, máy đọc, tu sửa, phục hồi đang dần hạn chế vì các hãng ngừng sản xuất; thiết bị chuyển đổi số còn chưa đủ đáp ứng..., nên khó bảo quản phim nguyên vẹn. Đại diện phòng Kỹ thuật Viện Phim Việt Nam, cho biết: Mỗi năm, Viện chỉ có thể số hóa được 700 cuốn phim nhựa, phục chế được khoảng 100 phút phim. Trong khi đó, số lượng phim nhựa cần số hóa là 80.000 cuốn, mà khả năng lưu trữ hiện nay cũng chỉ có thể chứa 600 cuốn phim ở độ phân giải từ 2K trở xuống.

Nói như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, phim nhựa là vật liệu tuổi thọ có giới hạn, đòi hỏi sự chăm sóc nghiêm túc cũng như sự đầu tư cả tiền của và tâm huyết. Cũng theo nữ đạo diễn, hãy nhìn nhận tác phẩm điện ảnh như một di sản quý giá của quốc gia, dân tộc. Và thực tế là di sản ấy không thể tồn tại quá lâu dài, dù trong điều kiện lý tưởng. Bởi vậy, cần có những việc phải làm ngay để bảo tồn những di sản điện ảnh, gìn giữ cho các thế hệ sau này.

Đề cập tới giải pháp số hóa, nữ đạo diễn nêu thực tế, các tác phẩm điện ảnh tại Việt Nam chủ yếu được tiếp cận ở dạng số hóa. Tuy nhiên, những bản phim số hóa được phổ biến trong tình trạng bị sai tỷ lệ khuôn hình, sai màu, bị cắt cúp, bị sai tiếng, sai nhạc. Đáng buồn thay, đây lại là hiện trạng phổ biến.

Câu chuyện số hóa các bản phim nhựa ở Hãng phim truyện Việt Nam cũng được đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân thông tin: Nếu coi giá trị bộ phim cả về âm thanh và hình ảnh là 100%, thì việc số hóa phim cần đạt 80-90%, thậm chí trên 90% giá trị mới được coi là lưu trữ.

Thế nhưng hiện nay cái được gọi là số hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam chỉ còn giữ được 40% giá trị của những bộ phim nhựa - đó chỉ là một sự ghi chép thuần túy để giữ lại hình. Nói cách khác, số hóa được hiểu theo cách tạo ra 2 dị bản khác nhau, với cùng 1 bộ phim, mà bản phim mang tên số hóa có ngôn ngữ điện ảnh hoàn toàn khác so với phiên bản gốc. Như vậy, không phải cứ số hóa là có thể yên tâm di sản điện ảnh đã được bảo vệ an toàn.

Do đó, muốn bảo tồn di sản điện ảnh phải xuất phát từ cái gốc là ngôn ngữ điện ảnh. Nó phải được hiển thị bằng hình ảnh và âm thanh như nó vốn có, thay vì các bộ phim bị xâm hại một cách thô bạo dưới mác số hóa. Nếu hình ảnh và âm thanh bị xâm hại thì vẻ đẹp của mỗi tác phẩm đã bị đánh mất.

Nhiều ý kiến cho rằng, coi điện ảnh là di sản thì cần phải có trách nhiệm bảo tồn. Hiện chúng ta còn đang rất lúng túng trong việc định vị về điện ảnh và di sản điện ảnh. Di sản là những giá trị vật chất tinh thần, con người, truyền thống của thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Với định nghĩa như vậy, thì đương nhiên điện ảnh chắc chắn là di sản vì nó cũng do các thế hệ trước tạo ra cho thế hệ sau xem. Qua đó, chúng ta có thể thấy, trách nhiệm để bảo quản lưu trữ các bộ phim là trách nhiệm của rất nhiều đơn vị, con người, các hãng phim… chứ không chỉ một đơn vị.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Nhà nước trong công việc bảo tồn tư liệu phim, PGS.TS Trần Trọng Dương - Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, đã tìm hiểu trong ngành điện ảnh có bộ phim nào được công nhận là di sản hay chưa, và rất bất ngờ là chưa có tác phẩm nào. Trong khi ngành văn hóa đã có vài chục tác phẩm, hiện vật được coi là Bảo vật quốc gia.

Theo ông Dương, ngành điện ảnh cần đưa ra lộ trình để sớm có một vài bộ phim được Nhà nước công nhận là di sản. Chẳng hạn, những thước phim quan trọng ghi dấu lịch sử cách mạng Việt Nam có thể được ghi danh, từ đó, chúng ta có cơ hội để những thước phim có giá trị khác được công nhận là di sản.

Cho dù chưa được coi là di sản, những người yêu điện ảnh vẫn nỗ lực bảo vệ các cuốn phim có giá trị, tạo nên dấu mốc trong lịch sử điện ảnh Việt. Vậy nên PGS.TS Trần Trọng Dương gợi mở: Công việc bảo tồn tư liệu phim hay bảo tồn di sản nói chung nên thuộc về chính sách của Nhà nước, cần nguồn lực lớn, sự đồng thuận lớn.

Vì vậy phải có một chiến lược từ ngành điện ảnh để có tư vấn chính sách với Nhà nước cho công tác bảo tồn di sản phim ở Việt Nam, phải được Luật hóa được định nghĩa rõ ràng trong Luật Di sản. Một đoạn phim, một thước phim, một chi tiết thôi là một phần của lịch sử dân tộc, chúng ta cần phải huy động mọi nguồn lực để bảo tồn nguồn tư liệu quý giá này.

NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh: Điện ảnh có lợi thế lưu giữ

Điện ảnh có vai trò lưu giữ, khơi dậy trong mỗi con người những ký ức gắn với di sản, mà khi con người có ký ức, họ sẽ hiểu và trân trọng cũng như bảo vệ di sản tốt nhất. Điện ảnh tuy không thể tham gia trực tiếp vào quá trình trùng tu, bảo tồn di sản nhưng có lợi thế là lưu giữ được ký ức của con người. Muốn bảo tồn di sản thì những người có trách nhiệm phải có ký ức về di sản đó và ký ức đó cũng như một di sản cần được bảo vệ. Như bộ phim “Hà Nội mùa Đông năm 46”, trong một cảnh quay ở đền Ngọc Sơn, tôi đã yêu cầu phục dựng tàu điện bởi thời đó có tàu điện màu đỏ chạy qua đây. Và khi quay phim vào lúc 5 giờ sáng, chúng tôi kéo tàu điện đó ra thì tất cả người Hà Nội, từ trẻ tuổi đến lớn tuổi đều vây quanh ngắm nhìn một cách ngẩn ngơ. Nhiều người xem bộ phim này gặp tôi đều bảo cảnh phim đã khơi dậy ký ức của họ đúng quá, sống động quá. Điện ảnh chỉ góp sức như thế đã là đáng quý rồi.

NSND - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Trên thế giới, phim nhựa vẫn được trân trọng

Hiện xu hướng sử dụng công nghệ số đã phổ biến, nhưng phim nhựa vẫn có chỗ đứng trên thế giới. Phim nhựa vẫn được sản xuất, những liên hoan phim có tới 50% phim dự thi là phim nhựa. Nhiều đạo diễn, đặc biệt là người có tiếng và hiểu biết về nghệ thuật lại ưa dùng phim nhựa hơn.

Bạn đồng nghiệp của tôi ở Anh, Pháp, Mỹ cho biết hiện nay nhiều nơi vẫn có các rạp chiếu phim nhựa. Tất nhiên họ không thể cạnh tranh được với các rạp chiếu phim bom tấn, nhưng vẫn duy trì truyền thống, đó là sự kết nối với các thế hệ để các thế hệ sau biết đến quá trình phát triển của phim ảnh. Ví dụ như tại Liên hoan phim Frankfurt năm 2016 đã thuê phim “Cuốn theo chiều gió” bằng bản nhựa để chiếu cho các đại biểu xem với một sự trân trọng. Điện ảnh là một dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại, được kết nối bằng những thước phim. Hiểu được giá trị của những thước phim mà các thế hệ trước để lại cũng là bày tỏ sự trân trọng với quá khứ, với lịch sử điện ảnh nói riêng và lịch sử nước nhà nói chung.

Đạo diễn Phan Đăng Di: Nên chọn danh sách các phim giá trị cần phục dựng, số hóa

Nếu muốn giới thiệu di sản điện ảnh Nhà nước một cách bài bản, chúng ta cần chủ động liên kết với những nơi sẵn sàng giới thiệu phim Việt Nam trong các chương trình được tổ chức bài bản, có chuyên môn. Cụ thể, Bộ VHTTDL hằng năm nên chọn ra một danh sách các phim giá trị cần phục dựng, số hóa ở chất lượng cao nhưng việc này phức tạp và tốn kém, nên giao cho Viện Phim Việt Nam thực hiện.

Việc phục dựng không chỉ là để lưu trữ mà quan trọng hơn là tái sinh vòng đời của các bộ phim bằng cách giới thiệu nó thật bài bản, khoa học và hấp dẫn. Ở tất cả các liên hoan phim lớn luôn có khu vực chiếu lại các phim kinh điển của các nước. Nếu muốn những bộ phim sống lại, muốn người trẻ hứng thú thì chất lượng bản phim phải thật tốt, có những người tâm huyết lựa chọn và biết cách giới thiệu thật hấp dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điện ảnh, nơi lưu giữ ký ức di sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO