Lãi suất huy động trên thị trường đang đồng loạt hạ khá mạnh với mức giảm khoảng 1-2%/năm so giai đoạn cao điểm (khoảng tháng 11/2022). Động thái này được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ kéo giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới để góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất và thực tế lãi suất trên thị trường đã bắt đầu giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%; đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Lãnh đạo NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng giảm lãi suất.
Thực tế cho thấy bắt đầu tư 4/3, một loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động 0,5%/năm tại nhiều kỳ hạn. Nhiều ngân hàng khác thông báo giảm lãi suất từ ngày 6/3.
Cụ thể, VietABank đã giảm lãi suất thêm 0,4-0,5%/năm với nhiều kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất kỳ hạn dưới 15 tháng cao nhất chỉ còn 9%/năm. Lãi suất cao nhất 9,1%/năm chỉ còn áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng trở lên.
Ngân hàng TMCP NCB cũng giảm lãi suất huy động 2 lần liên tiếp trong 4 ngày đầu tháng 3, đưa lãi suất huy động kỳ hạn cao nhất chỉ còn 9,25%/năm, tức giảm 0,75%/năm so với cuối tháng 2/2023.
Trong khi đó, MSB thông báo sẽ giảm lãi suất huy động từ 5/3 với mức giảm 0.5%/năm kỳ hạn từ 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng. Lãi suất kỳ hạn cao nhất tại MSB chỉ còn 9%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi kỳ hạn dài (15 và 24 tháng).
BacABank thông báo giảm lãi suất huy động 0.3% -0,5% từ đầu tuần tới (6/3). Theo đó, lãi suất kỳ hạn cao nhất chỉ còn 9,2%/năm dành cho khoản tiền gửi trên 1 tỷ đồng kỳ hạn từ 13 tháng.
Trước đó, một loạt ngân hàng cũng đã giảm lãi suất huy động.
Lãi suất của SaigonBank kỳ hạn cao nhất chỉ còn 9%/năm. Tại PVCombank, lãi suất kỳ hạn cao nhất cũng chỉ còn 8,9%/năm (kỳ hạn 12 tháng). Tại OCB, lãi suất huy động các kỳ hạn 6-12 tháng cũng giảm 0,5%, lãi suất kỳ hạn cao nhất chỉ còn 8,8%/năm. Thậm chí, tại PGBank, lãi suất huy động kỳ hạn cao nhất đã về dưới 8%/năm…
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế quốc dân), Việt Nam có dư địa để giảm lãi suất. Điều kiện cho phép ở đây là lạm phát của Việt Nam đang ở vùng tương đối thấp (trung bình trong năm qua khoảng 3,15%). Tuy nhiên, bước sang quý I/2023, lạm phát tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, từ tháng 2 trở đi sẽ giảm dần và xuống khoảng 3 - 3,5% trong vòng 2, 3 tháng tới. “Vì vậy, lạm phát không phải là vấn đề quan ngại, gây sức ép để Việt Nam tăng lãi suất" - ông Thế Anh cho hay.
Nhiều dư địa giảm lãi suất cho vay
Lãi suất huy động giảm, điều này đồng nghĩa chi phí đầu vào của ngân hàng giảm. Song điều mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) là giảm lãi suất cho vay để DN có thể vực dậy. Nói như ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA), nếu lãi suất cho vay trung, dài hạn trên 10% thì DN "không có cửa" để đầu tư. Cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, vừa qua NHNN đã cấp room tín dụng cho 8 ngân hàng. Và trong động thái nỗ lực hạ lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, NHNN cho biết các ngân hàng có lãi suất cho vay thấp hơn sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn các ngân hàng khác. Như vậy sẽ có ngân hàng chủ động giảm một phần biên lãi ròng (NIM) để có thể nhận được hạn mức phân bổ tín dụng cao hơn trong tương lai.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), trong khi kênh vốn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu DN giảm sút, tắc nghẽn thì ngân hàng vẫn duy trì tốt kênh tín dụng. Và với việc bung ra các gói tín dụng trong thời gian qua cùng nỗ lực hạ lãi suất cho vay sẽ giảm thiểu áp lực, căng thẳng cho DN. Việc giảm lãi suất càng nhiều sẽ càng kích thích thị trường.
Ông Thịnh phân tích thêm, những tháng đầu năm 2023, lạm phát ở mức tương đối thấp, tình hình thanh khoản ngân hàng như lãnh đạo NHNN khẳng định là cải thiện. Do đó, việc hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay trở thành một trong những đòi hỏi bắt buộc. Từ đó hỗ trợ giảm chi phí vốn cho DN trong bối cảnh khó khăn hiện tại.
Có thể thấy, những tín hiệu mới của lãi suất là khá lạc quan tạo động lực cho DN kinh doanh sản xuất nói riêng và cho cả nền kinh tế nói chung.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh(Đại học Kinh tế Quốc dân), năm 2023, dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ tăng lãi suất 2 lần, sau đó sẽ dừng lại. Sức ép để Việt Nam tăng lãi suất bao gồm lạm phát và lãi suất từ bên ngoài rất ít. Do vậy, lãi suất của Việt Nam hiện nay đang ở mức đỉnh và bắt đầu trên đà đi xuống. Tuy nhiên, lãi suất giảm nhanh hay chậm phụ thuộc vào quan điểm của nhà điều hành. Nếu thận trọng, họ có thể quan sát cho đến khi lạm phát của Việt Nam rõ ràng hơn và đợi tín hiệu của việc Fed dừng tăng lãi suất (khoảng tháng 5 năm nay), lúc đó nhà điều hành có thể bắt đầu hạ lãi suất. Nếu lạc quan hơn, nhà điều hành có thể giảm lãi suất sớm hơn.