Với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội đang trở thành công cụ hữu hiệu để các nghệ sĩ tương tác với công chúng. Ở đó bên cạnh là một kênh để giao lưu với khán giả, mạng xã hội còn là nơi để các nghệ sĩ thể hiện những “quyền lực” đặc biệt của mình.
Danh xưng nghệ sĩ dường như đang quá dễ dãi với nhiều người. (Ảnh minh họa).
Gắn kết công chúng
Không thể phủ nhận, trong những năm qua mạng xã hội (facebook, youtube, instagram) đang trở thành “cánh tay” nối dài giữa nghệ sĩ với công chúng. Một trong những minh chứng rõ nhất là sự thay đổi của thị trường âm nhạc Việt Nam trong những năm qua mà mạng xã hội đã đem lại. Nếu như trước đây các nghệ sĩ muốn giao lưu hay quảng bá sản phẩm mới phải tổ chức họp báo, giao lưu fanclub “rình rang” thì giờ đây thông qua mạng xã hội công việc này trở nên tiết kiệm cả về thời gian và gần như là miễn phí. Các “sao” như Đông Nhi, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng… có nhiều người hâm mộ thì với các live stream trên facebook luôn nhận được sự tương tác từ chục nghìn đến hàng trăm nghìn người. Trong những cuộc giao lưu trực tiếp đó, các nghệ sĩ không chỉ được giao lưu mà còn là dịp để “hô hào” người hâm mộ hưởng ứng một phong trào nào đó.
Ca sĩ Sơn Tùng M-TP là một trong những nghệ sĩ khá thành công trong việc khai thác mạng xã hội. Mới đây, bằng “công thức” để một thời gian khá “im hơi, lặng tiếng” bất ngờ các trang mạng xã hội của ca sĩ này đã hoàn toàn biến mất đã khiến người hâm mộ không khỏi “bàng hoàng”. Tuy nhiên chỉ ít ngày sau đó những ảnh, thông tin về sản phẩm mới của ca sĩ này đã được đăng tải trên trang cá nhân với những lời nhắn gửi… Và khi MV mới của ca sĩ này được đăng tải trên trang Youtube đã thành cuộc cầy “view” khủng khiếp của người hâm mộ. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn mở những “chiến dịch” để trong thời gian sớm nhất MV trở thành clip có lượng xem nhiều nhất trên Youtube.
Nếu như Sơn Tùng M-TP sử dụng mạng xã hội nhằm quảng bá cho sản phẩm âm nhạc của mình thì với nhiều nghệ sĩ đây cũng là nơi thể hiện “quyền lực” của sự nổi tiếng. Ở chiều tích cực, trong thời gian qua rất nhiều mảnh đời bất hạnh, các nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn, mắc mệnh hiểm nghèo… thông qua “quyền lực” này đã hỗ trợ hết sức rất nhanh chóng. Như những sự hỗ trợ rất kịp thời về trường hợp của nghệ sĩ Anh Vũ, Lê Bình… của nghệ sĩ Hồng Vân. Hay như ca sĩ Thái Thùy Linh với dự án Mang âm nhạc đến bệnh viện. Ca sĩ Mỹ Tâm và quỹ Mỹ Tâm Foundation thực hiện chương trình “Nâng bước ngày mai”; Quỹ từ thiện và chương trình Vết sẹo cuộc đời của diễn viên Ngô Thanh Vân kêu gọi các nghệ sĩ, nhà hảo tâm góp sức phẫu thuật thành công cho hàng trăm trẻ em nghèo mắc bệnh tim trên khắp Việt Nam. Được biết, để gây quỹ từ thiện các nghệ sĩ có nhiều hình thức thiết thực như biểu diễn không lấy thù lao; bán đấu giá các vật dụng, đồ lưu niệm, tranh ảnh quý; trích lợi nhuận từ phát hành album, liveshow cá nhân, kinh doanh, cát xê đóng phim, diễn kịch…
Và có một thực tế, đi hát hay đi quay phim ở bất cứ đâu, nhiều nghệ sĩ thường quan tâm thăm hỏi và ghi nhớ những địa chỉ gia đình nghèo, hay người nghèo bị bệnh nặng, trẻ em nghèo hiếu học, chùa và mái ấm nuôi thanh thiếu niên mồ côi, khuyết tật, không nơi nương tựa… để sau đó thông báo trên blog, facebook, mạng xã hội… kêu gọi bạn bè nghệ sĩ, các fan, người hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ.
Danh xưng nghệ sĩ
Tuy nhiên, với sức mạnh của truyền thông nói chung và mạng xã hội nói riêng vẫn còn đó những góc khuất. Ở đó cái thứ gọi là “quyền lực” đặc biệt này dường như đang bị làm dụng. Khái niệm nghệ sĩ, ca sĩ dường như đang trở thành một “danh xưng” quá dễ dãi với nhiều người. Dù hát hay dở, làm trò lố lăng thì mạng xã hội đang “chắp cánh” cho mộng ước của nhiều cá nhân. Trong thời gian qua, những cái tên như Lệ Rơi, Bà Tưng, Tùng Sơn, Kenny Sang, Quân Kun... đang làm khái niệm “nghệ sĩ” đi lên từ mạng xã hội trở nên dị hợm, kì quặc. Họ không có tài cán gì nhưng lại phô diễn những điều lệch chuẩn mà thiên hạ vẫn chê bai. Thậm chí, thay vì làm được điều tốt, điều hay thì dường như để thu hút view trên mạng xã hội điều xấu đang lên ngôi với cái danh xưng “ngôi sao mạng xã hội”. Trong đó, nguyên tắc duy nhất của những người muốn mang danh nghệ sĩ này trang cá nhân của họ phải luôn có lượng người theo dõi đông đảo. Vì thế, bất kỳ hành động nào của các nghệ sĩ trên trang cá nhân, trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng luôn nhận được sự quan tâm của người hâm mộ. Đặc biệt là khi họ chia sẻ, thể hiện sự bức xúc, tố khổ, thậm chí chỉ trích việc này, người kia… qua livestream như một cách thông báo công khai, trực diện. Vì thế, nếu nghệ sĩ truyền tải thông tin chuẩn xác, tích cực và đúng đắn, thông tin ấy sẽ có tác động tốt tới số đông người hâm mộ; ngược lại, nếu thông tin sai lệch, một chiều, có tính chất “bêu xấu” thì hậu quả thật khôn lường.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Khuất Thu Hồng-Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng: Phàm là người nổi tiếng bao giờ cũng bị chú ý và soi mói nhiều hơn là người bình thường. Người ta thường trông đợi vào người nổi tiếng một cách hành xử tốt đẹp, chuẩn mực, văn minh… Bên cạnh đó, thông tin người nổi tiếng đưa ra cũng có sức nặng hơn. Vì thế, bất kỳ điều gì cũng cần phải cân nhắc, nhất là trong cách truyền đạt thông tin đến đám đông. Người ta nói mạng xã hội là con dao hai lưỡi vì không phải câu chuyện nào cũng nhận được sự cảm thông và chia sẻ mà sẽ có những phản biện xã hội ở những góc nhìn khác nhau. Nếu chủ ý biến mạng xã hội trở thành công cụ để bộc lộ cảm xúc hoặc đấu tranh thì phải lường trước được hậu quả. Áp lực từ dư luận khi họ bới móc và lật đi lật lại vấn đề để soi chiếu là rất lớn. Tóm lại, nguy cơ của việc bản thân phải đối diện với áp lực trái chiều từ việc này là rất cao.