Điều chỉnh chương trình môn Lịch sử: Thi cử, kiểm tra, đánh giá thế nào?

Nguyễn Hoài 08/08/2022 13:52

Bộ GDĐT đã ban hành thông tư điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử. Thay đổi từ tự chọn sang bắt buộc, môn học này có làm khó giáo viên, các trường khi lộ trình thực hiện đang rất gấp để kịp triển khai ngay trong năm học này ở lớp 10.

Bảo đảm phát triển nhân cách cho học sinh

Theo Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT, Bộ điều chỉnh một số nội dung trong Chương trình tổng thể và Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử bảo đảm yêu cầu “thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh”.

Môn học Lịch sử từ môn học lựa chọn thuộc nhóm môn Khoa học xã hội trở thành môn học bắt buộc. Như vậy, chương trình có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng và An ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Điều chỉnh số môn học lựa chọn còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn. Học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn. Các môn lựa chọn gồm: Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mĩ thuật.

Đối với Chương trình môn Lịch sử cấp THPT: Môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh, có thời lượng là 52 tiết/năm (được điều chỉnh từ thời lượng 70 tiết/năm). Chuyên đề học tập lựa chọn Lịch sử gồm 35 tiết/năm (Theo Thông tư 32/2018).

Thông tư cũng nêu rõ, việc điều chỉnh chương trình đảm bảo sử dụng được SGK lớp 10 đã biên soạn. Giáo viên đã được tập huấn thực hiện chương trình 70 tiết/năm, nên đủ năng lực để dạy 52 tiết/năm (trong số 70 tiết/năm). Bộ GDĐT sẽ tiếp tục tập huấn giáo viên cốt cán để triển khai tập huấn đại trà.

Giải pháp phù hợp thực tiễn

Thông tin về những điều chỉnh trên, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Trưởng ban Phát triển chương trình môn học Lịch sử cấp THPT khẳng định, những điều chỉnh dựa trên nguyên tắc tuân thủ mục tiêu, quan điểm xây dựng chương trình của Chương trình GDPT 2018 và đặc điểm môn Lịch sử.

“Những điều chỉnh sẽ không làm thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành, củng cố kiến thức phổ thông ở giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh hiểu sâu hơn kiến thức cốt lõi qua các chủ đề nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học. Việc điều chỉnh dựa trên cơ sở chuyển từ môn học lựa chọn mang tính định hướng nghề nghiệp trở thành môn học bắt buộc cho tất cả đối tượng học sinh đại trà, do đó sẽ tinh giản một số chủ đề, nội dung, mức độ yêu cầu cần đạt cho phù hợp với học sinh đại trà”, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cho biết.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Lần điều chỉnh này cần bàn thật kỹ, tránh việc làm xong rồi lại có ý kiến sao giảm nội dung này, giữ nội dung kia”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, chuyên viên Sở GDĐT tỉnh Nghệ An, thời điểm này không nên có những thay đổi quá phức tạp.

Bà Thủy cho rằng, việc giảm chủ đề, giảm nội dung và điều chỉnh thuật ngữ rất quan trọng nhưng tránh cắt theo kiểu cơ học. Chỉnh sửa theo hướng tinh giản để học sinh có cái nhìn tổng thể về lịch sử, về các cuộc cách mạng của dân tộc. Cố gắng giữ nguyên cấu trúc những nội dung định hướng nghề nghiệp của lớp 10, nhằm trang bị kiến thức cốt lõi và nền tảng gắn với định hướng nghề nghiệp cho những em có nhu cầu.

Trước câu hỏi thay đổi từ tự chọn sang bắt buộc, môn học này có làm khó giáo viên khi lộ trình thực hiện đang rất gấp để kịp triển khai ngay trong năm học này ở lớp 10, thầy Lê Đình Hiển, giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường liên cấp Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cho rằng, việc Lịch sử trở thành môn bắt buộc, theo Thông tư 13/2022 thực chất là làm giảm số môn học tự chọn trong các tổ hợp. Còn số tiết thì không thay đổi, do vậy chương trình cũng không cần phải biên soạn lại.

Với môn Lịch sử, khi trở thành môn bắt buộc với 52 tiết/năm học thì chương trình dạy học còn nhẹ nhàng hơn là chương trình tự chọn (giảm 18 tiết) nên theo thầy Hiển, điều chỉnh này sẽ không gây khó khăn cho giáo viên và học sinh, việc triển khai chương trình cũng sẽ diễn ra bình thường. SGK cũng không bị xáo trộn và thay đổi nhiều.

“Tôi nghĩ đây hoàn toàn là giải pháp phù hợp và có ý nghĩa thực tiễn khi năm học mới đã đến”, thầy Hiển nêu quan điểm.

Tuy nhiên, thầy Hiển cũng cho hay, điều băn khoăn duy nhất của giáo viên hiện nay là Bộ GDĐT nên sớm ban hành những quy định liên quan đến thi cử, kiểm tra, đánh giá với môn Lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều chỉnh chương trình môn Lịch sử: Thi cử, kiểm tra, đánh giá thế nào?