Sáng ngày 27/9/2023, Diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình Phát triển Năng lượng xanh, sạch và bền vững” do Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp. Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), là một trong những Tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi), với định hướng chiến lược phát triển nguồn năng lượng sạch, mới trong tương lai nhằm cung cấp nguồn năng lượng sạch bền vững cho đất nước trên cơ sở phát huy thế mạnh của hoạt động dầu khí ngoài khơi của Petrovietnam.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng Biên tập Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam Mai Duy Thiện phát biểu, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu nền công nghiệp và nền kinh tế đang phát triển tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về nhu cầu tiêu thụ năng lượng, chúng ta cần làm rõ thực trạng tiến trình phát triển năng lượng, đánh giá các cơ hội, thách thức cần đối mặt, thông qua đó đưa ra các đề xuất nhằm đẩy mạnh hơn nữa tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và hướng tới phát triển bền vững.
Diễn đàn là một hoạt động cần thiết và rất có ý nghĩa với các tham vấn từ nhiều chuyên gia, các nhà khoa học và kinh nghiệm của các doanh nghiệp đang tham gia vào quá trình “xanh hóa”. Trong phần tham luận, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng
Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm quốc tế về phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh. Tại Hà Lan, khuyến khích đổi mới sáng tạo đối với các lĩnh vực hàng đầu (MKB Innovatiestimulering Regio en Topsectoren (MIT)), bao gồm các hỗ trợ đổi mới liên quan đến hiệu quả năng lượng. Ở Anh, Quỹ Tăng trưởng sạch (the Clean Growth Fund): đóng góp vào kế hoạch của Vương quốc Anh để đạt được Net Zero vào năm 2050 và thúc đẩy công nghệ xanh trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và chất thải và công nghiệp nước. Với các nước EU, Quỹ đổi mới sáng tạo của EU tập trung vào các công nghệ có tính đổi mới cao và các dự án có thể mang lại mức giảm phát thải đáng kể, các dự án được lựa chọn tài trợ dựa trên các tiêu chí như hiệu quả giảm phát thải nhà kính, mức độ đổi mới sáng tạo, mức độ trưởng thành của dự án, khả năng mở rộng và hiệu quả chi phí của dự án…
Tại Việt Nam, thực tiễn hoạt động đổi mới sáng tạo xanh tại các địa phương còn nhiều hạn chế. Doanh nghiệp thực tế ít thay đổi và cập nhật công nghệ, quy trình, hàm lượng công nghệ thấp; Sản phẩm chưa tinh xảo, giá trị gia tăng sản phẩm thấp, tính cạnh tranh còn thấp, sản phẩm mới với doang nghiệp nhưng không mới với thị trường; Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm mở rộng thị trường, Rất ít doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự đổi mới sáng tạo, thực sự xanh, không mặn mà với các chương trình/chính sách hỗ trợ do thủ tục rườm rà… Do đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh, Nhà nước cần đẩy mạnh thúc đẩy áp dụng và phổ biến các công nghệ nhằm giải quyết các thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, các quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương cần nâng cao hiệu quả hoạt động…
Bên cạnh đó, Diễn đàn còn nhận được rất nhiều chia sẻ từ các chuyên gia, các hiệp hội, doanh nghiệp về các vấn đề các chính sách phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; chuyển dịch cơ cấu nguồn điện, cơ hội và thách thức; vai trò thiết yếu của LNG… Các ý kiến đã đưa ra bức tranh tổng thể về thực trạng phát triển năng lượng tại Việt Nam trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới; từ đó đưa ra các đề xuất nhằm thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam.