Thời trang là một thứ ngôn ngữ, một vài người biết, một vài người học, một vài người chẳng bao giờ học vì thời trang phản ánh bản năng và tính cách con người. Ngày nay, có không ít người chạy theo trào lưu để cho thời trang dẫn dắt mù quáng, một vài người lại dựa theo những chuẩn mực của thời trang để đánh giá về phẩm chất, đạo đức của người đối diện. Vậy, chung quy thời trang có hay không những giới hạn?
Thời trang – lĩnh vực đa màu sắc
Thời trang từ lâu đã không còn những giới hạn xoay quanh định nghĩa về quần áo mà còn là cách để mỗi người thể hiện cái tôi và cá tính của mình. Chính vì vậy, khi xã hội trở nên rộng mở hơn đi kèm với việc các bản dạng giới và xu hướng tính dục khác nhau, thời trang cũng bộc lộ tính muôn hình muôn vẻ, đa sắc màu của nó. Điều này trực tiếp thể hiện lên xu hướng thời trang và cách mỗi người lựa chọn trang phục hàng ngày.
Trong bối cảnh các nền văn hóa phương Đông và cả phương Tây tự do du nhập vào nước ta, văn hóa thời trang trở nên đa sắc màu hơn bao giờ hết. Cũng chính vì sự du nhập giữa các nền văn hóa vô tình làm cho thời trang dễ dàng phá bỏ những nguyên tắc thuộc về chuẩn mực, về văn hóa truyền thống.
Chính vì lẽ này mà ngày nay, những mặt trái của ngành thời trang dần bộc lộ một cách rõ nét hơn. Trong đó, vấn đề nổi cộm lên vẫn là phong cách ăn mặc và việc đạo nhái ý tưởng. Sẽ không có gì đáng nói nếu như sự phá cách nằm trong khuôn khổ những quy tắc, chuẩn mực của xã hội. Thế nhưng, vượt ra khỏi tầm kiểm soát, có không ít người rơi vào tình trạng bị thời trang dẫn dụ một cách mù quáng. Theo đuổi xu hướng không phù hợp sẽ tạo nên những lệch chuẩn vô văn hóa, đi theo đó là những vấn đề xã hội phát sinh để lại hậu quả vô cùng nặng nề.
Đáng nói của việc dễ dãi trong thời trang đó là chuyện vay mượn hoặc đạo nhái ý tưởng thiết kế. Vốn không phải là vấn đề mới song vay mượn và đạo nhái ý tưởng - chuyện xưa như trái đất nhưng thời gian gần đây vẫn nổi lên một vài vấn đề gây nhức nhối, chưa có lời giải đáp. Việc các mẫu mã từ các thương hiệu nổi tiếng xuất hiện tràn lan ở khu chợ cóc đến trung tâm thương mại bậc nhất khiến không ít người sững sờ.
Thậm chí, có những thương hiệu nổi tiếng không ít lần tỏ rõ sự bức xúc, phẫn nộ lên tiếng “tố cáo” nhà thiết kế (NTK) ăn cắp ý tưởng vì những thiết kế trông tương tự mẫu của thương hiệu mình. Vốn không có những giới hạn nhất định nên khi có hàng trăm, hàng nghìn mẫu thiết kế được các NTK vô tư đạo nhái thương hiệu, các nhãn hàng chính vẫn chỉ biết ngậm ngùi cay đắng chấp nhận.
Trước những vấn đề gây nhức nhối của ngành thời trang trong suốt thời gian dài, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, NTK Công Trí cho rằng, ngành thời trang có một số mẫu trang phục căn bản, hoặc đã được sử dụng nhiều đến mức được xem là căn bản, chẳng hạn như áo sơ mi, quần tây, váy chữ A, váy xoè... Khi một nhà thiết kế sử dụng những nguyên liệu căn bản đó để sáng tác, nhiệm vụ của họ là mang đến điều mới mẻ, thể hiện tính sáng tạo - có thể là sáng tạo về chất liệu, về cách xử lý, màu sắc...
“Trong đó quan trọng nhất theo tôi là cách từng NTK đặt vấn đề, cách triển khai ý tưởng và gout thẩm mỹ của từng cá nhân. Ý tưởng lớn có thể gặp nhau, hoặc do xem quá nhiều tài liệu, hình ảnh hay quá yêu thích phong cách của một NTK nào đó, các thiết kế có thể mang dáng dấp tương tự nhau nếu chỉ nhìn bằng mắt thường”, NTK Công Trí nói.
Chính vì vậy, để kết luận chính xác một thiết kế có phải là một bản sao của thiết kế khác hay không cần rất nhiều kiến thức chuyên môn và dẫn chứng xác đáng. Bởi, thiết kế vốn là phạm trù khó lòng cân đo đong đếm…
Thời trang có hay không những giới hạn?
Đi tìm câu trả lời cho những định nghĩa mong manh về thời trang, PV Báo Đại Đoàn Kết Online đã liên hệ với NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam. Với kinh nghiệm của một NTK có nhiều năm hoạt động trong làng thời trang và đã từng giành nhiều giải thưởng, anh có dịp chia sẻ thêm về tình yêu nghề, những trăn trở với ngành thiết kế thời trang trong nước và quốc tế.
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cho rằng, thời trang là sự thể hiện thẩm mỹ phổ biến tại một thời gian, địa điểm cụ thể, trong một bối cảnh cụ thể bằng cách sử dụng quần áo, giày dép, lối sống, phụ kiện, cách trang điểm, kiểu tóc và tỷ lệ cơ thể… Thời trang không chỉ bao gồm quần áo, rộng hơn nữa là sự phối kết hợp của những phụ kiện với nhau. Ngày nay nhờ công nghệ mà thời trang phát triển hơn, hoàn thiện hơn và phổ biến rộng rãi hơn.
“Trong xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nhịp sống hiện đại và “cơn lốc” thị trường khiến cho những giá trị văn hóa truyền thống trở nên mờ nhạt. Cũng chính vì điều này mà có một số bộ phận những cá nhân làm trong ngành thiết kế thời trang, vì muốn tạo dấu ấn mà tạo nên những bộ trang phục phá cách đến mức quên đi những giá trị cốt lõi vốn có”, NTK Hoài Nam nhận định.
Nhớ lại hành trình từ thủa đầu tiên chập chững “nuôi” đam mê với công việc thiết kế thời trang, NTK Hoài Nam chia sẻ thời trang ngày trước và bây giờ đã có sự thay đổi.
“Nếu như trước đây, các mẫu thiết kế thường được dựa trên những chất vải nhập khẩu từ nước ngoài thì ngày nay các NTK có muôn vàn chất liệu để tạo nên một bộ trang phục. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, ngày nay ngành thời trang trong nước đang dần xóa bỏ những rào cản vô hình góp phần quan trọng trong việc làm đẹp cho con người. Đáp ứng nhu cầu được ‘ăn ngon – mặc đẹp’, thoả mãn cuộc sống của mỗi cá nhân.
Hơn ai hết thời trang được ra đời như một quy luật tất yếu, giúp con người thể hiện cái tôi, sự tự tin của bản thân thông qua phong cách riêng biệt. Thời trang cũng trở thành một công cụ hoàn hảo giúp con người diễn đạt. Chúng ta cảm nhận thời trang theo nhiều phương diện khác nhau nhưng tính thẩm mỹ lại là mấu chốt của những cuộc tranh luận”, NTK Hoài Nam nhìn nhận.
Trả lời trọng tâm mấu chốt câu hỏi: “Có hay không những giới hạn khi thiết kế thời trang?”, NTK Hoài Nam cho biết giới hạn của thời trang phụ thuộc vào bàn tay và khối óc của NTK. Mỗi một NTK thời trang cần đặt ra những câu hỏi để vạch ra giới hạn trước khi bắt tay thực hiện bộ trang phục. NTK Hoài Nam cho hay muốn sản phẩm của mình có giá trị trước hết NTK phải làm việc bằng cái tâm và cái tầm của người làm nghề.
“Thật ra mà nói đôi khi có những NTK bị cụt đi ý tưởng và thiếu đi nguồn cảm hứng mới, vì vậy họ bị bí, không có lối thoát nên muốn làm một điều gì đấy để đổi mới, tuy nhiên sản phẩm của họ lại đi lệch lại với những chuẩn mực của xã hội, chạy theo đồng tiền và bị thời trang dẫn dắt một cách mù quáng. Chính vì vậy trước khi thiết kế trang phục, mỗi một NTK cần trả lời các câu hỏi anh thực hiện bộ trang phục đấy cho ai? Mặc vào lúc nào? để thực hiện cho phù hợp với môi trường. Bên cạnh đó, NTK cần chú trọng đặt trách nhiệm cho xã hội lên hàng đầu. Không nên vì thỏa mãn cái tôi mà chạy theo xu hướng một cách bất chấp, lố bịch”, NTK Hoài Nam khẳng định.