Mạng xã hội và sức ép cạnh tranh của báo chí

NGUYỄN HOÀI 23/06/2023 09:00

Sức hút và tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của mạng xã hội đang tạo ra một làm sóng mới kích thích sự thay đổi và phát triển của báo chí. Từ đây mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít thách thức cho đội ngũ những người làm báo.

Sức ép cạnh tranh về tốc độ, hiệu suất thông tin

Chị Nguyễn Thu Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) dần thay đổi thói quen đọc tin tức trên báo điện tử mỗi ngày từ khi sử dụng mạng xã hội Facebook. Thay vì đọc thông tin trên các trang báo, lâu nay, chị Hương tìm đọc tin tức trên mạng xã hội. Chị cho hay: “Bất cứ lúc nào người dùng Facebook cũng có thể nhanh chóng tiếp cận với những thông tin nóng hổi trên mạng xã hội. Thông qua các đường link chia sẻ của người dùng hay nội dung của các page, mạng xã hội như một xa lộ thông tin 24/7”.

“Một nhà báo trong thời đại số phải là nhà báo đa phương tiện, vừa có khả năng kết hợp kỹ thuật công nghệ như chụp ảnh, sáng tạo video, âm thanh, thiết kế đồ họa với ngôn ngữ viết và các phương thức tương tác khác để tạo nên một sản phẩm báo chí hoàn chỉnh” - TS Lại Thị Hải Bình – Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Truyền thông đa phương tiện, Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh.

Trong thời đại của công nghệ, đọc báo theo cách trung gian như chị Hương không còn là hiếm, nhất là khi các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, TikTok,… phát triển rầm rộ, trở thành một kênh thông tin không thể thiếu với người dùng.

Về mặt tích cực, thông tin từ mạng xã hội đem đến cho người dùng một nguồn tin đa dạng, có sức lan tỏa rất lớn. Thông qua đường link của nhiều bài báo điện tử được dẫn trên mạng xã hội, không ít mảnh đời khó khăn được kết nối với những tấm lòng thiện nguyện. Ở chiều ngược lại, nhiều vấn đề, sự kiện được xã hội quan tâm, được bàn luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội đã được báo chí khai thác, phát triển thành đề tài, có tầm ảnh hưởng khá rộng đến toàn xã hội.

Điển hình là vụ việc diễn viên Ngọc Lan đã được phát trực tiếp trên Facebook, người đăng bày tỏ bức xúc cho rằng cô đã bị tư vấn mập mờ về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, khiến cô lầm tưởng rằng nộp vào 7 tỷ đồng sau 10 năm sẽ nhận được 10 tỷ đồng. Sự việc làm “nóng” dư luận vào thời điểm tháng 4/2023. Ngay sau đó, rất nhiều các cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin liên quan đến sự việc. Từ đấy, hàng loạt các bài báo xoay quanh vấn đề về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng được các tờ báo khai thác, mở rộng, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng.

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều tòa soạn báo chí đã tận dụng mạng xã hội để mở rộng phạm vi tương tác, mở rộng hơn lượng công chúng của mình. Hiện nay, hầu hết các cơ quan báo điện tử đã đưa sản phẩm của mình lên các trang mạng xã hội Facebook, Youtube, Twitter,... Qua đó, bạn đọc dễ dàng tiếp cận, cập nhật các thông tin thời sự, kinh tế - xã hội hằng ngày, góp phần định hướng dư luận trên mạng xã hội.

Có nhiều tiện ích và sức ảnh hưởng lớn – không phủ nhận vai trò tích cực của mạng xã hội. Tuy nhiên đây cũng là “con dao hai lưỡi” đối với người dùng cũng như những cơ quan báo chí nói chung khi khai thác nguồn tin từ mạng xã hội. Dù có tốc độ lan truyền nhanh chóng, liên tục theo từng giây và phạm vi tương tác đa chiều, nhưng không ít thông tin trên mạng xã hội chỉ với mục đích câu like, câu view. Những dạng thông tin giật gân, nóng hổi nhưng sai sự thật, bịa đặt, có tác động xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến việc định hướng dư luận.

Trước sức ép cạnh tranh về tốc độ, hiệu suất thông tin giữa báo chí và mạng xã hội, nếu những người làm báo không tỉnh táo, chủ quan trong quy trình kiểm soát thông tin trước khi đăng tải thì sẽ dần trở thành “báo lá cải” vì chạy theo nguồn tin từ các trang mạng xã hội.

Nhà báo đa phương tiện

Thay đổi nhanh chóng của công nghệ truyền thông, sự thông dụng của mạng xã hội, ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (ChatGPT) tạo ra nhiều trải nghiệm thú vị cho công chúng nhưng cũng tạo nên thách thức lớn cho hoạt động báo chí. Câu hỏi được đặt ra là: Nhà báo nói riêng và cơ quan báo chí nói chung cần trang bị những gì để đáp ứng trước sự bùng nổ mạnh mẽ của loại hình giao tiếp mới đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của báo chí?

PGS.TS Nguyễn Văn Dững – nguyên Trưởng khoa Báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, mạng xã hội là nơi có thể cung cấp, gợi ý nguồn tin. Thế nên, tòa soạn cần theo dõi sát đời sống mạng xã hội. Bên cạnh đó, người làm báo luôn phải bổ sung các loại kiến thức, mà nhiều khi khó gọi tên là kiến thức gì, bởi khi cần đến mới biết mình đang thiếu. “Làm báo trong môi trường công nghệ số thì phải hiểu công nghệ số, phải sử dụng tốt các thiết bị số dùng để sản xuất tin tức… Và trên hết là cần có tư duy số, biết sáng tạo thông điệp số cho báo chí các nền tảng số” – ông Dững chia sẻ.

TS Lại Thị Hải Bình – Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Truyền thông đa phương tiện, Học viện Phụ nữ Việt Nam nhìn nhận, không nên coi sự xuất hiện của mạng xã hội là một thách thức với báo chí chính thống mà cần phải sử dụng mạng xã hội như một cánh tay, một công cụ để truyền thông cho mình.

Theo bà Bình, với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh chóng kịp thời và đa dạng nên mạng xã hội được nhiều người sử dụng. Mỗi chủ tài khoản mạng xã hội đều có thể trở thành nhà báo bằng cách tự đưa tin hoặc chia sẻ tin tức với bạn bè. Theo Tổ chức We Are Social (Vương quốc Anh), số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam vào tháng 1/2023 là 70 triệu người. Báo chí có thể tận dụng tốt ưu thế của mạng xã hội để thu thập thông tin chất lượng, nhanh chóng hoặc tận dụng mạng xã hội như một công cụ đắc lực trong việc truyền thông và tương tác với công chúng. Báo chí cũng có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo trợ giúp công tác nghiên cứu, viết bài hiệu quả hơn cũng như tận dụng để xử lý dữ liệu và đánh giá hành vi công chúng.

Đứng trước sự thay đổi như vũ bão của công nghệ thông tin và truyền thông, bà Bình cho rằng, mỗi phóng viên, nhà báo phải thường xuyên cập nhật công nghệ hiện đại, làm chủ và sử dụng tốt công cụ kỹ thuật số. Xu hướng làm báo đa phương tiện đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhà báo.

Một trong những yêu cầu đó là nhà báo phải thành thạo kỹ năng xử lý ngôn ngữ đa phương tiện, như xử lý văn bản, hình ảnh, âm thanh, các chương trình tương tác. Một nhà báo trong thời đại số phải là nhà báo đa phương tiện, vừa có khả năng kết hợp kỹ thuật công nghệ như chụp ảnh, sáng tạo video, âm thanh, thiết kế đồ họa với ngôn ngữ viết và các phương thức tương tác khác để tạo nên một sản phẩm báo chí hoàn chỉnh. Bên cạnh đó các phóng viên cũng cần trau dồi năng lực và phẩm chất người làm báo cách mạng. Các cơ quan báo chí cũng cần chuyển đổi số, phát triển mô hình tòa soạn đa phương tiện, bổ sung trang thiết bị, công nghệ làm báo đa phương tiện và đặc biệt cần chuyển đổi phương thức sáng tạo nội dung sản phẩm báo chí đáp ứng nhu cầu công chúng hiện đại.

Không chỉ có các nhà báo mà nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo báo chí là phải tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn ở cả 3 yếu tố phẩm chất đạo đức, kiến thức, kỹ năng một cách toàn diện, chuyên nghiệp.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực báo chí truyền thông hiện nay, TS Lại Thị Hải Bình cho rằng, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông phải thay đổi các thức đào tạo, giảm bớt các học phần lý thuyết, tăng cường kỹ năng thực hành nghề nghiệp và ứng dụng công nghệ đa phương tiện trong sáng tạo nội dung. Chương trình đào tạo cần tăng cường thời gian thực hành, thực tập, thực tế tại các cơ quan báo chí truyền thông. Các môn học cần xây dựng theo định hướng ứng dụng, trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên sâu cả về báo chí và công nghệ đa phương tiện. Sinh viên theo học ngành này cần thành thạo kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí đa phương tiện và tương tác tốt trên các nền tảng mạng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạng xã hội và sức ép cạnh tranh của báo chí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO