Lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan báo chí trong toàn quốc đã gặp mặt trong khuôn khổ Diễn đàn Tổng biên tập 2023 để bàn về giải pháp làm thế nào để báo chí phát huy sức mạnh, thực sự là kênh chủ lực của truyền thông chính sách.
Diễn đàn Tổng biên tập 2023 do Báo Nhà báo và Công luận chủ trì tổ chức tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) vào chiều 29/9, với sự tham dự của ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo hơn 100 cơ quan báo chí trong toàn quốc.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: “Trong mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt, hiệu lực hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đảm bảo người dân được thụ hưởng tiến bộ và công bằng xã hội mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, những năm gần đây, công tác truyền thông chính sách ngày càng được chú trọng, trở thành một phần không thể thiếu trong truyền thông Nhà nước nói chung và truyền thông Chính phủ nói riêng…”.
Đặc biệt, Chính phủ cũng đã có Chỉ thị về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, trong đó, báo chí được xem là kênh chủ lực, là phương thức cơ bản để thực hiện truyền thông chính sách. Dù vậy, cho tới nay, công tác truyền thông chính sách vẫn chưa thực sự hiệu quả, thậm chí những cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Tại Diễn đàn Tổng biên tập 2023, hơn 100 cơ quan báo chí đã tham dự 2 phiên thảo luận có chủ đề: “Báo chí - Cánh tay nối dài của truyền thông chính sách” và “Cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách”. Các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ, trao đổi và thống nhất một số giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác thực hiện truyền thông chính sách của báo chí, để truyền thông thực sự là nguồn lực quan trọng, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách.
“Chúng ta đã tranh luận và vỡ ra rất nhiều vấn đề. Có những vấn đề có thể giải quyết sớm, có những vấn đề cần sự can thiệp của Bộ, ngành và thậm chí cao hơn để sửa đổi. Có những vấn đề nằm ở sự chủ động của các cơ quan báo chí, cần phải mạnh dạn, chủ động và năng nổ hơn từ các cơ quan báo chí thay vì chờ đợi nguồn kinh phí thì có thể tham gia truyền thông chính sách của các Bộ, ban, ngành, địa phương với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, tăng nguồn thu cho cơ quan báo chí…”, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.