Tại Hội nghị góp ý vào Dự thảo Tờ trình, Quy định của Bộ Chính trị về Kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, có ý kiến đề xuất, cần xem xét lại quy định 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì xem xét điều chuyển nên rút thời gian xuống còn 1 năm đối với người đứng đầu.
Trao đổi với ĐĐK, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất trên bởi như vậy sẽ nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng: Việc cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ có nhiều lý do, không chỉ do năng lực và tinh thần trách nhiệm mà còn có các yếu tố khác. Trong Luật Cán bộ công chức quy định, cán bộ 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì xem xét, điều chuyển. Trong đó 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ, và 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực còn hạn chế thì có thể bị xem xét để điều chuyển. Sắp tới trong đề nghị sửa Luật Cán bộ công chức thì không còn tiêu chí “hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực hạn chế” nữa mà chỉ còn hoàn thành nhiệm vụ. Bởi nhiều người có ý kiến, không thể đã hoàn thành nhiệm vụ mà năng lực lại hạn chế. Nếu thế sẽ dẫn đến nâng tất cả thành hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Đối với cán bộ, Đảng đã quy định 4 mức để đánh giá phân loại cán bộ như: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, và không hoàn thành nhiệm vụ. Luật Công chức viên chức sau này sẽ điều chỉnh về đánh giá phân loại cán bộ. Không còn mức “hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực còn hạn chế”, và lúc đó chỉ có hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy sẽ rõ ràng hơn trong việc đánh giá và xem xét điều chuyển cán bộ” - ông Dĩnh nhìn nhận.
Theo ông Dĩnh, nếu quy định 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ xem xét điều chuyển và áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu là phù hợp. Vì đã là lãnh đạo thì tinh thần trách nhiệm phải khác, yêu cầu phải cao hơn. Người đứng đầu mà không hoàn thành nhiệm vụ sẽ gây ảnh hưởng lớn, làm cho cả tổ chức đó không hoàn thành nhiệm vụ. Còn công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ gây ảnh hưởng ở một mức độ nào đó thôi. Một tổ chức mà thủ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ thì cả tổ chức đó sẽ không hoàn thành nhiệm vụ bởi lãnh đạo gắn với kết quả của đơn vị. Phân loại đánh giá phải theo kết quả đơn vị. Kết quả đơn vị kém, mà thủ trưởng lại là xuất sắc, hay hoàn thành tốt nhiệm vụ là không được.
“Người đứng đầu phải gắn với kết quả của đơn vị, đã không hoàn thành nhiệm vụ thì đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ, và nó ảnh hưởng lớn tới tổ chức vì nó khác với một công chức bình thường. Việc đánh giá phân loại cán bộ sắp tới sẽ được điều chỉnh trong Luật Công chức viên chức sửa đổi, không còn quy định hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực còn hạn chế nữa mà theo quy định của Đảng là chỉ có 4 mức. Cho nên việc rút xuống 1 năm đối với cán bộ lãnh đạo là phù hợp hơn áp dụng chung với cả cán bộ công chức” - ông Dĩnh cho hay.
Riêng về phần đánh giá xếp loại đối với cán bộ công chức, theo ông Dĩnh vẫn nên giữ ở mức 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ như quy định hiện nay. Bởi đánh giá công chức có nhiều lý do, cho nên nếu áp dụng 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ mà điều chuyển thì hơi căng vì còn các yếu tố như: Sức khỏe, hoàn cảnh gia đình tác động. Còn riêng người đứng đầu nếu vì yếu tố sức khỏe mà không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng sẽ ảnh hưởng đến cả 1 tổ chức. Do đó chúng ta nên tính và áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Một người lãnh đạo không hoàn thành dù kể cả do sức khỏe cũng sẽ kéo theo cả một tổ chức, cả một hệ thống. Mà cả một tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Ông Dĩnh cũng nhìn nhận rằng, quy định cán bộ chủ chốt, người đứng đầu 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ được xem xét, điều chuyển sang nhiệm vụ khác sẽ nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu và bộ máy sẽ chuyển. “Lúc đó yêu cầu đặt ra là các đồng chí lãnh đạo phải đều hoàn thành nhiệm vụ trở lên. Có như vậy, bộ máy mới chuyển và nâng cao hơn nữa được trách nhiệm của người đứng đầu và phù hợp với tình hình hiện nay”-ông Dĩnh nói.