Mấy tuần qua, thiếu điện trở thành vấn đề cực nóng cả trên nghị trường, báo chí và mạng xã hội. Thông tin và bình luận trên mạng tỏ ra lấn lướt, với tin tức cập nhật liên tục về tình hình cắt điện, mực nước các hồ thủy điện, v.v… và cả những thuyết âm mưu về chủ trương quản lý, vận hành lưới điện. Không ít những thông tin được chứng minh đã sai khi kiểm chứng. Trong khi đó, một số tờ báo đã đi sâu phân tích nguyên nhân của tình trạng thiếu điện này, với cái nhìn rộng hơn, mà nếu đọc kỹ sẽ thấu hiểu bản chất vấn đề mang tính cốt lõi.
So sánh cách truyền thông của hai loại nền tảng cho chúng ta thấy nổi cộm 2 vấn đề: Tốc độ thông tin của mạng xã hội nhanh hơn các kênh chính thống rất nhiều; và sự thiếu chính xác của mạng xã hội chính là cơ hội của báo chí.
Cuộc chiến không cân sức
Ở cái thời thông tin chủ lực là tờ báo hàng ngày, tốc độ của thông tin được tính trong vòng 24 giờ, và những thông tin nóng nhất trong ngày thường được những người bán báo dúi vào tay độc giả bên ly cà phê buổi sáng. Khi các kênh thời sự phát liên tục 24 giờ lên ngôi, tốc độ thông tin vẫn phải phụ thuộc vào khả năng tiếp cận của các phóng viên trên thực địa. Những năm 90, một hãng thông tấn nước ngoài thuê tôi chụp hình thời sự, chúng tôi phải cạnh tranh với các đồng nghiệp khác bằng tốc độ in tráng phim và phát sóng. Báo chí là những nguồn tin duy nhất.
Thế nhưng, trong kỷ nguyên của mạng xã hội, không thể biết tốc độ thông tin thế nào là nhanh nhất nữa. Nó được tính bằng giây. Thậm chí nhiều sự kiện dễ dàng được phát sóng trực tiếp, livestream bằng điện thoại thông minh theo thời gian thực. Báo chí tự nhiên bị mất đi ưu thế tốc độ thông tin.
Với một quy trình xuất bản, xác minh thông tin và kiểm soát nội dung chặt chẽ, một nhà báo không có cách gì đua thông tin với một cá nhân đăng bài trên tài khoản Facebook cá nhân. Anh ta không cần điều tra ngọn ngành, không cần phải phỏng vấn nguồn tin hay kiểm tra chéo thông tin. Thậm chí, anh ta cũng không cần phải chuẩn chỉnh ngôn từ, văn phạm, ngữ pháp, chính tả. Thông tin nhiều khi cũng chỉ là vài chục chữ ngắn ngủi, không qua bất kỳ một khâu kiểm duyệt nào, nó đến thẳng màn hình của vài trăm, thậm chí hàng chục nghìn độc giả trong chớp mắt.
Tôi gọi đó là cuộc chiến không cân sức giữa báo chí và mạng xã hội, giữa một bên là bộ máy đồ sộ với đầy đủ những ràng buộc về nguyên tắc, quy trình, quy chuẩn, và một bên là sự ngẫu hứng, linh hoạt, và nhiều khi không quá câu nệ về trách nhiệm đối với sự xác thực của thông tin.
Độc giả có cần báo chí nữa không?
Hồi đầu tháng 6/2023, Meta – công ty sở hữu Facebook, tuyên bố rằng họ sẽ thử nghiệm hạn chế sự xuất hiện của nội dung báo chí tại Canada, một động thái đáp trả dự luật buộc các tập đoàn công nghệ phải thương lượng trả phí cho các cơ quan báo chí. Nên nhớ rằng, trước đây, công ty này đã từng thoả hiệp ở Pháp và Australia với một chính sách tương tự. Thậm chí, trong những thời kỳ đầu, Facebook còn nghĩ ra các giải pháp công nghệ hỗ trợ báo chí dễ dàng xuất hiện trên nền tảng này. Có một dự án gọi là Facebook Journalism Project ở Mỹ nhằm giúp các tờ báo địa phương có thể sử dụng hiệu quả hệ sinh thái Facebook.
Tại sao Meta/Facebook lại sẵn sàng vứt bỏ một nguồn nội dung như báo chí? Bên cạnh lý do thuần về tài chính, thương mại, tôi cho rằng nền tảng này đã không còn coi trọng giá trị của báo chí. Báo chí không còn là một nguồn nội dung chất lượng cao cần thiết để thu hút và duy trì người dùng.
Đó là điều báo động! Nếu báo chí không chứng minh được giá trị không thể thay thế của mình, ngay ở Việt Nam, báo chí sẽ mất chỗ đứng đối với công chúng. Nếu báo chí chỉ đơn thuần là đưa tin, trong cuộc chiến không cân sức đã nói ở trên, báo chí sẽ mất vị trí độc tôn về thông tin.
Nhưng, có một thực tế rất đáng chú ý: Tính xác tín của truyền thông xã hội là không cao. Chất lượng nội dung, ngoại trừ của một số ít các KOL (người dẫn dắt tư duy trên mạng), cũng không thể so sánh với báo chí, những người được đào tạo để tạo ra những sản phẩm thông tin chuyên nghiệp, có chiều sâu và khai thác thông tin độc lập, đa chiều.
Nguyên lý thiết lập mạng xã hội khiến người dùng hầu như chỉ có thể tiếp cận với loại nội dung phù hợp với quan điểm, thiên kiến, tư duy của chính mình. Nhiều nội dung không thể tiếp cận đến độc giả, và độc giả cũng khó tiếp cận với các luồng thông tin trái chiều hoặc mâu thuẫn với thiên kiến của họ. Nói cách khác, cộng đồng mạng vẫn cần những kênh truyền thông được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung, hình thức, và nhất là có độ chính xác, đáng tin cậy và đa chiều.
Làm thế nào để báo chí lấy lại vị thế của mình?
Trở lại với câu chuyện đầu tiên của chúng ta, nếu chỉ được báo chí khai thác ở khía cạnh thông tin đơn thuần, về những trăn trở, bức xúc của người dân, về những chất vấn ngành điện, thì cũng không khác gì mạng xã hội. Nhưng, những cơ quan thông tin chỉ có một người đó sẽ không thể cung cấp cho bạn đọc một bức tranh tổng quát về sự mất cân đối giữa nhu cầu và nguồn cung ứng điện, thấu hiểu về khả năng phát triển thực sự của năng lượng tái tạo, hay là các giải pháp căn cơ để giải quyết căn bệnh trầm kha…
Loại nội dung này được gọi là thông tin chất lượng cao. Nó không đến từ cuộc đua tốc độ thông tin, mà từ cách tiếp cận sâu rộng, có đầu tư bằng nghiệp vụ báo chí và bằng tầm vóc của người làm báo. Nó chỉ có được với “báo chí chậm” (slow journalism), tức là sự trầm tĩnh, khách quan và tầm nhìn bao quát của báo chí.
Xét cho cùng, độc giả cần những nguồn thông tin đáng tin cậy. Những kênh báo chí nào chứng minh được tính khách quan, trung thực, tư duy độc lập là những kênh có thể kiến tạo niềm tin đối với bạn đọc. Niềm tin đó không có được nếu chỉ thông qua một vài sản phẩm báo chí. Nó được xây dựng bền bỉ, qua một quá trình được chứng minh thực tiễn, với một triết lý thông suốt từ lãnh đạo đến từng cây bút.
New York Times, một tờ báo nêu cao triết lý mang đến sự thật, đang là một hình mẫu đáng thèm muốn của nhiều cơ quan báo chí. Doanh thu từ độc giả, hơn 1,55 tỷ USD năm 2022, đã vượt qua doanh thu quảng cáo (vào khoảng 523 triệu USD năm 2022), trở thành tờ báo đầu tiên trên thế giới có thể phát triển mạnh mẽ dựa trên chất lượng nội dung của nó.
Xu hướng phát triển và thống trị của truyền thông xã hội là xu hướng chung của thế giới. Việc lấy lại vị thế của báo chí không hề đơn giản, và đòi hỏi nỗ lực chung của toàn ngành. Tuy vậy, mỗi cơ quan báo chí phải tìm ra và lựa chọn một thế mạnh đặc trưng nhất định, để tạo ra sự khác biệt với truyền thông cá nhân.