Độ nông sâu của cuộc sống không phải là sự đầy đủ hay thiếu thốn, nhiều hay ít, cao hay thấp, đa dạng hay đơn điệu... mà độ nông sâu có ý nghĩa triết học, sâu sắc và hướng tới chân lý.
Minh họa: Pawel Kuczynskis.
1. Độ nông sâu của nghệ thuật
Độ nông sâu trong cuộc sống tôi cũng thấy cha ông ta nói đến nhiều. Nội dung của nó tất nhiên là để hướng tới độ sâu, mà như bây giờ chúng ta thường gọi là chất lượng cuộc sống. Độ nông sâu của cuộc sống không phải là sự đầy đủ hay thiếu thốn, nhiều hay ít, cao hay thấp, đa dạng hay đơn điệu... mà độ nông sâu có ý nghĩa triết học, sâu sắc và hướng tới chân lý. Còn gì sâu hơn lời dạy của ông cha ta đối với mỗi con người: "Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa". Vâng, tu tại gia mới là khó nhất, chứ vào chùa thì chỉ việc ăn chay niệm Phật, gõ mõ tụng kinh, sẽ dễ hơn tu tại gia nhiều. Đó là một thái độ sống cao nhất, có trách nhiệm với mọi người, với cuộc đời. Ông cha ta còn dạy cả thái độ ứng xử của người quân tử, vẫn với lời khuyên nhập thế, giống như khuyên tất cả mọi người ở câu trên: "Ẩn giữa núi rừng chỉ là tiểu ẩn, ẩn giữa triều đình mới là đại ẩn". Bởi trốn đời, thì còn làm gì được cho đời, mà phải ở giữa cuộc đời, ở trung tâm cuộc đời mới có thể có thời cơ cứu nhân độ thế. Cũng từ dòng ý nghĩ cao sâu ấy mà đại thi hào Nguyễn Du đã viết: "Tài tri vô tự thị chân kinh" (Kinh không còn chữ mới là chân kinh)...
Ở điểm này, ứng vào thế giới văn chương nghệ thuật, Tố Như tiên sinh đã chạm tới độ sâu sắc nhất. Ở phía Tây bán cầu, đại văn hào nước Anh Sếchxpia, qua lời hoàng tử Hămlét trong vở kịch cùng tên, đã nói: "Chữ, chữ, toàn là chữ...". Vâng, văn chương nghệ thuật phải không còn chữ thì mới là văn chương. Nhưng làm thế nào để cho chữ biến đi thì không phải là chuyện dễ. Muốn làm cho chữ biến đi phải làm cho chữ lung linh, chữ có hồn chứ không phải là làm xiếc chữ nhào lộn, lật ngược. Làm xiếc chữ nhào lộn thì chữ không biến đi mà nó thành những chữ kỳ quái, chữ ma, dị hình dị tướng. Theo tôi, muốn làm cho chữ biến đi thì tất cả phụ thuộc vào tài năng. Danh họa Picátsô (Tây Ban Nha) chỉ ký họa chim hòa bình bằng một nét bút mà có giá trị hơn nhiều những bức phù điêu hoành tráng cùng đề tài. "Chim hòa bình" của Picátsô đã bay từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, nó không còn là chữ, là màu nữa.
Thực ra thì các vĩ nhân cổ kim Đông Tây cũng đều thống nhất với nhau thôi. Thời hiện đại, thi sĩ Chế Lan Viên cũng viết:
Chỗ này sâu ư? Không, chỉ là nước đục ngầu
Chỗ này cạn ư? Không, chính vì nước trong nên ta nhìn thấy đáy
Chỗ sâu cạn trong thơ là thế đấy!
Một thời các nhà sáng tác và phê bình văn chương đã trao đổi và tranh luận mục đích của văn chương là phản ánh hiện thực hay chiêm nghiệm hiện thực? Thực ra thì mục đích của văn chương không phải để phản ánh hiện thực, cũng không phải là để chiêm nghiệm hiện thực, mà nó phải là tấm gương phản chiếu thời đại, mà là phản chiếu theo đặc tính của văn chương. Đó là độ sâu của những tấm gương nghệ thuật. Đừng bắt nó phải như thật. Còn tất nhiên nó phải đẹp. Đẹp nhưng không phải do tô điểm. Những tác phẩm đạt đến mức là tấm gương phản chiếu thời đại không nhất thiết phải là những tiểu thuyết có dung lượng đồ sộ, mà là những tác phẩm mang tâm hồn điển hình của thời đại ấy, dưới một hình thức nghệ thuật đặc sắc. Như: Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Điêu tàn (Chế Lan Viên), Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh), Thơ Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Tố Hữu...
Còn các nhà phê bình văn chương nghệ thuật cũng vậy. Từ xưa, ở lĩnh vực này, các danh nhân đã chỉ ra: "Đọc bằng mắt thì văn chương chỉ thấm vào da thịt; đọc bằng tâm thì văn chương thấm vào gan ruột; đọc bằng thần thì văn chương thấm vào cốt tủy". Có thể thấy, nhiều bài đọc sách tràn lan trên các báo chỉ là những bài đọc bằng mắt. Nó ở độ nông nhất của phê bình. Những bài phê bình ở các chuyên mục "Tác phẩm và dư luận" của một số tờ báo, tạp chí chuyên ngành văn chương, có nhiều bài đọc bằng tâm. Còn những bài phê bình đọc bằng thần thì tôi thấy rất hiếm. Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh chính là những bài đọc bằng thần vậy.
Thực ra, trong một nền văn chương cũng không có được nhiều tác phẩm là "tấm gương phản chiếu thời đại" và cũng không có được mấy tác phẩm phê bình đạt đến mức "đọc bằng thần". Đó là những tác phẩm đạt độ sâu nhất của nghệ thuật. Nhưng làm sao để sáng tác và phê bình có được những tác phẩm như thế luôn là đích hướng tới. Thế kỷ XX, ở Việt Nam, những tác phẩm văn chương đạt ở mức là "tấm gương phản chiếu thời đại" chỉ có độ vài ba chục tác phẩm. Còn tác phẩm phê bình đạt ở mức "đọc bằng thần" thì ngoài Thi nhân Việt Nam, tôi chưa thấy có tác phẩm thứ hai.
2. Chuẩn mực văn chương
Lĩnh vực nào cũng phải có chuẩn mực để phân định những giá trị. Từ đó mới có thể xếp trên dưới, thứ hạng. Không có chuẩn mực thì mọi sự sẽ bị định giá lung tung, nhiều khi bị đảo lộn. Sự đảo lộn giá trị sẽ dẫn tới mất ổn định nhiều mặt, có thể dẫn tới xung đột hủy hoại vô cùng nguy hiểm. Mà trong bất cứ lĩnh vực nào, sự ổn định cũng vô cùng quan trọng. Chỉ có ổn định mới có sự phát triển vững chắc, rồi từ đó lượng đổi thành chất, mới mong có bước nhảy vọt, đột biến.
Văn chương nghệ thuật là một lĩnh vực cao siêu, phức tạp. Nhưng dù cao siêu phức tạp đến đâu cũng có chuẩn mực để định giá. Vì thế, từ ngàn xưa lịch sử mới thống nhất xóa bỏ những thứ phi nghệ thuật, những thứ nghệ thuật non yếu, chỉ giữ lại những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Đó là sự sàng lọc khách quan, tự nhiên ngoài ý muốn của mọi cá nhân, thế lực. Vì vậy, những người công minh là người biết tôn trọng giá trị thực, tôn trọng chân lý. Nên làm một người công minh thật khó lắm thay!
Càng nghĩ càng thấy cụ Nguyễn Du sâu sắc khi viết chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Thực ra, thì bằng ba hay bằng mấy chỉ là cách nói. Nhưng câu ấy đã xác định vị trí của chữ tâm là cao hơn chữ tài, và chuẩn mực định giá cũng chỉ từ hai thứ ấy. Người công minh là người có được hai thứ ấy, có tấm lòng và có tài năng. Nếu thiếu một trong hai điều ấy thì rất khó làm người công minh. Nếu hai điều ấy kết hợp hài hòa trong một con người thì nó có thể nhân lên giá trị trong nhìn nhận, đánh giá. Những tài năng lớn thì hai điều này thường song hành. Vì vậy, từ xưa đến nay, những người được chọn vào ban chấm thi, hội đồng xét giải phải là những người có uy tín cả về đạo đức và chuyên môn. Đối với lĩnh vực văn chương thì đó thường là những nhà văn nhà thơ lớn.
Trước đây, những cuộc thi thơ mà hội đồng xét giải có tên các nhà thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên, nhà phê bình Hoài Thanh là giới nhà văn và công chúng yên tâm. Các tác giả thơ cứ thế mà tin tưởng gửi bài. Quần chúng yêu thơ cứ đọc những bài thơ được tuyển chọn đăng báo để thấy thế nào là thơ chất lượng, đọc những bài được giải thưởng để thấy thế nào là thơ hay. Những tác giả đạt giải cao được giới nhà thơ và công chúng yêu thơ trân trọng, theo dõi những bài thơ tiếp theo của họ. Hai cuộc thi thơ của báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) 1969- 1970 và 1972-1973 đã đạt được chuẩn mực ấy. Những trạng nguyên của hai cuộc thi ấy là Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Đức Mậu, Lâm Thị Mỹ Dạ đã tiếp tục phát triển tài năng trở thành những nhà thơ có uy tín trên thi đàn mấy chục năm qua.
Những năm gần đây, có phải cơ chế thị trường đã tác động làm cho chuẩn mực văn chương không còn được như trước? Một số nhà văn, nhà phê bình đã tung hứng một số hiện tượng văn chương không đúng với giá trị thực. Một số hội đồng chấm và xét giải thưởng gây tâm lý ngờ vực cho các nhà văn và quần chúng yêu văn chương. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến sự phát triển của nền văn chương.
Chuẩn mực mà lệch lạc thì đời sống văn chương sẽ rối loạn. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đối với nền văn chương nước nhà phải đặc biệt chú ý đến điều này. Văn chương là trụ cột của văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật là trụ cột của nền văn hóa. Đừng để văn chương cũng loạn chuẩn như một số lĩnh vực văn hóa hiện nay. Có giữ được chuẩn mực cho văn chương thì mới mong xây dựng được nền văn học nghệ thuật tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Mới mong có được những tác phẩm đỉnh cao xứng đáng với dân tộc và thời đại.