Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/8 tới đây. Nghị định quy định rõ các mức phạt đối hành vi thu gom, thải rác thải trái quy định về bảo vệ môi trường, bao gồm cá nhân; cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Phạt tiền nhằm mục đích điều chỉnh hành vi, xây dựng thói quen văn minh, bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp.
Cụ thể, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển...
Những mức phạt đó được hiểu là dảnh cho cá nhân vi phạm, còn với cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường, mức phạt sẽ khác. Cụ thể: Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi không có biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý cho mỗi lần chuyển giao theo quy định. Phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng đối với hành vi không phân loại tại nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; thiết bị, dụng cụ lưu chứa chất thải rắn công nghiệp thông thường không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Quy định tại Nghị định 45 của Chính phủ đã nhận được sự đồng thuận rộng rãi, vì chuyện xả rác tưởng như nhỏ nhưng ảnh hưởng xấu tới môi trường, là hành vi thiếu văn minh, nhất là tại các đô thị.
Trong các khu dân cư, chuyện rác lắm khi gây mất đoàn kết. Hàng xóm láng giềng mặt nặng mày nhẹ với nhau cũng vì rác. Lắm người “gửi nhờ” rác bên hông nhà hàng xóm, chỉ biết sạch nhà mình còn nhà người khác mặc kệ, môi trường chung cũng mặc kệ nốt. Những túi rác ấy không biết của ai lén để lúc nào nên sinh ra nghi kị lẫn nhau, nhìn ai cũng nghĩ là thủ phạm. Từ đó mất đoàn kết.
Còn thì người đi đường vứt rác bất kể chỗ nào từ lâu vẫn được coi là... chuyện thường. Nhưng “chuyện thường” ấy làm bẩn vỉa hè, đường phố, mất vệ sinh và mất mỹ quan đô thị. Tại nơi làm việc, hay nơi đông người, kể cả trong khuôn viên bệnh viện, nhiều người hút thuốc lá cũng lại vô tư gẩy tàn, vứt đầu mẩu để thiên hạ chịu chung.
“Lấy nước làm sạch”, không ít người đổ rác xuống ao hồ, vứt cả túi nilon để mặc chúng nổi lều phều trên mặt nước. Không chỉ mất mỹ quan mà nguồn nước mặt cũng như nước ngầm cũng bị ô nhiễm vì rác. Suy cho cùng chuyện rác cũng chính là ý thức và hành vi của con người.
Đối với cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp xây dựng... cũng thiếu ý thức khi xả rác bừa bãi, tập trung rác lưu cữu ngày này sang ngày khác không chịu dọn; có khi còn thuê xe vận chuyển rác đi nơi khác đổ trộm. Ngay cả bệnh viện, tới nay dù đã tiến bộ nhiều nhưng người dân vẫn hãi khi nhắc tới cụm tù “ao bệnh viện”, cũng vì ô nhiễm đáng sợ do xả thải.
Những hành vi ấy cần phải được điều chỉnh, nhắc nhở mãi không xong thì phải phạt, mà ở đây là phạt tiền. Tuy nhiên, cũng không dễ vì hành vi vi phạm như vứt rác ra đường phố chẳng hạn, diễn ra rất nhanh, khó bị bắt tận tay. Trong khi chính quyền địa phương cũng chỉ tổ chức “ra quân” lập lại trật tự vệ sinh môi trường theo đợt. Ai sẽ là người có quyền phạt, biên lai phạt ra sao, tiền đó nộp vào đâu, dùng vào việc gì, nếu người vi phạm không chấp hành nộp phạt thì sao... Vì thế, để quy định khả thi thì cần rất chi tiết và truyền thông rộng rãi, liên tục để mọi người cùng biết.
Không dễ nhưng quy định phạt tiền với những hành vi xả rác ra môi trường vẫn cần sớm tiến hành, để nâng cao trách nhiệm của người dân, của các tổ chức nhằm xây dựng nếp sống văn minh. Việc xử phạt hành chính để điều chỉnh hành vi cũng là để tạo ra ý thức giữ gìn vệ sinh, mỹ quan môi trường của mỗi người, từ trong gia đình đến đường phố, nơi công cộng. Khi ý thức được hình thành thì đó mới căn bản, bền vững.