Khối lượng rác phát sinh hàng ngày tại Thủ đô Hà Nội lên đến 6.500 tấn/ngày, trong đó lượng chất thải nhựa chiếm 17,14%. Tuy nhiên, mới chỉ có 2% nhựa được tái chế, còn lại rác thải nhựa đều bị thải ra môi trường.
Báo động rác thải nhựa
Chia sẻ tại hội nghị “Tăng cường thu gom, tái chế rác thải nhựa nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật và Công nghệ, Tổng công ty URENCO cho biết, khối lượng rác phát sinh hàng ngày tại Thủ đô Hà Nội lên đến 6.500 tấn/ngày, trong đó lượng chất thải nhựa chiếm 17,14%. Ước tính đến nay trên địa bàn Hà Nội, mới chỉ có 2% nhựa được tái chế, còn lại rác thải nhựa đều bị thải ra môi trường.
Nêu lên nhiều khó khăn trong việc phân loại và xử lý rác thải nhựa, đại diện URENCO thừa nhận rằng đặc thù rác thải nhựa thường cồng kềnh, khó vận chuyển và lưu trữ. Nhà nước chưa có kinh phí trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn cũng như gói hỗ trợ ưu đãi trong việc đầu tư hệ thống tái chế. Hơn nữa, nhận thức của cộng đồng trong việc phân loại rác và sử dụng vật phẩm tái chế còn hạn chế, trong khi chính quyền chưa thực hiện xử phạt các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường.
Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, số lượng tiêu thụ nhựa ở Việt Nam đã tăng lên chóng mặt, từ 3,8 kg/người/năm lên đến 41 kg/người/năm. Đáng báo động, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Song, chỉ có khoảng 11-12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế. Số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Điều này dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt đe dọa ô nhiễm đại dương.
Riêng trong rác thải y tế có khoảng 5% là rác thải nhựa. Mỗi ngày, có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế, trong số đó lẫn với rác thải nguy hại (thuốc, hóa chất...). Thu gom, tái chế và chôn lấp loại rác thải nhựa này đều ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường.
“Thu gom và phân loại được xem là vấn đề then chốt để giúp tăng tỷ lệ tái chế, ứng dụng công nghệ để có thể tái chế nhiều loại rác thải hơn cũng như tăng năng suất tái chế. Vì vậy, cần có sự tham gia của nhiều bên trong chuỗi giá trị để đầu tư giải pháp về tài chính, cơ sở hạ tầng và hành vi người tiêu dùng. Nhà nước cần ban hành chính sách, luật chặt chẽ hơn về rác thải nhựa để người dân và doanh nghiệp tuân thủ” - bà Thanh đề xuất.
Người gây ô nhiễm phải trả tiền
Để thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, theo các chuyên gia “trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)” là một trong những công cụ có mối quan hệ mật thiết và cũng là một động lực để thúc đẩy và duy trì nền kinh tế tuần hoàn. Điều này đã được quy định chi tiết trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn 1 trong 4 hình thức: Tự mình thực hiện tái chế; thuê các đơn vị có chức năng tái chế; liên kết với nhau thành lập tổ chức đại diện thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất để tổ chức hoạt động tái chế; đóng góp kinh phí cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để tổ chức tái chế.
Theo ông Nguyễn Thi - Chuyên viên chính Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, EPR là một trong những giai đoạn quan trọng của mô hình kinh tế tuần hoàn, nhưng có tác động đến toàn bộ các khâu của mô hình kinh tế tuần hoàn từ việc thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm, kéo dài vòng đời sản phẩm, tái sử dụng, tái chế sản phẩm.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của EPR, ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI, chi nhánh Đà Nẵng nhấn mạnh rằng, EPR là một chính sách môi trường dựa trên nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. EPR khuyến khích người sản xuất cân nhắc đến vấn đề môi trường ngay từ khi có ý tưởng đến thiết kế, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nội hóa chi phí quản lý chất thải vào trong chi phí sản phẩm.
Cùng với việc thực thi EPR để khắc phục rác thải nhựa ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nên có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ các lĩnh vực giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa; sử dụng vật liệu thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; công nghệ tái chế rác thải túi nilon, rác thải nhựa. Đặc biệt, thay thế túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Còn theo ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TPHCM, việc phân loại, thu gom phế liệu cần giải quyết ngay vấn đề này trước khi nói về công nghệ tái chế. Hiện rất nhiều nước có biện pháp thu gom phế liệu phân loại như đổi lấy quà, hay được mua lại, vừa có thưởng vừa có phạt. Do đó, chúng ta cần có những chính sách sát hơn, có lợi cho người thu gom, phân loại... từ đó thực hiện tốt khâu phân loại rác.