Đồ uống trong cuộc cạnh tranh

Thanh Giang 14/07/2017 08:25

Mặc dù thị trường nước giải khát được đánh giá khá tiềm năng nhưng sản xuất đồ uống đang có dấu hiệu tăng trưởng chững lại. Sản phẩm nước uống đống chai ngoại nhập đang ồ ạt chiếm lĩnh thị trường với số lượng dồi dào, mẫu mã nổi trội.

Nước đóng chai ngoại tràn ngập thị trường.

Trong khi đó, với sức tiêu thụ của thị trường với dân số 90 triệu dân, thực phẩm và đồ uống đang là ngành được đánh giá có sức hấp dẫn thứ hai sau ngành bán lẻ với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện TP HCM có 2.042 doanh nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm và đồ uống. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp gia nhập ngành hàng năm khoảng 300 đơn vị.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống có tốc độ 18,82%/năm trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2017.

Dù doanh nghiệp tham gia trong ngành đông nhưng doanh thu ngành đồ uống hiện đang tập trung vào một vài doanh nghiệp sản xuất lớn như Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn, Công ty Liên doanh Nhà máy bia Việt Nam.

Năm 2016, chỉ tính ngành bia, sản lượng bia các loại của cả nước sản xuất đạt 3,786 tỷ lít, tăng 9,3% so với năm 2015. Mặc dù được đánh giá khá tiềm năng nhưng theo báo cáo 6 tháng đầu năm của Sở Công thương TP HCM, ngành sản xuất đồ uống tại TP đang có dấu hiệu tăng trưởng chững lại. Cộng dồn 6 tháng năm 2017 mức tăng trưởng của ngành chỉ có 2%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ đến 12%.

Như vậy, sau khoảng thời gian dài liên tục tăng trưởng sản xuất hàng tháng ở mức 2 con số ở trong năm 2016, đến nay ngành này đang sản xuất chậm lại.

Sản lượng các sản phẩm đồ uống dư thừa so với nhu cầu thị trường, sản xuất giảm chứng tỏ tình hình tiêu thụ có khó khăn. Lý giải tình trạng giảm sút tăng trưởng của ngành đồ uống và nước giải khát, Sở Công thương TP HCM cho hay, nhu cầu thị trường nước giải khát có phần giảm sút trong khoảng thời gian qua là do thời tiết mưa lạnh ở cuối năm 2016 và kéo qua đầu năm 2017 vừa qua.

Đối với ngành sản xuất đồ uống có cồn cũng đang chịu ảnh hưởng của các chính sách hạn chế tiêu dùng, lạm dụng bia rượu như việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt lên 60% đã được áp dụng từ thời điểm 1/1/2017.

Tỷ lệ tăng trưởng sản xuất của ngành nước uống đóng chai có giảm sút nhưng giới kinh doanh trong ngành vẫn dự báo ngành tiếp tục đà tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm 2017 do nhu cầu thị trường vẫn lớn, đặc biệt là mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa vẫn rất khả quan.

Với hàng loạt danh mục sản phẩm nước uống đóng chai khá phong phú song áp lực cạnh tranh không hề nhỏ vì doanh nghiệp sản xuất đồ uống nội địa đang gồng mình giành giật thị trường với doanh nghiệp ngoại.

Tại các hệ thống bán lẻ hiện đại và truyền thống, nước uống đóng chai của các nước như: Pháp, Úc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia… có mặt đầy đủ trên quầy kệ với số lượng lớn.

Thậm chí, Việt Nam nổi tiếng là xứ sở dừa tươi nhưng nước dừa đóng chai xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia đã có mặt trên quầy kệ của hệ thống bán lẻ hiện đại.

Đồng hành cùng mặt hàng đồ uống, bia ngoại cũng dồi dào về số lượng, nổi trội về mẫu mã. Sản phẩm bia từ các châu Á đến châu Âu đều có mặt.

Đại diện một số hệ thống bán lẻ hiện đại khẳng định, nước uống đóng chai của các nước đang được người tiêu dùng chú ý. Nhận định về thị trường nước uống đóng chai không ít ý kiến cho rằng, thị trường này sẽ tiếp tục cạnh tranh khốc liệt, sản phẩm ngoại sẽ ồ ạt chiếm lĩnh nhiều hơn. Bởi vì đến nay Việt Nam ký hơn 10 hiệp định thương mại tự do với các nước.

Sắp tới đây khi chúng ta ký TPP với 11 nước và ký với EU là 28 nước, như vậy tổng cộng có khoảng 50 – 60 đối tác mà Việt Nam cam kết giảm thuế quan.

Khi thuế suất nhập khẩu của nhiều mặt hàng giảm về 0%, các sản phẩm đồ uống ngoại nhập sẽ trở thành “làn sóng” lớn mạnh tấn công thị trường Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồ uống trong cuộc cạnh tranh