Đây là đề nghị được đưa ra tại Tọa đàm “Tiền lương không đủ sống và những hệ lụy” do Oxfam tổ chức sáng ngày 26/2 tại Hà Nội.
Theo bà Nguyễn Thị Lê Hoa – Phó Giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam, lương đủ sống là mức lương thấp nhất được trả cho một người làm việc toàn thời gian đủ để trang trải những chi phí cơ bản cần thiết; bao gồm thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, các tiện ích, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội, cùng với một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai và các sự việc bất khả kháng xảy ra.
Tuy nhiên, khảo sát tiền lương của công nhân ngành may do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng với Oxfam thực hiện tại 6 doanh nghiệp may gần đây cho thấy, tính cả tiền làm thêm giờ, 99% thấp hơn lương đủ sống. Phần lớn công nhân được khảo sát cho rằng không đủ tiền trang trải nhu cầu sinh hoạt, hiếm khi có thời gian đi thăm người thân hoặc bạn bè; lo lắng về an toàn, học hành và dinh dưỡng của con cái trong thời gian họ ở nhà máy. 1/3 số công nhân được khảo sát cho biết không tiết kiệm được tiền, luôn trong tình trạng vay nợ…
Vì lương không đủ sống nên công nhân phải vật lộn làm thêm giờ để cải thiện đời sống, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. 65% công nhân phải làm thêm giờ, 69% trong số đó hay bị đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, tụt huyết áp…đau đốt sống cổ do ngồi nhiều và cúi nhiều. 36% công nhân cho biết bị một trong các bệnh hen suyễn, dạ dày, huyết áp, tiểu đường, tim. Báo cáo cũng chỉ ra, có tới 53% công nhân được khảo sát không đủ tiền trang trải chi phí khám chữa bệnh và thuốc men.
Ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nghiên cứu này đã chỉ ra nhiều mặt cần điều chỉnh liên quan đến tiền lương của công nhân ngành may. Công đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp có các giải pháp để điều chỉnh lương, giúp cải thiện đời sống cho người lao động.
Trên thực tế, bình đẳng trong trả công là một trong những điều kiện tiên quyết đối với bình đẳng giới. Chỉ khi lao động nam và nữ được trả công bình đẳng, họ mới phát huy động lực để tham gia đóng góp cũng như hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo đánh giá của các chuyên gia, bất bình đẳng trong trả công ở Việt Nam bắt nguồn một phần từ những hạn chế của khung pháp lý về lao động hiện hành, đặc biệt đối với lao động nữ. Do vậy, việc sửa đổi khung pháp lý hiện hành là một bước cần thiết để tiến tới bình đẳng trong trả công tại Việt Nam.